Điều tra là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện hoạt động điều tra, áp dụng mọi biện pháp luật định để xác định sự thật của vụ án trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật pháp luật hình sự.
1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có vai trò quan trọng trong quá trình điều tra vụ án, góp phần đảm bảo hiệu quả chứng minh, góp phần thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố:
Điều tra là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện hoạt động điều tra, áp dụng mọi biện pháp luật định để xác định sự thật của vụ án. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động điều tra đòi hỏi phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong đó có các quy định của BLTTHS nói riêng và quy định pháp luật nói chung. Theo đó, sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như: hỏi cung, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, .... để thu thập chứng cứ, làm rõ vụ án, làm rõ hành vi phạm tội cũng như các tình tiết có liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, việc điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự một con người cần phải đảm bảo tính thận trọng và chính xác. Cho nên, cần phải có sự chế ước đối với các hoạt động này nhằm đảm bảo tất cả mọi hành vi phạm tội đã phát hiện phải được khởi tố, xử lý kịp thời và nghiêm minh nhưng cũng cần phải có căn cứ và đúng pháp luật. Vì vậy, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra đòi hỏi VKSND kiểm tra, giám sát mọi hoạt động điều tra, qua đó góp phần đảm bảo qua trình thu thập chứng cứ theo đúng quy định pháp luật; đảm bảo cho các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chứng minh hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội phải được thu thập đầy đủ, toàn diện, khách quan và hợp pháp. VKS có nhiệm vụ quyền hạn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng, đồng thời có quyền can thiệp trực tiếp vào quá trình điều tra, đề ra yêu cầu điều tra để CQĐT tiến hành điều tra theo đúng trình tự thủ tục, quy định của pháp luật nhằm đánh giá vụ án được khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
Khi THQCT trong giai đoạn điều tra, để đảm bảo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là chính xác, đúng quy định pháp luật thì VKS cần phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng, tính có căn cứ, tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng.
Như vậy, có thể thấy rằng, THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra có quan hệ mật thiết với nhau, đan xen, hỗ trợ và tác động qua lại, bổ sung tích cực cho nhau. Mục đích của THQCT là nhằm chứng minh tội phạm, xác định người phạm tội, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện, xử lí nghiêm minh. Mục đích của KSĐT là phát hiện vi phạm trong hoạt động điều tra, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm nhằm đảm bảo cho các hoạt động điều tra chính xác, khách quan, tuân thủ các quy định của pháp luật. KSĐT có hiệu quả sẽ là hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động THQCT được thực hiện tốt hơn và nhằm thực hiện mục tiêu chung là truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật đảm bảo quyền con người, quyền công dân và hiệu quả áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình điều tra vụ án hình sự:
Trong giai đoạn điều tra, nhóm “người yếu thế” chính là nhóm người tham gia tố tụng, do đó, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho nhóm người này quan trọng hơn cả. Nhóm quyền của người tham gia tố tụng bao gồm: quyền của người bị buộc tội và quyền của người tham gia tố tụng khác. Người bị buộc tội thường bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc các biện pháp cưỡng chế như: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, kê biên tài sản... nhằm mục đích ngăn chặn việc bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố,... Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này rất dễ bị lạm dụng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của công dân. Bởi lẽ, khi áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam, công dân bị cách li với cuộc sống bên ngoài, có thể bị áp dụng một số “biện pháp điều tra không chính thống” như tra tấn, đánh đập, bức cung, dùng nhục hình,... trong quá trình buộc tội, hỏi cung, lấy lời khai. Do vậy, rất cần thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm quyền con người, quyền công dân Pháp luật quy định quyền năng cho VKS trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra không chỉ nhằm bảo vệ công lý nâng cao chất lượng hoạt động điều tra vụ án hình sự, hạn chế những trường hợp đình chỉ điều tra vụ án hình sự do bị can không phạm tội mà còn nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm quyền con người, quyền công dân.
3. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra góp phần bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động tố tụng.
Quá trình KSĐT, VKSND căn cứ vào các quy định pháp luật để tiến hành kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng của CQĐT như quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh tạm giam, gia hạn tạm giữ,... Trên cơ sở đó, VKS phê chuẩn hoặc hủy bỏ thay đổi hoặc bổ sung các quyết định tố tụng. Từ đó, VKS tiến hành khắc phục trực tiếp những thiếu sót, yêu cầu khắc phục những vi phạm của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Để kiểm sát tính hợp pháp đối với các hành vi, quyết định của CQĐT, VKS phải sử dụng những quyền năng mà pháp luật cho phép như quyền yêu cầu CQĐT chuyển hồ sơ, tài liệu chứng cứ để thực hiện việc kiểm sát, quyền yêu cầu CQĐT khắc phục các vi phạm trong hoạt động điều tra một vụ án cụ thể, quyền kiến nghị CQĐT có biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các vi phạm có tính lặp lại đối với một hoặc một số loại án hay thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra góp phần bảo đảm sự trong sạch, vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng:
Những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng giúp rõ các vấn đề của vụ việc hình sự, có trách nhiệm thực thi công lý, nếu họ không vô tư trong việc tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng thì việc giải quyết vụ việc hình sự sẽ bị thiên lệch. Khi tham gia các hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật, tiến hành công việc của mình với thái độ khách quan, vô tư, không được để những quan hệ, những tình cảm cá nhân chi phối vào công việc, không được có thái độ thiên vị hay định kiến đối với bất kì người nào. Do vậy, với hoạt động KSĐT sẽ là điều kiện cần thiết để đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan trong tố tụng hình sự. Quá trình thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nếu có lí do xác đáng để cho rằng người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, thì VKSND có quyền yêu cầu họ sẽ không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, từ chối tiến hành hoặc tham gia tố tụng hoặc bị đề nghị thay đổi.