Căn cứ vào tình trạng vợ chồng khi hôn nhân chấm dứt, có thể chia thành hai trường hợp chấm dứt hôn nhân trong thời kỳ phong kiến, bao gồm: do một bên vợ hoặc chồng chết trước hoặc do hai bên ly hôn.
Căn cứ vào tình trạng vợ chồng khi hôn nhân chấm dứt ta có thể chia thành hai trường hợp chấm dứt hôn nhân: do một bên vợ hoặc chồng chết trước hoặc do ly hôn.
Mục lục bài viết
1. Hôn nhân chấm dứt do vợ hoặc chồng chết trước:
Bộ luật QTHL và HVLL tuy không có điều khoản nào quy định một cách trực tiếp và cụ thể nhưng có các điều khoản gián tiếp quy định về trường hợp này. Theo tinh thần và nội dung của Điều 2, Điều 317 QTHL và Điều 98 HVLL, nếu người chồng chết trước thì quan hệ nhân thân vẫn chưa chấm dứt ngay mà vẫn tồn tại trong thời gian vợ phải để tang chồng. Trong thời gian 3 năm để tang chồng, người vợ chưa được đi lấy chồng khác, vẫn phải ở nhà chồng để thực hiện các nghĩa vụ đối với gia đình chồng. Hết thời gian này quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt người vợ có thể đi cái giá hoặc ở vậy nguyện thủ tiết với chồng (Quy định tại Điều 320 QTHL và Điều 94 HVLL). Quy định này cũng không ngoài mục đích đề cao Tiết hạnh của người phụ nữ.
Ngược lại, nếu người vợ chết trước, QTHL không có quy định người chồng phải để tang và quan hệ nhân thân được chấm dứt ngay. Tuy nhiên, theo quy chế trang phục được quy định tại HVLL quy định thời gian chồng phải để tang vợ là 1 năm. Tuy pháp luật không quy định phải hết tang vợ mới được đi lấy vợ khác nhưng hết thời gian này thì quan hệ vợ chồng cũng sẽ chấm dứt. Đây có thể coi là điểm tiến bộ của HVLL so với QTHL.
2. Ly hôn:
Ly hôn là sự chấm dứt hôn nhân khi vợ chồng còn sống. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn có thể xuất phát từ người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai. Căn cứ vào nguyên nhân ly hôn có thể chia làm 4 loại.
* Ly hôn do lỗi của người vợ – QTHL quy định
Điều 310 QTHL quy định: Nếu vợ cả vợ lẽ phạm phải điều nghĩa tuyệt (như thất xuất) mà người chồng chịu giấu không bỏ thì xử tội biếm, tùy theo việc nặng nhẹ [37, tr.120]. Theo tinh thần của điều luật này, người chồng buộc phải bỏ vợ dù vợ, chồng có muốn hay không. Chế tài Thất xuất có nguồn gốc từ luật pháp Trung Hoa và lần đầu tiên trong Hồng Đức thiện chính thư, đã được nhà làm luật triều Lê vận dụng và giải thích thất xuất là:
1) Không con, không có con là bất hiếu với cha mẹ, vì vậy phải bỏ vợ. 2) Ghen tuông, không bỏ vợ thì bại hoại gia đình. 3) Ác tật (bị bệnh phong hủi) vì vậy khi có việc cúng giỗ, người vợ không làm được cỗ để cúng tế. 4) Dâm đãng, không bỏ vợ thì bại hoại gia đình. 5) Không kính cha mẹ. 6) Lắm lời, nên làm cho anh em, gia đình không hòa thuận. 7) Trộm cắp, không bỏ vợ thì vạ lây đến nhà chồng
Trong số 7 nguyên cớ nói trên thì có 5 nguyên có thuộc lỗi chủ quan: ghen tuông, dâm đãng, không kính cha mẹ, lắm lời, trộm cắp. Hai duyên cớ còn lại (không con, ác tật) không hoàn toàn do lỗi của người vợ mà xuất phát từ yếu tố khách quan đem đến những nhà lập pháp vẫn xem đó là duyên cớ để chồng có thể bỏ vợ. Điều này cũng dễ hiểu khi mà mục đích chính của hôn nhân là sinh con nối dõi thì quyền lợi của gia đình được được đặt lên trên quan hệ hôn nhân.
