Các quan hệ hôn nhân gia đình thể hiện rõ ràng cơ chế điều chỉnh của cổ luật hôn nhân gia đình, có khả năng loại trừ, ngăn chặn những hành vi vi phạm một cách có hiệu quả đồng thời bảo đảm cho các chế định về hôn nhân và gia đình được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế.
Mục lục bài viết
1. Những mặt tích cực về chế định hôn nhân trong Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ:
* Trong nội dung chế định hôn nhân gia đình của QTHL và HVLL.
Thứ nhất, chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và phong tục tập quán.
Cả QTHL và HVLL đều tương đồng về quan điểm này. Điển hình là Điều 642 QTHL quy định: Việc không được phép làm mà làm thì việc lớn xử tội đồ hay lưu, việc nhỏ xử tội biếm hay phạp [37, tr.217] và Điều 351 HVLL quy định: Phàm những việc không nên làm mà làm, thì phạt 40 roi. Sự việc nặng thì phạt 80 trượng (Luật không có tội danh, việc phạm phải có nặng có nhẹ, đều phải lượng tình mà trị tội [36, tr.895]. Ta nên hiểu thế nào là Việc không được phép làm hay những việc không nên làm. Đó là những điều mà tục lệ, luân lý xã hội không cho phép làm. Như vậy, phạm vi áp dụng của Điều 642 QTHL và Điều 351 HVLL thật quá rộng. Nó là chế tài của tất cả những điều của luân lý, tục lệ xã hội.
Do điều kiện kinh tế chính là nông nghiệp mang nặng tính tự cấp tự túc, Tính cố kết về quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết thống trong làng chạ được ghi nhận trong lĩnh vực hương ước và luật tục trong nhiều trường hợp là kim chỉ nam để người dân ứng xử và điều chỉnh các hành vi xử sự cụ thể trong hôn nhân gia đình. Pháp luật hôn nhân gia đình thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn thừa nhận và xem hương ước luật tục cũng là một nguồn pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ về hôn nhân gia đình trong xã hội cổ xưa.
Đây là những vấn đề lý luận, những bài học kinh nghiệm của cổ luật hôn nhân và gia đình nhà Lê và nhà Nguyễn trong việc giải quyết hài hòa giữa phong tục và pháp luật. Việc kế thừa và phát huy những mặt tích cực của phong tục, luật tục, hương ước trong việc soạn thảo pháp luật hiện nay, để luật phù hợp với thực tế cuộc sống, đi vào cuộc sống và giữ được các giá trị văn hóa truyền thống là vấn đề hết sức cần thiết.
Thứ hai, QTHL và HVLL đều đề cao giá trị đạo đức truyền thống, bảo vệ sự ổn định và hòa thuận trong gia đình.
Trong những quy định về hôn nhân và gia đình giá trị đạo đức luôn được QTHL và HVLL quy định rất chặt chẽ thể hiện tư tưởng tiến bộ không những trong vấn đề kết hôn mà còn là nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Các mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con cái; giữa bậc tôn trưởng và ấu ty; giữa các anh chị em trong gia đình, giữa vợ cả, vợ lẽ và nàng hầu.... đều được 2 bộ luật này quy định cụ thể, chi tiết. Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, phải tôn kính bậc tôn trưởng trong gia đình. Các chuẩn mực đạo đức về ứng xử trong gia đình truyền thống đã được quy định thành pháp luật khiến bất cứ cá nhân nào đặt vào hoàn cảnh đó cũng khó mà làm trái với luân thường đạo lý. Thể hiện rõ nét ở việc cổ luật cấm kết hôn giữa những người có cùng huyết thống: Điều 319 QTHL minh thị: Người vô loại lấy cô, dì, chị em gái, kế nữ con riêng của vợ, người thân thích đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội. Tương tự, Điều 100 HVLL cũng quy định: Phàm người cùng một họ mà lấy nhau, thì (chủ hôn và con trai, con gái) đều bị xử phạt 60 trượng, bắt phải li dị. Xuất phát từ truyền thống đạo đức gia đình Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thì trong gia đình phải có tôn ti trật tự, phải có trên, có dưới nên việc quy định này không những đảm bảo hôn nhân trong trong xã hội phong kiến vừa có thể duy trì nòi giống, vừa đảm bảo những đứa trẻ sinh ra phát triển bình thường, khỏe mạnh không bị những dị tật bẩm sinh do cận huyết thống gây ra, trên cơ sở đó bảo vệ gia đình truyền thống bằng luân lý đạo đức.
