Các giai đoạn hình thành và phát triển của pháp luật về kiểm sát tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra căn cứ theo các giai đoạn hình thành và phát triển của pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện qua các giai đoạn từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1945 – 1959:
- 2 2. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1960 – 1980:
- 3 3. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1981- 2002:
- 4 4. Các quy định của pháp luật Việt Nam từ năm 2003 đến nay về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
1. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1945 – 1959:
Sau cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính phủ thời kỳ này đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Theo quy định tại Điều 63 Hiến pháp năm 1946, Công tố Viện thời kỳ này nằm trong Tòa án, thuộc quản lý của Bộ Tư pháp. Tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/4/1958, Quốc hội khóa I đã ban hành Nghị quyết về việc chia tách và thành lập Viện Công tố. Nhiệm vụ của Viện Công tố theo Nghị định số 256 TTg ngày 01/7/1959 như sau:
Điều tra và truy tố trước Tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra của CQĐT; giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án; giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong hoạt động của cơ quan giam giữ và cải tạo, khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.
Như vậy, mặc dù quá trình tố tụng hình sự thời kỳ này chưa thực sự rõ ràng đối với từng giai đoạn, nhưng chức năng của Viện Công tố trong công tác điều tra vụ án hình sự đã tương đối rõ ràng, vừa THQCT vừa điều tra, chỉ đạo điều tra và giám sát việc tuân theo pháp luật trong công tác điều tra của Cơ quan Công an.
2. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1960 – 1980:
Hiến pháp năm 1959 đánh dấu sự ra đời của VKSND thay thế cho mô hình Viện Công tố. Theo Điều 105, “VKSND tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và nhân dân” (chức năng kiểm sát chung). Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, theo Luật Tổ chức VKSND năm 1960, VKSND thực hiện hai nhiệm vụ “Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự” và “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan Công an và CQĐT khác”. Quy định pháp luật thời kỳ này cho thấy THQCT chỉ là một biện pháp, cách | thức để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật; hoạt động điều tra, truy tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan Công an và CQĐT khác là “hoạt động bổ trợ cho chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
3. Quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự giai đoạn từ năm 1981- 2002:
Đây là thời kỳ thống nhất đất nước, do đó công tác công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung và trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự nói riêng được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Ngày 18/12/1980, Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội thông qua. Điều 138 Hiến pháp quy định:
VKSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. | Chức năng THQCT được đặt song song với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức VKSND năm 1981 được ban hành, quy định chức năng của VKSND trong giai đoạn điều tra hình sự là “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan Công an và các CQĐT khác”. Những quyền hạn cụ thể khi thực hiện kiểm sát điều tra của VKSND được quy định tại Điều 10 Luật Tổ chức VKSND và Điều 6 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989 về kiểm sát hoạt động điều tra.
Hiến pháp năm 1992 là hiến pháp đầu tiên của nước ta ở thời kỳ đổi mới, quy định chức năng, nhiệm vụ của VKSND tương tự Hiến pháp 1980. Cũng trong năm, Luật Tổ chức VKSND năm 1992 ra đời, trong đó quy định VKSND thực hiện “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của các CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” và “điều tra tội phạm trong những trường hợp do pháp luật tố tụng hình sự quy định” [18]. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức VKSND năm 1992, ngày 24/9/1998, lần đầu tiên Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế về công tác kiểm sát điều tra (ban hành kèm theo Quyết định số 02/1998/QC–KSĐT), gồm 8 chương, 49 điều hướng dẫn thực hiện toàn ngành kiểm sát trong việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ cụ thể, các phương pháp kiểm sát, chế độ trách nhiệm trong công tác kiểm sát điều tra, ...
Sau 10 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đến ngày 25/12/2001, Quốc hội khóa X ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, trong đó chế định về VKSND có sự thay đổi căn bản và toàn diện, theo đó VKSND có chức năng THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Chức năng công tố trở thành chức năng chính, còn chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được đặt song song, hỗ trợ hoạt động công tố.
Luật Tổ chức VKSND năm 2002 trên tinh thần Hiến pháp sửa đổi, đã đánh dấu bước phát triển lớn trong nhận thức về công tác THQCT, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, với quy định: “THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” [19]. Nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng hoạt động THQCT và kiểm sát điều tra đã được quy định cụ thể, bước đầu hình thành rõ ràng hai chức năng riêng biệt. So với giai đoạn trước, kể từ đây, VKS không thực hiện công tác kiểm sát chung để tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đặc biệt là THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
4. Các quy định của pháp luật Việt Nam từ năm 2003 đến nay về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
BLTTHS năm 2003 ra đời, đã kế thừa những quy định pháp luật trong giai đoạn trước và tiếp thu tinh thần pháp luật thời kỳ mới, tiếp tục quy định về chức năng của VKSND trong giai đoạn điều tra. Để hướng dẫn cụ thể những quy định của BLTTHS và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, ngày 14/9/2004, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế tạm thời về công tác THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 120/2004/QĐ–VKSTC). Tiếp đến ngày 02/01/2008, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quy chế THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra các vụ án hình sự (kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ–VKSTC) gồm 11 chương, 69 điều cùng 04 phụ lục và 137 biểu mẫu văn bản tố tụng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát trong giai đoạn điều tra.
Hiến pháp năm 2013 được ban hành, tại Điều 107 tiếp tục khẳng định VKSND có chức năng THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định rõ ràng, cụ thể các khâu công tác, làm rõ các khái niệm, THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp, xây dựng hệ thống nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong các giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó có giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Theo đó, quy định VKSND có 11 nhiệm vụ, quyền hạn khi THQCT và 08 nhiệm vụ, quyền hạn khi kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra.
BLTTHS năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới về THQCT, kiểm sát điều tra, tách bạch cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi THQCT và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự (Điều 161), THQCT trong giai đoạn điều tra (Điều 165), kiểm sát điều tra (Điều 166) với nhiều quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt khi CQĐT thực hiện một số hoạt động điều tra, bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung bị can, ...