Khi người vợ phạm phải một trong bảy điều trên thì việc bỏ vợ được xem như là để bảo vệ quyền lợi của cả gia đình chứ không phải đơn giản chỉ là mối quan hệ giữa chồng và vợ. Trong trường hợp chồng giấu không chịu bỏ thì bị xử tội biếm (biếm chức: giáng chức quan) tùy theo việc nặng nhẹ. Như vậy, với chế tài Thất xuất, nhà làm luật nhằm đặt quyền lợi, danh dự của đại gia đình lên trên hết. Người vợ chỉ cần phạm một trong bảy điều trên thì người chồng buộc phải bỏ vợ chứ không theo ý chí, tình cảm của người chồng.
– HVLL quy định
Căn cứ tinh thần và nội dung của HVLL thì người chồng có thể ly hôn khi vợ phạm phải các lỗi sau:
- Lỗi thất xuất
Điều 108 HVLL quy định các trường hợp người đàn ông có thể bỏ vợ (thất xuất) tương tự như trong Hồng Đức Thiện chính thư, đó là không có con, dâm đãng, không phụng sự bố mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghen tuông, bị ác tật. Một điều đặc biệt trong Bộ luật là nếu người vợ phạm phải thất xuất thì người chồng không bắt buộc phải bỏ vợ. Điều 108 quy định dù vợ phạm phải thất xuất cũng không nên bỏ nếu không phải đã tuyệt nghĩa. Nhà lập pháp thời Nguyễn đã quy định 7 trường hợp người chồng có quyền bỏ vợ nhưng đã không xem nhẹ lợi ích cá nhân, không xem nhẹ tình nghĩa vợ chồng, nếu người vợ phạm phải thất xuất mà người chồng không bỏ thì cũng không phải chịu chế tài. Trong khi đó, Quốc triều thì quy định nếu người vợ phạm vào một trong bảy điều thất xuất thì người chồng bắt buộc phải bỏ vợ. Nếu người chồng không bỏ vợ thì pháp luật cũng buộc họ phải bỏ (Điều 310 QTHL). Với sự khác biệt này thì so với nhà Lê, pháp luật nhà Nguyễn đã bảo vệ người phụ nữ hơn đồng thời đã chú ý đặt lợi ích cá nhân bên cạnh lợi ích chung của gia đình.
Mặt khác, người chồng không có quyền bỏ vợ nếu người vợ ở trong ba trường hợp gọi là tam bất khứ, dù vợ có phạm vào thất xuất. Điều 108 HVLL có quy định:
Tuy phạm vào tội thất xuất (không có con trai, dâm dật, không kính cha mẹ chồng, đa ngôn, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật) nhưng lại có ba điều không đáng bỏ (đã cùng chịu tang 3 năm, trước nghèo hèn sau phú quý, có cưới xin không biết về đâu), mà lại ruồng bỏ thì xử nhẹ hơn hai mức bắt về đoàn tụ. Các quy định này nhằm bảo vệ ân nghĩa vợ chồng. Tam bất khứ có thể hiểu:
Khi người vợ đã để tang nhà chồng 3 năm: quy định này bảo vệ quyền lợi chính đáng của người vợ khi chuyên tâm thờ cúng cha mẹ chồng đã khuất. Trong 3 năm người vợ đã chăm lo việc thờ cúng, tế tự, không vui chơi ca hát, không đeo nữ trang ... để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ chồng. Người chồng không được quên sự ăn ở hiếu thảo đó mà bỏ vợ, dẫu VỢ phạm phải lỗi thất xuất.
Khi vợ chồng lấy nhau nghèo, về sau giàu có quy định này đã thừa nhận công lao, sự đóng góp của người vợ trong việc vun vén gia đình và giúp chồng tạo dựng công danh. Lúc cơ cực nghèo khổ người vợ luôn chia sẻ đỡ đần, đến lúc giàu sang phú quý người chồng cũng không được quên ân tình mà bỏ vợ.
Khi vợ chồng lấy nhau, vợ còn bà con họ hàng, lúc bỏ nhau vợ không còn bà con nào để trở về: quy định này có thể hiểu người vợ không còn bà con họ hàng nên không còn ai nương tựa ngoài chồng, nên người chồng không được bỏ vợ trong hoàn cảnh này.
Ba trường hợp trên xuất phát từ đời sống trọng tình nghĩa của người Việt Nam, đồng thời thể hiện tính nhân văn của cổ luật triều Nguyễn thông qua việc quan tâm đến thân phận người phụ nữ trong xã hội.