QTHL và HVLL đều quy định rất rõ nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, trong đó đặc biệt coi trọng nghĩa vụ của những người thuộc thế hệ sau đối với những người lớn tuổi. Cụ thể, Nghĩa vụ phải vâng lời dạy bảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ (quy định tại Điều 506 QTHL và Điều 307 Hoàng Việt lệ); cho phép con, cháu được chịu tội thay cho ông bà cha mẹ bị phạt roi hay trượng (Điều 38 QTHL). Để duy trì sự thuận hiếu trong gia đình, giữ gìn đạo lý phong kiến trong xã hội, pháp luật phong kiến Việt Nam không cho phép con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ (Điều 475, 476, 504 và 511 QTHL; Điều 298, Điều 306 HVLL). Nếu vi phạm sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Đây là những quy định mang đậm dấu ấn của tư tưởng Nho giáo. Điều này không những thể hiện truyền thống đạo đức trong gia đình ngày xưa của nước ta mà còn phản ánh tính giáo dục răn đe của pháp luật. Qua đó thể hiện QTHL và HVLL đề cao hai chữ hiếu nghĩa, nếu người nào thuộc loại bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân sẽ bị xã hội lên án và pháp luật không dung tha.
Trong quan hệ vợ chồng, một trong hai bên có hành vi gây tổn hại đến bên kia cũng bị xử lý nghiêm minh (Điều 481 QTHL và Điều 284 HVLL). Mặc dù có sự chênh lệch về mức hình phạt giữa việc vợ đánh chồng và chồng đánh vợ, tuy nhiên dưới chế độ phong kiến bảo vệ quyền của người gia trưởng thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Đây có thể coi là điểm tiến bộ trong hai Bộ luật QTHL và HVLL đã phần nào đề cao sự bình đẳng của người vợ, mặt khác là đề cao giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình.
Thứ ba, QTHL và HVLL bước đầu thể hiện tính dân chủ sâu sắc, bảo vệ quyền bình đẳng giữa vợ và chồng
Lần đầu tiên trong pháp luật phong kiến thừa nhận quyền thuận tình ly hôn của vợ chồng. Cụ thể, Điều 108 HVLL có quy định: Nếu vợ chồng không thể hòa hợp, thế là tuyệt tình chứ không phải tuyệt nghĩa, mặc dù không có điều gì bắt buộc phải ly dị và làm cho hết ân nghĩa vợ chồng, họ có thể được phép bỏ nhau mà không phạt tội. Đồng thời, Điều 108 HVLL còn có quy định mang tính nhân đạo cao, phù hợp với đạo lý của dân tộc ta, đó là hạn chế quyền tự do ly hôn của người chồng, trong trường hợp không được bỏ vợ dù vợ đã phạm phải một trong các trường hợp thất xuất nhưng lại có được 3 điều không được bỏ (gọi là tam bất khứ): 1) Khi người vợ đã để tang nhà chồng 3 năm; 2) Khi vợ chồng lấy nhau nghèo, về sau giàu có; 3) Khi vợ chồng lấy nhau, vợ còn có bà con họ hàng, lúc bỏ nhau vợ không còn bà con nào để về.
Ngoài ra, cả hai Bộ luật QTHL và HVLL đều quy định trường hợp cho phép người vợ xin ly hôn. Cụ thể: QTHL quy định người vợ có quyền trình quan xin ly hôn khi xảy ra một trong hai trường hợp: Chồng bỏ lửng vợ năm tháng không đi lại, nếu đã có con thì là 1 năm (Điều 308) hoặc chồng mắng nhiếc cha mẹ vợ một cách phi lý (Điều 333). HVLL thì quy định người vợ có quyền bỏ chồng trong 5 trường hợp: chồng dung túng và ép buộc vợ thông dâm với người khác, chồng bỏ trốn 3 năm không về; chồng đánh vợ đến mức bị thương, chồng cầm cố vợ con không có tội bị bố mẹ chồng đánh trọng thương.
Những quy định trên đã thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người vợ, người vợ có quyền tự quyết định hôn nhân của mình và có quyền ly hôn trong một một số trường hợp chồng phạm lỗi. Cả hai bộ luật cũng đã thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ giữa vợ và chồng trong đó vợ và chồng đều có nghĩa vụ đối với nhau, đều sẽ bị áp dụng hình phạt nếu không thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 108 HVLL còn quy định: Phàm người vợ ở trong điều kiện không được bỏ và đối với chồng chưa nghĩa tuyệt là kẻ nào tự tiện bỏ vợ thì bị phạt đánh 80 trượng [36, tr.446]. Quy định này cho thấy cách nhìn nhận mới mẻ, tiến bộ của các nhà làm luật thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn trong bối cảnh xã hội còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Sau khi ly hôn người phụ nữ vẫn được đảm bảo về danh dự và nhân phẩm. Nếu người phụ nữ tái hôn với người khác thì người chồng cũ không được có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp đó. Cụ thể, Điều 308 QTHL quy định: ... Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm. Từ quy định này ta có thể thấy tư tưởng các nhà làm luật thời Lê rất tiến bộ cho nên mới lường trước được trường hợp này bởi thực tế dưới xã hội phong kiến, coi trọng vị trí người gia trưởng nên với trường hợp người vợ ly hôn do lỗi của người chồng thì người chồng thường nảy sinh các quan điểm tiêu cực, thấy bị mất danh dự và dễ dẫn tới việc nói xấu vợ cũ, ngăn cản vợ cũ lập gia đình.
