Kháng nghị phúc thẩm tố tụng hình sự là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, chống lại bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm,...
Mục lục bài viết
1. Kháng nghị, kháng nghị phúc thẩm tố tụng hình sự là gì:
Viện kiểm sát (VKS) là một hệ thống cơ quan độc lập, là cơ quan duy nhất có quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, do đó, hoạt động giám sát của VKS mang tính độc lập, khách quan và có hiệu quả cao. Hoạt động này của VKS diễn ra trong tất cả các giai đoạn tố tụng trong đó có giai đoạn xét xử của Tòa án, đây là điều kiện quan trọng để VKS giám sát hoạt động tố tụng của Tòa án, kịp thời phát hiện ra vi phạm. Theo đó, thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử VAHS là việc VKS sử dụng tổng hợp các quyền hạn được quy định trong BLTTHS để truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc tội, đề nghị áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Cùng với chức năng thực hành quyền công tố, VKS còn có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án và những người tham gia tố tụng nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật.
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một loại kháng nghị trong tố tụng hình sự. Quyền kháng nghị này đã được quy định trong các văn bản pháp luật của nước ta qua từng giai đoạn. Theo đó, khi công tố còn là một bộ phận của Toà án tại Điều 34 Sắc lệnh số 13 ngày 24–01–1946 của Chủ tịch nước đã quy định về quyền kháng nghị “Toà đại hình xử sơ thẩm, Ông Biện lý, bị can và nguyên đơn có quyền chống án lên Toà Thượng thẩm”.
Tiếp đến, tại điểm c Điều 1 mục II Thông tư số 141–HCTP ngày 5/12/1957 của Bộ Tư pháp quy định: “Ông công tố uỷ viên, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp có nhiệm vụ kháng nghị đối với bản án hoặc nghị quyết của toà án không đúng pháp luật”.
Đến khi Luật tổ chức VKSND ra đời, chức năng kháng nghị phúc thẩm đã chính thức được ghi nhận tại Điều 17 Luật tổ chức VKSND năm 1960: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân địa phương có quyền: kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cùng cấp và dưới một cấp”.
Trong giai đoạn tiếp theo, chức năng kháng nghị phúc thẩm của VKS được quy định lại tại Điều 13 Luật tổ chức VKSND năm 1981 cũng có những sửa đổi, bổ sung: “Khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử, các Viện kiểm sát nhân dân có quyền: ... Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cùng cấp và dưới một cấp, khi thấy có vi phạm pháp luật”. Việc kháng nghị phúc thẩm hình sự ở giai đoạn này được thực hiện theo “Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng phúc thẩm về hình sự kèm theo Thông tư số 19–TATC ngày 2 tháng 10 năm 1974 của Toà án nhân dân Tối cao”.
Năm 1988, BLTTHS đầu tiên của nước ta ra đời có ý nghĩa rất quan trọng. BLTTHS quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới, đấu tranh phòng chống tội phạm. Tại BLTTHS này, kháng nghị phúc thẩm hình sự đã được quy định thành những điều luật cụ thể tại Phần thứ tư, chương XXII tại các Điều 206, Điều 207, Điều 208, Điều 210, Điều 211, Điều 212, Điều 213.
Sau khi đã được quy định trong BLTTHS năm 1988, tại Luật tổ chức VKSND năm 1992, chức năng kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKS được sửa đổi, bổ sung theo hướng gắn với pháp luật tố tụng hình sự:
Khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây... 3 Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Đến Luật tổ chức VKSND năm 2002, chức năng kháng nghị của VKS đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung thêm việc VKS có quyền kháng nghị khi thực hành quyền công tố của mình chứ không chỉ gói gọn khi thực hiện việc kiểm sát xét xử. Cụ thể, tại Điều 19 của Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định:
Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm trong việc xét xử; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác như BLHS năm 1999, Luật tổ chức VKSND năm 2002, Luật tổ chức TAND năm 2002 cũng như đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, BLTTHS năm 2003 ra đời đã thay thế cho BLTTHS năm 1988 đã kế thừa và giữ lại những điều luật còn phù hợp, loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, bổ sung và xây dựng những quy định mới. Trong đó, những quy định về kháng nghị phúc thẩm tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung và được quy định tại các Điều 232, Điều 233, Điều 234, Điều 236, Điều 237, Điều 238 và Điều 239 cũng tại Phần thứ tư, chương XXII.
Hiện nay, những quy định về kháng nghị phúc thẩm được quy định tại BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức VKSND năm 2014. Thông qua sự thay đổi trong những quy định của Luật tổ chức VKSND và đặc biệt là của BLTTHS, chức năng kháng nghị phúc thẩm hình sự được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chức năng của ngành kiểm sát.
BLTTHS cũng như các văn bản pháp luật có liên quan chưa có một khái niệm cụ thể thế nào là kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Mặc dù vậy, đã có một số tác giả đưa ra khái niệm về kháng nghị theo thủ thục phúc thẩm.