- Người vợ tự ý bỏ đi
Theo quan niệm Nho giáo người vợ có nghĩa vụ theo chồng nên việc tự ý bỏ đi khỏi nhà chồng là không được phép. Điều 108 HVLL có quy định: Đàn bà xét theo nghĩa thì phải theo chồng, chồng có thể bỏ vợ nhưng vợ không được dứt tình với chồng. Nếu như phản bội chồng mà bỏ trốn ra ngoài, thì xử phạt 100 trượng tùy theo chồng gả bán. Nhân lúc trốn chạy mà tạm thời lấy chồng khác thì xử tội giảo. Hoặc khi người chồng bỏ đi không có tin tức gì chưa đến 3 năm hoặc đã quá 3 năm mà người vợ không báo cho quan địa phương lại tự ý bỏ đi và cải giá cũng không được phép (Điều 108). Giải thích cho điều này nhà làm luật đã nói như sau: Trường hợp này do chồng trốn chạy không trở về nên không giống với trường hợp phản bội chồng. Thế nhưng vẫn còn đang trốn tránh có thể sẽ quay trở về mà lại đi cải giá, như thế là đã hết tình nghĩa, do vậy mà xử tội theo mức nặng nhẹ khác nhau. Cả hai trường hợp tự tiện trốn đi trên được coi là đã làm cho tình nghĩa vợ chồng đoạn tuyệt, người chồng có quyền bỏ vợ và thậm chí gả bán cho người khác.
- Vợ đánh chồng
Điều 284 HVLL quy định: Phàm vợ (thê) đánh chồng thì xử phạt 100 trượng. Chỉ cần đánh là bắt tội, đánh gây thương tích cũng xử như thế. Nếu người chồng tình nguyện xin ly dị thì cho phép. Trường hợp này người vợ đã phạm vào nghĩa tuyệt, tình nghĩa vợ chồng đã đoạn tuyệt nên bắt buộc phải ly dị nhưng nhà làm luật xét đến cái tình nên cho phép người chồng lựa chọn bỏ hoặc không bỏ.
- Người vợ phạm tội thông gian Quan niệm Nho giáo đề cao tiết hạnh của người phụ nữ. Đặc biệt đối với người phụ nữ đã có chồng thì giữ tiết hạnh trở thành nghĩa vụ thủy chung. Cho nên vợ không một lòng thủy chung với chồng thì sẽ bị trừng phạt. Điều 332 HVLL có quy định về trường hợp người vợ thông gian thì chồng có quyền bỏ vợ, thậm chí gả bán cho người khác (Trừ người đã thông gian với vợ mình).
* Ly hôn do lỗi của người chồng
Bên cạnh các quy định cho phép người chồng có quyền ly hôn, QTHL và HVLL cũng đã thừa nhận quyền yêu cầu ly hôn của người vợ khi người chồng vi phạm các nghĩa vụ căn bản.
QTHL quy định người vợ có quyền trình quan xin ly hôn khi xảy ra một trong hai trường hợp sau đây: Điều 308 QTHL quy định chồng bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại, đã có con thì một năm nếu vợ trình với quan sở tại và xã quan làm chứng thì sẽ mất vợ hoặc con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị (Điều 333 quy định).
THVLL cũng quy định, người vợ có quyền đề nghị ly hôn. Cụ thể, người vợ có quyền bỏ chồng trong 5 trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp người chồng dung túng và ép buộc thể thiếp thông dâm với người khác. Điều 333 HVLL quy định:
Phàm phạm tội dung túng thê thiếp thông dâm với người khác, thì cả người chồng lẫn gian phu, gian phụ đều phạt mỗi người 90 trượng. Ép buộc thê thiếp và con gái nuôi thông dâm với người khác, thì người chồng và cha nuôi đều xử phạt 100 trượng, gian phu xử phạt 80 trượng. Đàn bà con gái không phải chịu tội mà rồi trả về gia đình.
Luật pháp đã bảo vệ người phụ nữ trong trường hợp bị người chồng ép buộc thông dâm với người khác, giúp người phụ nữ thoát khỏi những đày đọa về mặt tinh thần trong cuộc hôn nhân đó.
Thứ hai, trường hợp người chồng bỏ trốn 3 năm không về. Lệ 2 Điều 108 HVLL quy định chồng bỏ trốn 3 năm không về thì cho phép trình báo lên quan ti chiểu theo luật lệ cho cải giá, cũng không bắt truy hồi tiền của sính lễ. Việc không bắt truy hồi tiền của sính lễ như một cách bồi thường về mặt vật chất và an ủi về mặt tinh thần đối với người phụ nữ.
