Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự bao gồm 02 nhóm hoạt động chính là: Phát hiện vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra và yêu cầu khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm trong giai đoạn điều tra.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nội dung kiểm sát việc tuân theo pháp luật giai đoạn điều tra:
- 2 2. Đối tượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
- 2.1 2.1. Việc tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ:
- 2.2 2.2. Việc lập hồ sơ vụ án hình sự:
- 2.3 2.3. Việc áp dụng, thay đổi huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế:
- 2.4 2.4. Kiểm sát hoạt động tham gia tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng:
- 2.5 2.5. Kiểm sát tính hợp pháp của các quyết định tố tụng mang tính chất giải quyết vụ án:
- 2.6 2.6. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra:
1. Nội dung kiểm sát việc tuân theo pháp luật giai đoạn điều tra:
Căn cứ vào nội hàm khái niệm kiểm sát và các quyền năng của VKSND khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật, có thể xác định nội dung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra hình sự gồm 02 nhóm hoạt động chính là: Phát hiện vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra và yêu cầu khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm trong giai đoạn điều tra.
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật hình sự, có lỗi do chủ thể có năng | lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ được pháp luật bảo vệ.Có thể thấy, hoạt động nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra là hoạt động được VKSND thực hiện xuyên suốt trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Đó là quá trình nhằm phát hiện vi phạm pháp luật của CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và của người tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra. Để phát hiện vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra, kiểm sát viên có thẩm quyền hiện diện trong các hoạt động điều tra để trực tiếp kiểm sát như tham dự khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can... Có thể thấy, một số vi phạm thường xảy ra trong tiến hành các hoạt động điều tra như: Vi phạm về trình tự, thủ tục hỏi cung, lấy lời khai của những người có liên quan, người làm chứng, bị hại; Vi phạm trong hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ; Vi phạm trong việc bảo quản và xử lý vật chứng; Vi phạm quy định về đối chất, khám nghiệm hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn... Kiểm sát viên cũng có thể phát hiện vi phạm pháp luật khi nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ để phê chuẩn các quyết định tố tụng khi thực hiện chức năng THQCT. Kiểm sát viên có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra.
Sau khi phát hiện vi phạm, quá trình thực hiện chức năng kiểm sát trao quyền và cũng là đặt ra nghĩa vụ cho kiểm sát viên phải yêu cầu chủ thể vi phạm khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm trong giai đoạn điều tra.
Hoạt động yêu cầu, kiến nghị khắc phục, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra là loại hoạt động chỉ được tiến hành khi phát hiện được vi phạm trong quá trình điều tra của các chủ thể hoạt động điều tra và những người tham gia vào hoạt động điều tra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc để hỗ trợ cho hoạt động điều tra. Bao gồm các hoạt động: Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra; Yêu cầu thực hiện các hoạt động:Tiến hành hoạt động điều tra đúng pháp luật,Kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho VKS, Yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra, Yêu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, xử lý nghiêm minh Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, VKS còn có trách nhiệm kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Cụ thể là kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Theo đó, quyền kiến nghị được VKSND thực hiện khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị thì VKSND phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Khi nhận được kiến nghị của VKSND cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.
Việc CQĐT không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những yêu cầu của VKS là vi phạm khoản 1 Điều 167 BLTTHS năm 2015. Vi phạm này thể hiện ở việc VKS đề ra yêu cầu điều tra nhưng CQĐT không điều tra đúng hoặc không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ những nội dung VKS đề ra dẫn đến việc không đủ căn cứ để khởi tố bị can, ảnh hưởng đến việc xem xét phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can và các quyết định khác mà CQĐT đề nghị. Do chưa khởi tố và chưa phê chuẩn khởi tố bị can kịp thời dẫn đến việc không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và các biện pháp khác như: Khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can để thu thập vật chứng hay tài liệu có liên quan; kê biên, niêm phong tài sản bị chiếm đoạt; đối tượng phạm tội có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ gây bất lợi hoặc tìm cách đối phó với các Cơ quan pháp luật. Từ đó việc giải quyết vụ án gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
2. Đối tượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
2.1. Việc tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ:
Gia đoạn điều tra vụ án hình sự do Cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự tiến hành nhằm thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh về tội phạm. Các hoạt động điều tra chính thức được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố. Hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người có hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Thu thập chứng cứ bao gồm việc phát hiện, thu giữ, ghi nhận và bảo quản chứng cứ. Các chủ thể tiến hành thu thập chứng cứ phải bằng các biện pháp phát hiện nhằm tìm ra những dấu vết, tài liệu, sự vật, hiện tượng... có liên quan đến giải quyết vụ án, tiến hành thu giữ các chứng cứ đã được phát hiện, ghi nhận việc phát hiện, thu giữ chứng cứ bằng biên bản theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
Để thu thập chứng cứ, CQĐT chủ động thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Trong suốt giai đoạn điều tra vụ án hình sự, hàng loạt biện pháp điều tra cụ thể được áp dụng nhằm tìm ra chân lý khách quan của vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội như: khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, lấy lời khai, hỏi cung... Các hoạt động này hướng tới việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trên cơ sở phải tuân thủ về trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định. Để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án được thuận lợi, cùng với việc trực tiếp áp dụng các biện pháp để thu thập chứng cứ, BLTTHS quy định các cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ phải cung cấp những vấn đề mình biết.
Hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, tiếp nhận tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chịu sự kiểm sát của VKS. VKSND phải kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các hoạt động điều tra của CQĐT nhằm bảo đảm việc chứng minh tội phạm và người phạm tội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo các chứng cứ, tài liệu thu thập được khách quan, đúng thủ tục, trình tự; đảm bảo việc điều tra đúng thời hạn. Một số biện pháp điều tra khi tiến hành đòi hỏi VKSND phải trực tiếp có mặt để kiểm sát như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can đối chất, nhận dạng, khám xét,...
2.2. Việc lập hồ sơ vụ án hình sự:
Hồ sơ vụ án là tập hợp hệ thống các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng lập hoặc thu thập trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và được sắp xếp theo một trình tự nhất định phục vụ cho công việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, CQĐT phải lập hồ sơ vụ án. Về mặt nguyên tắc, tất cả các tài liệu thu thập trong quá trình điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án.
Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT cũng là một nhiệm vụ quan trọng của VKSND, nhằm đảm bảo cho các tài liệu, chứng cứ được thu thập một cách kịp thời, khách quan, đầy đủ, đúng quy định, từ đó mới có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội và các tình tiết liên quan đến vụ án. Theo đó, VKS thực hiện kiểm sát cả về hình thức và nội dung của các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nhằm đảm bảo các tài liệu có trong hồ sơ được thiết lập theo đúng trình tự quy định và đảm bảo tính chặt chẽ về nội dung. Đồng thời, kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án còn giúp Kiểm sát viên bám sát quá trình điều tra vụ án, nắm vững hồ sơ, từ đó, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra cần thiết để giải quyết vụ án. Khi kiểm sát việc lập hồ sơ, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ, đảm bảo tài liệu trong hồ sơ được đóng dấu bút lục của CQĐT kèm theo bảng kê đầy đủ các tài liệu. Theo quy định thì VKS được tiến hành một số hoạt động điều tra ngay trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như: hỏi cung bị can, lấy lời khai, đối chất, thực nghiệm điều tra,... Những hoạt động này không chỉ có ý nghĩa củng cố các tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn các quyết định của CQĐT, mà còn là một biện pháp nhằm kiểm sát quá trình lập hồ sơ của Điều tra viên, thẩm định lại các tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án.
2.3. Việc áp dụng, thay đổi huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế:
Để ngăn chặn và phòng ngừa hành vi phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng, pháp luật cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng trong những trường hợp cần thiết, với những đối tượng nhất định nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.
Các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự gồm nhiều loại, căn cứ vào mục đích cụ thể của các biện pháp cưỡng chế, có thể chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm các biện pháp bảo đảm thu thập chứng cứ gồm khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể; Nhóm các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự tiến hành bình thường, thuận lợi như: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản,...; Nhóm các biện pháp ngăn chặn gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú,.. Theo quy định của BLTTHS, các BPNC gồm có: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. BPNC được áp dụng khi có một trong bốn căn cứ sau đây: (1) Để kịp thời ngăn chặn tội phạm; (2) Khi có căn cứ cho rằng người buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; (3) Khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội; (4) Khi cần đảm bảo thi hành án.
Trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế, các BPNC là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất vì việc áp dụng chúng có những ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân như: quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại. Do đó, các biện pháp này không được áp dụng tùy tiện, tràn lan mà phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật. BLTTHS chỉ cho phép áp dụng BPNC đối với người đã bị khởi tố về hình sự (bị can) hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử bị cáo) và trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Do ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền hiến định của công dân, việc áp dụng các BPNC luôn phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt và phải tuân thủ đúng pháp luật. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật của VKS đối với việc áp dụng các BPNC của CQĐT là một trong những cơ chế để đảm bảo thực hiện sự kiểm soát này.
Với mục đích để kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, việc áp dụng BPNC trên thực tế đã tạo những ra thuận lợi nhất định cho quá trình giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc áp dụng BPNC chỉ được thực hiện khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, các căn cứ thực tế có thể luôn thay đổi, vì vậy khi căn cứ để áp dụng các BPNC nói chung (hoặc căn cứ áp dụng một BPNC cụ thể, không còn thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải xem xét việc hủy bỏ (hoặc thay thế) BPNC đó. Lúc này, tính có căn cứ của việc áp dụng BPNC có thể được hiểu như tính cần thiết của việc tiếp tục duy trì biện pháp đó hoặc tính cần thiết của việc phải thay đổi từ biện pháp đó sang một biện pháp khác.
