Thừa kế là việc các cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan được hưởng phần di sản thừa kế do người mất để lại. Vậy giấy thừa kế nhà đất, hồ sơ thừa kế đất đai gồm giấy tờ gì? Bài viết dưới đây sẽ phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Các hình thức thừa kế nhà đất theo quy định của pháp luật:
Thừa kế là việc các cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan được hưởng phần di sản thừa kế do người mất để lại.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức thừa kế tài sản: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
+ Thừa kế theo di chúc là hình thức thừa kế mà tại đó người để lại di sản thừa kế thể hiện ý chí định đoạt phần tài sản của mình thông qua di chúc.
Trong nội dung di chúc, người để lại di sản thừa kế sẽ thể hiện rõ thông tin về các chủ thể được hưởng tài sản, phần tài sản được phân định. Bởi lẽ, người lập di chúc sẽ có các quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; được quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản hoặc giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
Nếu việc lập di chúc tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về hình thức và tính pháp lý, thì bản di chúc sẽ có hiệu lực về mặt pháp luật. Lúc này, khi người để lại di sản thừa kế chết, bản di chúc sẽ có hiệu lực pháp lý. Các chủ thể còn sống (có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến người lập di chúc) sẽ tiến hành mở thừa kế, khai nhận di sản thừa kế. Điều quan trọng nhất của thừa kế theo di chúc mà tất cả các chủ thể liên quan phải tuân thủ thực hiện là phải tuân thủ đúng theo nội dung của di chúc trong việc phân chia di sản thừa kế.
Với thừa kế theo di chúc, tranh chấp về phân chia di sản thừa kế sẽ ít xảy ra hơn. Bởi mọi sự phân định tài sản đều phải thực hiện đúng theo nội dung được thể hiện trong di chúc.
+ Thừa kế theo pháp luật được hiểu là hình thức thừa kế được áp dụng trong trường hợp người để lại di sản thừa kế chết mà không để lại di chúc (hoặc di chúc vô hiệu).
Đối với thừa kế theo pháp luật, di sản thừa kế sẽ được chia theo hàng thừa kế. Tức những ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết thì sẽ được hưởng di sản thừa kế do người này để lại. Nếu người thuộc hàng thứ kế thứ nhất mất thì tài sản sẽ được chia cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ hai. Trong trường hợp hàng thừa kế thứ hai không còn ai thì tài sản sẽ được chia cho các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ ba.
Khi phân chia di sản thừa kế, các đối tượng trong cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau. Và việc xác định chủ thể được nhận tài sản thừa kế sẽ tuân thủ theo quy định trong thứ tự hàng thừa kế.
2. Hồ sơ thừa kế đất đai gồm giấy tờ gì?
Khi tiến hành nhận thừa kế đất đai, các cá nhân có quyền và lợi ích liên quan phải chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Trong trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản).
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ chứng minh quyền sử dụng do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp là cơ sở pháp lý, xác minh quyền sử dụng hợp pháp của người mất đối với đất đai. Chỉ khi nào đưa ra được những chứng thư, tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất, cơ quan Nhà nước mới xem đất đai là di sản thừa kế, tiến hành giải quyết việc khai nhận và phân chia di sản thừa kế.
– Giấy chứng tử của người để lại di sản.
Giấy chứng tử là giấy tờ chứng minh người để lại di sản thừa kế là hợp pháp, và việc tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế (đất đai) là đúng theo quy định của pháp luật.
– Giấy tờ xác minh nhân thân của người thừa kế: Căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
– Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật: Khi tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế, cá nhân nhận phân chia di sản thừa kế phải đưa ra những Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc có quan hệ gia đình.
– Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc: Nếu di chúc hợp lệ (không mất hiệu lực theo quy định của pháp luật), thì việc tiến hành phân chia di sản thừa kế được tuân thủ theo nội dung đã được thỏa thuận trong di chúc.
Trên đây là các giấy tờ mà các cá nhân cần đảm bảo khi làm hồ sơ thừa kế đất đai. Các chứng thư, tài liệu này là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, đưa ra phương hướng giải quyết về vấn đề khai nhận di sản thừa kế sao cho khách quan và phù hợp nhất.
3. Trình tự thừa kế đất đai:
Khi tiến hành thừa kế đất đai, các cá nhân tuân thủ theo trình tự gồm các bước sau đây:
– Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế.
Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại văn phòng công chứng. Khi thực hiện, các cá nhân cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định được phân tích ở trên.
– Bước 2: Phân chia di sản thừa kế.
+ Đối với thừa kế theo di chúc, thì việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo nội dung của di chúc.
+ Đối với thừa kế theo pháp luật: Việc phân chia di sản thừa kế sẽ được chia đều cho các chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
4. Mẫu văn bản khai nhận di sản thừa kế (Mẫu giấy thừa kế):
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————–
VĂN BẢN KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ
Hôm nay, ngày … tháng … năm …, tại Văn phòng công chứng …chúng tôi gồm:
1. Ông (bà) ….. sinh năm ……
CMND/hộ chiếu số: …. Do …… cấp ngày …
Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ………
2. Ông (bà) …… sinh năm ……
CMND/hộ chiếu số: ……. Do …… cấp ngày ….
Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: ……
3. Ông (bà)…… sinh năm ……
CMND/hộ chiếu số: … Do …. cấp ngày ……
Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: …………
Bằng mẫu khai nhận di sản thừa kế này, chúng tôi xin được khai đúng sự thật rằng:
1. Ông (bà) …. và vợ (chồng) …. là đồng sở hữu của:
Nhà ở:
– Tổng diện tích : ………
– Kết cấu nhà : ……
– Số tầng : …..
Đất ở:
– Diện tích đất sử dụng chung: ……
2. Ông (bà)… đã chết ngày …… theo bản sao “Giấy chứng tử” số …. , quyển số …. do UBND phường …cấp ngày ……
Khi chết ông (bà)…… không để lại di chúc, không để lại một nghĩa vụ tài sản nào mà những người thừa kế phải thực hiện.
3. Bố đẻ và mẹ đẻ của ông (bà) …… đều đã chết trước ông (bà) …….
Ông (bà) không có bố, mẹ nuôi.
4. Bà (ông) ….. là vợ (chồng) của ông (bà) …… đã chết ngày …. theo “Giấy chứng tử” số ……, quyển số …. do UBND phường …… cấp ngày ……
Khi chết bà (ông) … không để lại di chúc, không để lại một nghĩa vụ tài sản nào mà những người thừa kế phải thực hiện.
5. Bố và mẹ đẻ của bà (ông)…. đều đã chết trước bà (ông) …
Bà (ông) … không có bố, mẹ nuôi.
6. Ông… và bà … là vợ chồng duy nhất của nhau.
7. Ông (bà) … và bà (ông) … chỉ có … người con đẻ là: ……
Ngoài … người con trên ông (bà)… và bà (ông) … không có người con đẻ, con nuôi nào khác.
8. Không người nào trong số chúng tôi không được quyền hưởng di sản thừa kế của ông (bà) … và bà (ông) …… theo quy định của Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
9. Trước khi lập mẫu khai nhận di sản thừa kế này, chúng tôi không có ai làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.
10. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì di sản của ông (bà) …và bà (ông) …. là:…
Và những người được hưởng di sản đó gồm:…………
11. Chúng tôi xin cam đoan những điều chúng tôi khai trong Văn bản này là hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi không khai thiếu thừa kế, không giấu thừa kế. Nếu sai hoặc sau này còn có ai khác khiếu nại và chứng minh được họ là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản được nêu tại điểm 01 hoặc là người thừa kế hợp pháp của ông (bà)… và bà (ông) … thì chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và xin đem tài sản của mình ra để đảm bảo cho lời khai này.
12. Nay, bằng văn bản này chúng tôi đồng ý nhận di sản thừa kế của ông (bà) … và bà (ông)…….. để lại là toàn bộ tài sản được nêu tại điểm 01 trên đây.
13. Sau khi đọc lại nguyên văn văn bản khai nhận di sản thừa kế này, chúng tôi công nhận đã hiểu rõ, chấp nhận hoàn toàn nội dung của văn bản và nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật khi lập và ký văn bản khai nhận di sản thừa kế này. Chúng tôi ký tên, điểm chỉ ngón trỏ bàn tay phải dưới đây làm bằng chứng.
NHỮNG NGƯỜI KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ
(Ký và ghi rõ họ tên)
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015;
Luật công chứng 2014.