Thuật ngữ “Kháng nghị” được hiểu là sự bày tỏ ý kiến phản đối bằng văn bản chính thức” [67, tr. 492]; Kháng nghị trong tố tụng hình sự là “việc Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm” [57]. Trong tố tụng hình sự nước ta, chủ thể có quyền kháng nghị với mọi thủ tục là VKS. VKS kháng nghị đối với bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là việc “người có thẩm quyền yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm”. Trong Từ điển luật học của Viện khoa học pháp lý, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là:
Hành vi tố tụng của người có thẩm quyền thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần nội dung bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho toàn bộ việc xét xử được chính xác, công bằng đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của Tòa án
Tác giả Đinh Văn Quế tiếp cận kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một văn bản pháp lý của VKS đã đưa ra khái niệm:
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một văn bản do Viện kiểm sát ban hành yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm cùng cấp hoặc cấp dưới trực tiếp đã xét xử, nhưng xét thấy không đúng pháp luật.
Khái niệm này đã thể hiện chủ thể kháng nghị và tòa án có thẩm quyền xét xử lại vụ án khi có kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, khái niệm này chưa chỉ ra được đối tượng của kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực và căn cứ để thực hiện kháng nghị là bản án, quyết định đó phải có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tiếp cận kháng nghị phúc thẩm dưới góc độ là một trong những quyền năng tố tụng của VKS và tác giả Lê Thành Dương đã đưa ra khái niệm:
Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.
Quan điểm này đã thể hiện đầy đủ các đặc điểm của kháng nghị phúc thẩm, tuy vậy, sẽ phù hợp hơn khi tác giả chỉ ra chủ thể có quyền kháng nghị đây là VKS cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm và VKS cấp trên trực tiếp. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng cụm từ “để kháng nghị” là chưa hợp lý bởi lẽ đây đang là nội dung cần được trình bày, giải thích cụ thể để làm sáng tỏ khái niệm kháng nghị phúc thẩm là gì.
Cũng tiếp cận kháng nghị phúc thẩm dưới góc độ là một trong những quyền năng tố tụng của VKS, Giáo trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát của Trường Đại học kiểm sát Hà Nội cho rằng:
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một trong những hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, được thực hiện đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ hoặc áp dụng pháp luật.
Khái niệm này mới chỉ xem xét kháng nghị là hoạt động thực hành quyền công tố của VKS là không đầy đủ bởi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm còn là quyền năng của VKS trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như sau: “Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, chống lại bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm đó theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
2. Bản chất của kháng nghị phúc thẩm tố tụng hình sự:
Khái niệm được đưa ra bởi các tác giả khi nghiên cứu về kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm VAHS đã thể hiện được những nội dung, đặc điểm cơ bản của kháng nghị, tuy nhiên vẫn có những những điểm thiếu sót, chưa hợp lý. Để có được khái niệm về kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoàn chỉnh cần nghiên cứu, làm rõ về quyền kháng nghị phúc thẩm, bản chất của kháng nghị phúc thẩm và các quy định của pháp luật tố tụng hình sự thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được ban hành bởi chủ thể mang quyền lực Nhà nước, có chức năng bảo vệ pháp luật là VKS. Đây là quyền năng tố tụng Nhà nước trao cho VKS khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng. Theo quy định của pháp luật, hoạt động kiểm sát xét xử được tiến hành đồng thời với quá trình xét xử, không cản trở hoạt động xét xử của
Thứ hai, Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được ban hành dựa trên những quy định của pháp luật. Khi thực hiện quyền kháng nghị, VKS phải đảm bảo quyết định kháng nghị có đầy đủ căn cứ và phải tuân thủ các quy định về hình thức, thủ tục và trong thời hạn mà BLTTHS quy định thì mới được coi là hợp pháp. Kháng nghị phải chỉ rõ những vi phạm nghiêm trọng trong bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm nhằm sửa chữa, khắc phục những vi phạm đó, nhờ đó đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động xét xử. Với việc thực hiện quyền này VKS thể hiện vị trí, vai trò của mình trong hoạt động xét xử góp phần đảm bảo cho mọi hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là điều kiện pháp lý làm phát sinh trình tự xét xử mới – xét xử phúc thẩm và VKS là cơ quan duy nhất có quyền thực hiện việc kháng nghị này, đây vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND). Nếu như với các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị của VKS mang tính “khuyến nghị” thì quyền kháng nghị phúc thẩm lại có tác động trực tiếp đối với các phán quyết của Tòa án bởi khi có kháng nghị phúc thẩm hợp pháp của VKS thì Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ án hoặc xét lại bản án, quyết định sơ thẩm. Đây là cơ sở để xem xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của các hành vi tố tụng và các phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Với việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của mình, VKS chỉ ra những vi phạm trong bản án, quyết định, qua đó giúp bảo vệ quan điểm truy tố, đồng thời bảo đảm cho hoạt động xét xử của Tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với những vi phạm pháp luật của Tòa án chưa đến mức phải kháng nghị thì VKS thực hiện quyền kiến nghị với Tòa án có biện pháp khắc phục vi phạm.