Hủy bỏ BPNC là việc người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định hủy bỏ biện pháp hiện đang áp dụng đối với bị can, bị cáo về việc áp dụng biện pháp đó không còn cần thiết, đồng thời cũng không cần thiết phải áp dụng BPNC khác.
Thay thế BPNC là việc CQĐT, VKS, Tòa án quyết định một BPNC khác thay thế cho BPNC đang được áp dụng. Như vậy, việc thay thế BPNC được đặt ra khi BPNC cũ đang được áp dụng nhưng có căn cứ cho rằng, việc tiếp tục áp dụng biện pháp đó không còn cần thiết nữa nhưng vẫn cần thiết phải áp dụng một BPNC khác.
Khi quyết định thay thế BPNC, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào yêu cầu của việc giải quyết vụ án, thái độ chấp hành pháp luật, khả năng tiếp tục phạm tội hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử của người bị áp dụng BPNC. Do vậy, người bị thay thế BPNC có thể lâm vào tình trạng bất lợi hoặc có lợi hơn, tùy thuộc vào BPNC đang được áp dụng. Theo đó, các trường hợp thay thế BPNC có thể là: bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam chuyển sang áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc ngược lại, đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền, cơ quan có thẩm quyền nhận thấy phải chuyển sang tạm giam nên đã ra lệnh bắt để tạm giam.
Việc áp dụng BPNC của CQĐT là một trong những hoạt động mà sự tuân thủ pháp luật trong quá trình áp dụng là đối tượng của kiểm sát tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Kiểm sát tuân trong pháp luật trong việc áp dụng các BPNC của CQĐT là hoạt động của VKSND sử dụng những quyền năng pháp lý để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng các BPNC trong giai đoạn điều tra, nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những vi phạm pháp luật phát sinh trong quá trình áp dụng các BPNC của CQĐT. Hoạt động này có ý nghĩa đảm bảo cho việc bắt, tạm giữ, tạm giam và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can, người bị nghi thực hiện tội phạm được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
– Đối với việc áp dụng các BPNC của CQĐT, hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật của VKS thể hiện ở việc nghiên cứu tính hợp pháp của các quyết định áp dụng BPNC của CQĐT, phục vụ việc xét phê chuẩn đối với những trường hợp phải có sự phê chuẩn của VKS. Đối với những trường hợp không cần có sự phê chuẩn của VKS, việc nghiên cứu tính hợp pháp của các quyết định áp dụng BPNC của CQĐT nhằm đảm bảo các quyết định đó được ban hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục, trình tự, VKS yêu cầu CQĐT khắc phục, hình thức có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc kiến nghị bằng văn bản. Đối với hình thức văn bản kiến nghị, VKS có thể ban hành kiến nghị theo từng vụ án hoặc theo từng loại án hay theo từng thời điểm, nếu các vị phạm đó lặp lại nhiều lần nhưng không mang tính cấp bách, không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án và không xâm hại đến quyền của người tham gia tố tụng.
2.4. Kiểm sát hoạt động tham gia tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng:
Quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều hoạt động khác nhau nhằm thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm và người phạm tội. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự hoạt động tích cực của những người tiến hành tố tụng như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân, ... mà còn có sự tham gia của những người tham gia tố tụng như: bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại,.... người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người giám định,... Khi tham gia tố tụng, họ phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định. Theo đó, không phải bao giờ người tham gia tố tụng, nhất là bị can, bị cáo cũng tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình, không ít trường hợp họ còn cố tình trốn tránh pháp luật, tiếp tục phạm tội hoặc gây trở ngại cho các hoạt động tố tụng. Khi người tham gia tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật gây cản trở quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác thì VKSND có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh.
2.5. Kiểm sát tính hợp pháp của các quyết định tố tụng mang tính chất giải quyết vụ án:
BLTTHS quy định VKS phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, gia hạn hoặc không gia hạn, huỷ bỏ các quyết định tố tụng của CQĐT. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; các quyết định tố tụng của VKS sẽ mở ra hay kết thúc các hoạt động tố tụng của CQĐT và liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu điều tra vụ án sẽ góp phần đặc biệt quan trọng trong việc chống làm oan, sai và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là đối với quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp tạm giam, gia hạn tạm giam. Do đó, VKS phải nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ, hạn chế áp dụng biện pháp này, nếu thật sự không cần thiết. Khi phát hiện căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn không còn thì phải kịp thời thay đổi, huỷ bỏ để bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
2.6. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra:
Đây là trường hợp thường xảy ra ở các vụ án mà tội phạm xảy ra ở nhiều nơi, dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền điều tra. Pháp luật tố tụng hình sự quy định có ba hệ thống cơ quan điều tra theo ba ngành: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của VKSND tối cao. Ngoài ra, pháp luật tố tụng hiện hành còn chia các cơ quan điều tra theo các cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương (ba cấp). Do đó việc xảy ra tranh chấp về thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự là điều khó tránh khỏi. Đối với trường hợp này, VKS có trách nhiệm căn cứ các quy định về thẩm quyền điều tra, thực tế hồ sơ vụ án để giải quyết về thẩm quyền điều tra.