Thứ ba, trường hợp người chồng đánh vợ đến mức bị thương (Điều 284 HVLL). Trong tương quan so sánh giữa tội chồng đánh vợ với tội vợ đánh chồng thì thông thường người vợ đánh chồng sẽ bị xử tội nặng hơn. Tuy nhiên, người chồng đánh vợ bị thương trở lên là một trong những điều kiện để người vợ đề nghị việc ly hôn. Tất nhiên việc ly hôn hay không ly hôn là căn cứ vào nguyện vọng của người vợ và người chồng cũng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý.
Thứ tư, trường hợp người chồng cầm cố vợ, con (Điều 95 HVLL) quy định:
Phàm nhận tiền của mà đem thể thiếp cầm cố (lập giao ước đưa cho) (tính theo ngày cho thuê) cho người khác làm thê thiếp, thì (người chồng đó) bị xử phạt 80 trường ... . Nếu biết rõ mà cứ cầm cố cưới xin, thì đều bị xử tội như thế và bắt phải ly dị (con gái trả về với cha mẹ, thể thiếp thì đưa về họ bản tông). Tiền của lễ lạt đưa sung công. Nếu không biết thì không bắt tội, cho phép thu hồi tiền sính lễ (nhưng vẫn bắt ly dị).
Thứ năm, không có tội bị bố mẹ chồng đánh trọng thương. Điều 288 HVLL quy định: Ông bà, bố mẹ... nếu không có lý do mà đánh con dâu, cháu gái, ... đến tàn tật phạt 80 trượng. Tật nặng tăng thêm một bậc, cho về với gia đình.
Ngoài ra pháp luật phong kiến quy định khi việc kết hôn vi phạm các điều kiện thiết yếu của hôn nhân thì vợ chồng buộc phải ly hôn.
* Thuận tình ly hôn
QTHL thời Lê không quy định việc chấm dứt hôn nhân do sự thuận tình của vợ chồng mà chỉ được quy định trong đoạn 167 Hồng Đức Thiện chính thư. Đến thời nhà Nguyễn nó đã được quy định chính thức trong Bộ luật, thể hiện sự tiến bộ của pháp luật nhà Nguyễn. Theo Điều 108 HVLL quy định: Nếu vợ chồng không cùng ăn ý vui vẻ mà cả hai muốn ly dị, tình thì không hiệp, ân đã lìa thì không thể nào hòa lại được. Chiếu theo điều không nên bỏ, Nghĩa tuyệt, cho phép họ ly dị không phạm tội. Trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn thì phải lập thành văn bản có chữ ký và điểm chỉ của vợ và chồng. Tờ ly hôn phải lập thành hai bản ghi rõ việc vợ, chồng đồng ý ly hôn, ngày, tháng, niên hiệu năm và có dấu giáp lai; vợ, chồng mỗi người giữ một bản.
* Các trường hợp ly hôn do vi phạm điều cấm của pháp luật
Bên cạnh các quy định về ly hôn do lỗi của vợ hoặc chồng, thuận tình ly hôn thì vợ chồng còn buộc phải ly hôn vì hôn nhân đã vi phạm các quy định cấm kết hôn (hôn nhân trái pháp luật. Các trường hợp này đã được phân tích cụ thể ở mục cấm kết hôn.
* Hậu quả pháp lý của việc ly hôn.
Pháp luật phong kiến quy định rất sơ lược về hậu quả của việc ly hôn. Trên thực tế theo tục lệ thì sau khi ly hôn, quan hệ giữa vợ chồng hoàn toàn chấm dứt, không bên nào có nghĩa vụ và quyền lợi đối với bên nào. Người chồng không được ngăn cản người khác lấy vợ cũ của mình (Điều 308 QTHL). Vấn đề chia con cái và tài sản sau ly hôn không được quy định trong Bộ luật, có lẽ nhà làm luật thời Lê dành vấn đề này cho phong tục tập quán.
HVLL cũng quy định: sau khi ly hôn quan hệ nhân thân và tài sản vợ chồng hoàn toàn chấm dứt. Người vợ trở về gia đình mẹ đẻ, vợ hoặc chồng có thể tái hôn, con cái chủ yếu sống với cha, luật không quy định con cái sống với mẹ. Trường hợp vợ có lỗi thì người vợ mất toàn bộ quyền nhân thân và tài sản. Sau khi đã ly hôn, nếu người phụ nữ phạm tới cha mẹ, họ hàng, anh em chồng cũ thì xử như người thường. (Điều 300 HVLL)
Trên đây là toàn bộ nội dung cơ bản của chế định hôn nhân gia đình trong QTHL và HVLL. Trong phần tiếp theo tác giả sẽ đưa ra một số đánh giá về các quy định này.