* Trong kỹ thuật lập pháp
Thứ nhất, điểm tiến bộ lớn nhất về chế định hôn nhân gia đình của của hai Bộ luật này là đã chú ý đến tính hệ thống trong nội dung các điều luật. Các nhà làm luật đã ghép tương đối hợp lý các điều gần nhau về tính chất vào một chương. Cụ thể: QTHL quy định các điều luật về Hôn nhân gia đình trong quyển III chương V: Hộ hôn, gồm có 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân – gia đình và các tội phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó HVLL cũng ghép các điều luật quy định về hôn nhân và gia đình vào quyền VII Chương III: Hôn nhân (Gồm 16 điều).
Thứ hai, Các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL luôn đi cùng các chế tài cố định – Đây là điểm khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành ở các nước phương Đông, phương Tây. Hình phạt áp dụng cho hành vi vi phạm cũng rất đa dạng, có thể xử đến tội chết (như giảo, chém) hoặc đánh roi, đánh trường hoặc lưu.... Ví dụ, Điều 483 QTHL quy định:
Vợ đánh chửi những bậc tôn trưởng nhà chồng từ hàng cơ thân trở xuống, ty ma trở lên, thì xử nhẹ hơn tội đánh chồng một bậc (tội nhẹ thì nặng hơn tội đánh người thường một bậc). Vợ lẽ phạm tội trên, thì không được giảm, đánh chết thì đều xử giảo. Người vợ đánh bị thương những người hàng dưới thì phải tội như là tội chồng phạm tội ấy, xử như người chồng. Đánh chết con cháu của anh em chồng thì phải lưu đi châu ngoài, cố ý giết thì xử tội giảo; vợ lẽ phạm những tội trên, thì xử như tội đánh nhau thường....
Với việc xác định rõ ràng biện pháp chế tài áp dụng đối với chủ thể xâm phạm các quan hệ hôn nhân gia đình thể hiện rõ ràng cơ chế điều chỉnh của cổ luật hôn nhân gia đình, có khả năng loại trừ, ngăn chặn những hành vi vi phạm một cách có hiệu quả đồng thời bảo đảm cho các chế định về hôn nhân và gia đình được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế.
Một số quy phạm pháp luật có cách trình bày độc đáo, dễ hiểu. Đó là cách diễn đạt quy phạm bằng việc mô tả những tình huống cụ thể. Ví dụ Điều 104 HVLL quy định trường hợp cưới phụ nữ đang bỏ trốn:
Phàm cưới phụ nữ phạm tội (đã bị phát giác với quan ti) đang bỏ trốn (ở bên ngoài) làm thê thiếp, nếu là biết rõ sự tình (đang bỏ trốn) thì xử tội giống như thế (giống như tội của kẻ bỏ trốn). Đến mức xử tử thì cho giảm một mức, bắt phải ly dị. Nếu không biết thì không bắt tội ... Chẳng hạn như người phụ nữ phạm tội bị xử phạt 100 trượng, nay bỏ trốn thì đáng xử nặng thêm hai mức, phạt 70 trượng, đồ 1 năm rưỡi. Biết rõ sự tình mà vẫn lấy thì xử phạt 100 trường. Nguyên tội của phụ nữ nếu đến mức xử tử, thì người biết sự tình vẫn lấy được giảm đi một mức, xử phạt 100 trượng, lưu đày 3000 dặm, bắt phải li dị. Con gái thì trả về bản tông .
Cách diễn đạt quy phạm pháp luật dưới hình thức này khiến cho các quy định phức tạp cũng có thể được diễn đạt một cách đơn giản dưới hình thức mô tả. Vì thế người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn, và có thể hiểu đúng tinh thần của điều luật.
2. Một số hạn chế mang tính lịch sử trong các quy định pháp luật hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL:
Trên cơ sở bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị mà tiêu biểu là quyền lợi của nhà vua và triều đình, với sự chi phối của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó duy trì quan hệ đẳng cấp, sự bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền lợi người gia trưởng nên các quy định trong cổ luật không thể tách rời khỏi các điều kiện lịch sử. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, thời kỳ trị vì của triều đại nhà Lê sơ và nhà Nguyễn những quy định này lại phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội, phù hợp với phong tục tập quán đã từng tồn tại và được ưa chuộng của quần chúng nhân dân. Do đó việc đánh giá các quy định của cổ luật cần được xem xét trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong sự tương quan với các văn bản pháp luật khác cùng thời đại. Tuy nhiên, xét ở một góc độ tương đối, lấy quy chuẩn của những quan điểm pháp lý chung, có thể liệt kê một số hạn chế mang tính lịch sử trong nội dung chế định hôn nhân gia đình của QTHL và HVLL.
