Trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử lập pháp, quy định về bảo hộ quyền tác giả vẫn luôn được chú trọng và dần hoàn thiện hơn để trở thành công cụ đắc lực bảo vêh quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tác giả sáng tác tác phẩm nghệ thuật.
Mục lục bài viết
1. Trước khi Bộ luật dân sự 2005 được ban hành:
Năm 1986, Nghị định 142/HĐBT được ban hành đã đánh dấu một mốc quan trọng đối với quyền tác giả, rằng lần đầu tiên ở Việt Nam có một văn bản riêng biệt về quyền tác giả với quy định cơ bản ban đầu. Tuy nhiên mới chỉ là mức độ sơ khai, những quy định về quyền tác giả lúc này chủ yếu thể hiện dưới hình thức chế độ kiểm duyệt mà không có những quy định bảo vệ quyền của tác giả đối với tác phẩm cũng như bảo đảm các lợi ích kinh tế cho tác giả.
Trước yêu cầu của phát triển, sau gần 10 năm thi hành và thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế, hệ thống pháp luật bảo vệ sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền tác giả nói riêng đã dần được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua Pháp lệnh về quyền tác giả. Pháp lệnh này đã đưa ra những quy định chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.
Một năm sau, tức năm 1995, Quốc Hội đã thông qua Bộ luật Dân sự, trong đó có quy định về quyền tác giả. Với 36 điều quy định riêng về quyền tác giả Tại chương 1, phần thứ 6 và phần thứ 7 Bộ luật dân sự, đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ dân sự về quyền tác giả trong điều kiện đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đối với lĩnh vực quyền tác giả, ngày 29 tháng 11 năm 1996 Chính phủ đã ban hành nghị định số 76-CP hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.
Trước thời điểm ban hành BLDS năm 2005, hệ thống các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được đánh giá là khá đầy đủ và căn bản phù hợp với Hiệp định TRIPS của WTO, tuy nhiên các văn bản này lại nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo thành hệ thống thống nhất, và hầu hết chúng mới chỉ là các văn bản dưới luật nên tính thực thi thấp.
2. Từ khi Bộ luật dân sự 2005 được ban hành:
BLDS năm 2005 được thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 tại kỳ họp thứ 7 của quốc hội với 7 phần 36 chương và 777 điều. BLDS 2005 đã quy định những vấn đề chung nhất về quyền tác giả như: tác giả; đối tượng; nội dung; thời điểm phát sinh hiệu lực và chủ sở hữu quyền. Đồng thời năm 2005 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam nó là sự ra đời của luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Với vai trò là luật nền tảng, BLDS 2005 quy định những quy định có tính nguyên tắc, định hướng nhằm đảm bảo về mặt pháp lý cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện các quyền dân sự bình đẳng với các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật dân sự khác. Tiếp đó, thể hiện vai trò của luật chuyên ngành, luật SHTT 2005 đã điều chỉnh thống nhất và toàn diện các quan hệ về sở hữu trí tuệ. Kèm theo đó là hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả, bao gồm nhiều nghị định, thông tư, thông tư liên tịch, chỉ thị.
Do yêu cầu phát triển, thay đổi của xã hội và hội nhập quốc tế, năm 2009 Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT 2005. Với mục đích điều chỉnh hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với tình hình thực tế và tương thích với nội dung của các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam tham gia.
Ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội (khóa XIV) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14). Luật này được Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời nội luật hóa các nghĩa vụ phải thi hành ngay trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Các nội dung liên đến sở hữu trí tuệ trong Luật sửa đổi lần này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: (1) Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (2) Sáng chế; (3) Nhãn hiệu; (4) Chỉ dẫn địa lý; (5) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, đã khắc phục những tồn tại bất cập, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam bình đẳng với công dân và pháp nhân của các quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động thực thi tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các chế tài về hành chính, dân sự và hình sự đã được ban hành, và đổi mới qua từng giai đoạn nhằm bảo đảm cho các quy định pháp luật về quyền tác giả được thi hành với bộ máy cưỡng chế của Nhà nước.
Gần đây, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Luật số 07/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ gồm 4 Điều, đã có hiệu lực thi hành. Mục đích việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả, tiêu biểu như: sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ; bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả; bổ sung quyền nhân thân của tác giả; bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả…
Như vậy, hầu hết các quan hệ xã hội về quyền tác giả đã được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, pháp luật hiện hành phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo tiền đề cho sự hội nhập sâu, rộng với cộng đồng quốc tế. Hoạt động lập pháp, lập quy về quyền tác giả đã có những bước phát triển vượt bậc.
Nếu pháp luật được xem là thước đo sự tiến bộ của xã hội thì có thể nói pháp luật về SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng là tiêu chí để đánh giá sự phát triển tài sản trí tuệ của quốc gia. Bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ. Đưa pháp luật Việt Nam tiến gần hơn một bước đến su hòa nhập của hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới.