Hiện nay, thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thực hiện mua bán nhà đất diễn ra ngày càng phổ biến ở nước ta, gây ra những hậu quả nặng nề cho người bị hại, cũng như trật tự xã hội. Vậy tội lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức lừa đảo mua bán nhà đất phổ biến hiện nay:
Hiện nay, thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thực hiện mua bán nhà đất diễn ra ngày càng phổ biến ở nước ta.
Việc lừa đảo đảo diễn ra phổ biến chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do nhu cầu mua bán, chuyển nhượng nhà đất ở người dân ngày càng nhiều. Khi thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân thường hướng đến việc tìm đến bên môi giới. Tại đây, dịch vụ môi giới sẽ tìm cho họ nhà đất phù hợp với mong muốn về hình thái, mục đích sử dụng và giá tiền. Việc nhờ đến dịch vụ môi giới khi tiến hành mua bán nhà đất là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Điều đáng nói là có nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân, lợi dụng tính phổ biến của loại hình dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các tình huống, hình thức lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng thường diễn ra, đó là:
+ Bên lừa đảo sẽ đăng những bài viết về việc tìm chủ thể mua bán nhà đất lên các hội nhóm trên mạng xã hội. Trong các bài đăng, các đối tượng này còn đính kèm những giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, tại các bài đăng, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra những thông tin “ưu đãi”, béo bở về miếng đất: Đất nằm ở vị trí đắc địa, diện tích đất rộng, nếu nhà ở chung cư thì đưa ra thông tin về việc mua bán chung cư giá rẻ. Trước những lợi ích, món hời mà các đối tượng này đưa ra, rất nhiều người đã bị mắc bẫy, liên lạc với chúng. Khi người dân liên hệ, hỏi về vấn đề mua bán đất, các đối tượng này sẽ gửi cho người dân những giấy tờ, tài liệu liên quan đến miếng đất. Việc cung cấp các giấy tờ này để người mua yên tâm, chắc chắn hơn về việc mua bán. Sau khi lấy được lòng tin của người mua, chủ thể lừa đảo này sẽ yêu cầu người mua phải chuyển trước một khoản tiền, gọi là tiền cọc, để họ giữ đất cho (không bán cho người khác). Sợ nhà đất bị bán cho đối tượng khác, người mua sẽ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo này.
+ Cá nhân khi có nhu cầu mua nhà đất sẽ đăng bài tìm mua nhà đất lên mạng.Lúc này, các đối tượng lừa đảo sẽ liên hệ, cung cấp cho người mua những thông tin liên quan đến miếng đất để người mua tin tưởng. Sau đó, các đối tượng này sẽ chủ động liên hệ gặp mặt. Họ đưa người có nhu cầu đến xem một miếng đất “ảo” nào đó, để người dân xem xét. Sau khi người mua đồng ý, chúng sẽ giao kết hợp đồng với bên mua. Tinh vi hơn, chúng sẽ nhờ cả đối tượng làm công chứng viên để công chứng giấy tờ. Tiền trao cháo múc, đến khi đi làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bên mua mới biết mình bị lừa đảo. Lúc này, khi xem xét lại, mọi thông tin, bao gồm cả Căn cước công dân mà các đối tượng này đều là giả.
+ Đối tượng lừa đảo tự nhận là bên môi giới nhà đất. Tại đây, chúng sẽ lừa đảo cả bên mua và bên bán (yêu cầu các bên đưa tiền cho mình), trong khi hợp đồng, giao dịch không được diễn ra.
Trên đây là các trường hợp phổ biến nhất của hành vi lừa đảo mua bán nhà đất qua mạng. Thực tế, các hành vi này diễn ra hết sức tinh vi, khiến nhiều người bị lừa. Thậm chí, chỉ khi làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người mua mới biết mình bị rơi vào cảnh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Hậu quả của hành vi lừa đảo mua bán nhà đất qua mạng:
Lừa đảo mua bán nhà đất qua đem đến những hậu quả nặng nề, không chỉ cho phía bên mua bán (đối tượng bị lừa đảo), mà còn cho cả cơ quan Nhà nước. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với người bị lừa đảo:
Khi tham gia hoạt động mua bán nhà đất trên mạng, cá nhân có nhu cầu mua bán đất rất dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin giả liên quan đến miếng đất. Tại đây, thấy những chứng thư, tài liệu được cung cấp đầy đủ, người có nhu cầu mua bán đất rất dễ bị lừa. Họ sẽ chuyển tiền cho các đối tượng này để cọc mà không cần biết thêm những thông tin liên quan, thậm chí chưa được nhìn nhận, kiểm tra miếng đất trên thực tế.
Có nhiều trường hợp tinh vi và đầu tư hơn, các đối tượng thực hiện lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng còn đưa người mua đất một miếng đất, cùng những tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất giả đưa ra, để chứng minh quyền sử dụng đất là hợp pháp. Khi thấy đất trên thực tế, người dân sẽ đồng ý thực hiện luôn các giao dịch liên quan đến đất đai mà không cần kiểm tra xem giấy tờ có đúng hay không, miếng đất đó có đúng là của người bán hay không.
Khi bị lừa đảo, nạn nhân sẽ bị mất một khoản tiền nhất định. Liên quan đến đất đai, thì giá trị tài chính là tương đối lớn. Đây được xem là hậu quả nặng nề nhất mà hành vi lừa đảo mua bán nhà đất mang lại.
2.2. Đối với công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền:
Hiện nay, hành vi lừa đảo mua bán nhà đất đang diễn ra ngày càng phổ biến tại nước ta. Hành vi này gây ra những hậu quả nặng nề về tài chính cho người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội khiến những hoạt động vi phạm pháp luật này ngày càng được luồn lách thực hiện nhiều. Số lượng nạn nhân nhiều, tỷ lệ tội phạm nhiều, sẽ gây ra những ảnh hưởng, khó khăn lớn trong công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trật tự an toàn xã hội bị rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực; lòng dân bất an. Khi những vụ việc lừa đảo diễn ra nhiều, người dân sẽ mất niềm tin vào công tác quản lý xã hội của cơ quan Nhà nước. Bởi họ sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao Nhà nước không thắt chặt quản lý, giải quyết nghiêm các trường hợp lừa đảo để chúng không diễn ra nữa?
Lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; cơ chế quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Tội lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng bị xử lý như thế nào?
– Trong trường hợp hành vi lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng diễn ra, thu lợi với số tiền dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính được áp dụng với đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo mua bán nhà đất trên mạng là bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Đối với trường hợp hành vi lừa đảo mua bán nhà đất chuộc lợi trên 2 triệu đồng, thì chủ thể vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức phạt được áp dụng như sau:
+ Cá nhân, tổ chức bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc các trường hợp vi phạm như sau:
Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội danh liên quan khác; hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản lừa đảo được là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
+ Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc các trường hợp sau đây: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
+ Cá nhân, tổ chức phạm tội thuộc bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
+ Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn phải chấp hành hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015;
Nghị định 144/2021/NĐ-CP.