Thứ nhất, QTHL và HVLL có những quy định mang nặng đạo đức luân lý của gia tộc.
Trong cả 2 Bộ luật QTHL và HVLL vấn đề hôn nhân là do cha mẹ quyết định, nếu cha mẹ đã chết thì do bậc tôn trưởng quyết định, loại trừ sự tự do cá nhân của hai bên nam nữ (Quy định tại Điều 314 QTHL và Điều 94 HVLL). Quy định này với mục đích bảo vệ gia đình gia trưởng phong kiến.
Đồng thời, quy định cấm kết hôn trong các trường hợp vi phạm hiếu nghĩa: Cấm kết hôn khi đang có tang cha, mẹ hoặc tang chồng (Điều 317 QTHL và Điều 98 HVLL), Cấm kết hôn khi ông bà, cha mẹ bị giam cầm tù tội (Điều 318 QTHL và Điều 99 HVLL). Ta có thể thấy từ thời Lê sơ đến triều Nguyễn vẫn quy định cấm kết hôn trong những trường hợp này, thể hiện tư tưởng con cháu trong gia đình phải làm tròn chữ hiếu trước tiên, việc cưới hỏi của bản thân phải gác lại nếu nhà đang có tang ông bà cha mẹ hay thậm chí là ông bà cha mẹ đang đi tù. Hiện nay pháp luật nước ta không còn các quy định tương tự như vậy, tuy nhiên theo tục lệ một vài địa phương vẫn còn xảy ra các trường hợp Cưới chạy tang.
Thứ hai, QTHL và HVLL đều bảo vệ quyền gia trưởng trong gia đình.
Với sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, pháp luật hôn nhân gia đình dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn đều có xu hướng thiên về bảo vệ quyền lợi của người chồng, người gia trưởng. Sự bất bình đẳng được thể hiện rõ qua các nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng, cũng như tội phạm do vi phạm nghĩa vụ này được hai bộ luật đặt ra khá chặt chẽ song phần lớn là đặt ra với người vợ. Cụ thể: Nghĩa vụ chung thủy chỉ được đặt ra với người vợ chứ không đặt ra với người chồng bởi xã hội phong kiến cho phép người chồng lấy nhiều vợ (Điều 401 QTHL và Điều 332 HVLL). Tiếp đến là nghĩa vụ tòng phu được thể hiện qua việc người vợ không được đánh chồng, không được tố cáo chồng và phải tôn trọng mọi quyết định của chồng (Điều 481, 504 QTHL và Điều 284, 289, 290 HVLL). Hình phạt cho các trường hợp người vợ không tuân theo những nghĩa vụ trên rất hà khắc. Ví dụ: Điều 332 HVLL quy định phạt người vợ thông gian và gian phu 100 trượng, và cho chồng được quyền tùy ý gả bán vợ cho người khác. Hoặc cùng với một hành vi phạm tội nhưng hình phạt giữa vợ và chồng là khác nhau, người vợ sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn. Ví dụ: Vợ đánh chồng thì xử lưu đi châu ngoài, đánh bị thương, què gãy thì lưu đi châu sa, điền sản trả lại cho chồng. (Điều 481 QTHL). Tuy nhiên: Chồng đánh vợ bị thương thì xử nhẹ hơn tội đánh người thường bị thương ba bậc, nếu đánh chết thì xử nhẹ hơn tội đánh giết người ba bậc.
Một điểm nữa thể hiện sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng là khi người vợ phải để tang chồng trong thời gian là 3 năm, bằng thời gian để tang cha mẹ, với những quy định rất khắt khe, chặt chẽ về trang phục, về cách xử sự... trong suốt thời gian đó. Tuy nhiên, trong trường hợp người vợ chết trước thì pháp luật không hề có quy định để tang vợ của người chồng.
Thứ ba, một số hạn chế về kỹ thuật lập pháp.
Nhà làm luật triều Lê và triều Nguyễn đã gộp tất cả các quan hệ hôn nhân gia đình cũng như các quan hệ dân sự vào trong bộ luật hình sự và áp dụng cho tất cả các quan hệ chế tài hình sự khi có vi phạm. Việc áp dụng chế tài hình sự để xử lý các quan hệ hôn nhân gia đình trong trường hợp có vi phạm là không phù hợp song mặt khác nó có tác động đến bảo đảm hiệu lực của luật.
Các quy định về hôn nhân gia đình còn nằm rải rác trong các chương khác nhau của bộ luật mà không tập trung vào một phần hoặc một chương riêng nên tính pháp điển hóa không cao.