Phân chia di sản thừa kế là công việc được thực hiện khi người để lại di sản thừa kế chết. Tuy nhiên, phân chia di sản thừa kế là một giao dịch phát sinh nhiều tranh chấp phức tạp nhất trong các giao dịch được pháp luật về dân sự điều chỉnh. Một trong những tranh chấp đó là tài sản thừa kế đã bị bán và những người có quyền thừa kế muốn đòi lại tài sản thừa kế đó. Vậy làm cách nào để lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp đã bị bán bằng cách nào?
Mục lục bài viết
1. Tài sản thừa kế gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thừa kế được quy định bao gồm phần tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung với người khác.
Theo đó, phần di sản thừa kế có thể là tiền, tài sản là bất động sản- động sản và giấy tờ có giá. Cụ thể như sau:
– Tiền, vàng, đá quý, đồ trang sức khác;
– Nhà ở, đất ở hình thành do mua bán, tặng cho, thừa kế… nhà ở hình thành trong tương lai…;
– Động sản như xe máy, xe ô tô,…;
– Cổ phần, chứng khoán…
Như vậy, những tài sản trên thuộc sở hữu của một cá nhân nhất định và khi cá nhân đó chết thì sẽ mang những tài sản này chia cho những người được quyền hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại.
2. Tài sản thừa kế được bán đi khi nào?
Tài sản thừa kế hay di sản thừa kế là phần tài sản được dùng để phân cho những người có quyền hưởng di sản thừa kế từ người chết để lại. Việc phân chia di sản thừa kế có thể thực hiện theo ý chí định đoạt của người để lại di sản thừa kế thể hiện trong di chúc. Nếu người chết không để lại di chúc phân chia di sản thừa kế thì di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật, chia thừa kế theo hàng thừa kế.
Vậy tài sản thừa kế được bán đi khi nào?
Tài sản thừa kế chỉ được bán đi khi những người có quyền thừa kế đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đã làm thủ tục sang tên cho người có quyền thừa kế. Theo đó, sau khi làm xong các thủ tục sang tên, công nhận quyền sở hữu của người thừa kế thì chỉ người thừa kế đó được quyền bán tài sản đó.
3. Lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp đã bị bán bằng cách nào?
Như đã phân tích tại mục 2 của bài viết này thì chỉ khi thực hiện hoàn tất các thủ tục khai nhận di sản thừa kế và sang tên, công nhận quyền sở hữu của những người thừa kế thì người thừa kế mới có quyền bán tài sản thừa kế mà mình được thừa hưởng từ người chết để lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi việc phân chia di sản thừa kế chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật dẫn đến phát sinh tranh chấp trong việc phân chia di sản thừa kế. Từ đó khiến cho người được hưởng di sản thừa kế không đúng theo quy định của pháp luật tự ý định đoạt tài sản thừa kế, bán tài sản thừa kế.
Hoặc trong trường hợp tài sản thừa kế là bất động sản đã được chủ sở hữu chuyển nhượng cho một người khác khi còn sống nhưng đến khi người chuyển nhượng chết mà người nhận chuyển nhượng chưa làm thủ tục đăng ký biến động, sang tên công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của mình thì những người có quyền thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế đó. Bởi vì theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Như vậy, nếu đến lúc người bán chết đi mà người mua chưa thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai thì vẫn chưa phát sinh hiệu lực công nhận quyền sở hữu của người mua và những người có quyền thừa kế vẫn có quyền khởi kiện đòi lại tài sản thừa kế.
Vậy làm thế nào để lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp đã bị bán?
Để lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp bị bán thì những người có quyền nên khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia di sản thừa kế và tuyên hợp đồng chuyển nhượng tài sản thừa kế (hợp đồng mua bán tài sản thừa kế đối với tài sản thừa kế đã bán) là vô hiệu nếu vẫn còn thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Hoặc những người có quyền có thể khởi kiện ra Toà án yêu cầu đòi lại tài sản và yêu cầu huỷ Hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa người bán và người mua cũng như huỷ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đã cấp cho chủ sở hữu hiện tại.
Lưu ý: Nếu tài sản thừa kế đòi lại là bất động sản thì người có quyền cần phải làm đơn đề nghị hoà giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn nơi có đất. Nếu không đồng ý với kết quả hoà giải tại Uỷ ban thì người có quyền có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu đòi lại tài sản.
Theo đó, Toà án sẽ tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, căn cứ vào những tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp cũng như căn cứ vào xác minh thực địa và xác nhận của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan để giải quyết vấn đề. Nếu nhận thấy tài sản có tranh chấp là tài sản thừa kế và trước đây việc phân chia di sản thừa kế không đảm bảo hợp lệ theo quy định pháp luật dẫn đến việc mua bán, chuyển nhượng tài sản thừa kế cho người khác cũng là sai phạm thì Toà án sẽ tuyên Hợp đồng chuyển nhượng tài sản là vô hiệu, yêu cầu huỷ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu của chủ sở hữu hiện tại. Sau đó Toà án sẽ giải quyết và phân chia lại phần di sản thừa kế mà người chết để lại.
Tuỳ từng vụ, việc cụ thể thì sẽ có hướng giải quyết cụ thể cho việc đòi lại tài sản thừa kế đã bị bán. Trên đây là hướng giải quyết chung nhất được áp dụng chung cho mọi trường hợp đòi lại tài sản thừa kế tranh chấp đã bị bán.
4. Trình tự, thủ tục khởi kiện lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp đã bị bán:
Để đòi lại tài sản thừa kế bị bán thì những người có quyền nên khởi kiện tại Toà án và yêu cầu Toà án giải quyết vấn đề tranh chấp đang phát sinh. Theo đó, việc khởi kiện lấy lại tài sản thừa kế tranh chấp bị bán được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện lấy lại tài sản thừa kế:
Hồ sơ khởi kiện bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện;
– Bản sao giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu khởi kiện, bị đơn và những người có liên quan như: Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân;
– Giấy tờ chứng nhận về tài sản thừa kế có tranh chấp;
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đòi lại tài sản thừa kế là có căn cứ;
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh bị đơn đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
– Một số giấy tờ, tài liệu khác theo từng trường hợp cụ thể.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Toà án có thẩm quyền:
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì người nộp hồ sơ sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có tài sản thừa kế đang tranh chấp. Nếu có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì sẽ nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có tài sản thừa kế đang tranh chấp.
Bước 3: Toà án tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu:
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người có yêu cầu sửa đổi, bỏ sung để hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ Toà án sẽ tiếp nhận hồ sơ và ghi biên bản giao nhận cho người nộp hồ sơ.
Chánh án Toà án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đối với người nộp hồ sơ hợp lệ. Và người nộp hồ sơ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền và giao biên lai về cho Toà án để Toà án giải quyết yêu cầu khởi kiện.
Sau đó, Toà án sẽ giải quyết yêu cầu theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định như: thu thập chứng cứ, thẩm định, thẩm tra, mở phiên họp hoà giải và công khai chứng cứ,…
Bước 4: Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử:
Khi Toà án mở phiên toà xét xử và ra quyết định/ bản án giải quyết tranh chấp. Nếu xác định được việc đòi lại tài sản thừa kế là có căn cứ thì Toà án sẽ tuyên huỷ Hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký kết và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đã cấp cho người nhận chuyển nhượng. Sau đó toà án sẽ phân chia lại di sản thừa kế cho người có quyền hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Đất đai năm 2013.