Quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác của nhà nước được các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước điều chỉnh.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Trước hết ta cần tìm hiểu quan hệ pháp luật là gì. Theo quy định thì quan hệ pháp luật được hiểu là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau, cụ thể nó là quan hệ xã hội mang tính chất ý chí – ý chí của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật mà nội dung của chúng được xác định bằng các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội tôn tại trong xã hội đó vào thời điểm lịch sử nhất định. Theo đó, những quan hệ xã hội này xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt dựa trên quy định của pháp luật. Trong quan hệ pháp luật thì các bên tham gia vào quan hệ đó là những chủ thể có quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh được pháp luật quy định và Nhà nước sẽ bảo đảm thực hiện.Bên cạnh đó thì các quan hệ pháp luật còn mang ý chí của các chủ thể tham gia vào quan hệ đó.
Tiếp theo ta cần xác định ngân sách nhà nước là gì? Ngân sách nhà nước để hiểu một cách đơn giản nhất thì nó là những bản dự toán các khoản thu và chi, được các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quyết định để thực hiện trong thời hạn nhất định, thông thường là một năm.
Từ hai khái niệm nêu trên thì ta có thể xác định được quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác của nhà nước được các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước điều chỉnh.
Theo đó quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước sẽ bao gồm các quan hệ về phân cấp quản lý, điều hành ngân sách; các quan hệ trong quá trình lập và thông qua dự toán ngân sách; các quan hệ về chấp hành ngân sách nhà nước và các quan hệ quyết toán ngân sách nhà nước.
2. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Như chúng ta đã biết quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác của nhà nước được các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước điều chỉnh. Chính vì vậy các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước thường liên quan trực tiếp đến chủ thể, khách thể và nội dung. Để hiểu rõ hơn về các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước chúng tôi sẽ phân tích cụ thể như sau:
2.1. Về chủ thể quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Chủ thể trong mỗi mối quan hệ xã hội thì sẽ có những tên gọi khác nhau nhưng nó luôn tồn tại hiện hữu, tức là mỗi một mối quan hệ luôn được nhận diện thông qua thông tin của chủ thể đó. Chủ thể có thể là cá nhân hoặc tổ chức tùy thuộc vào các quan hệ. Theo đó, chủ thể quan hệ pháp luật là tổ chức, hay nói chính xác hơn thì chủ thể quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và các tổ chức phi kinh doanh. Cụ thể, nếu đứng từ góc nhìn nhà nước thì chủ thể quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước sẽ bao gồm: Các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Các cơ quan chấp hành và điều hành như Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc hình thành và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước như Cơ quan tài chính các cấp; và các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước: tham gia với 2 tư cách là chủ thể có quyền lực được nhân dân trao cho và chủ thể thường (chi mua sắm, đấu thầu). Còn Các tổ chức kinh tế tham gia với tư cách là chủ thể đóng thuế và chủ thể thụ hưởng cụ thể là nhận tiền góp vốn của nhà nước. Các tổ chức phi kinh doanh thì tham gia với tư cách như là những tổ chức được cấp kinh phí ví dụ như Đảng cộng sản, công đòan, Đòan thanh niên và tư cách được nhà nước giao nhiệm vụ và cấp kinh phí như các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cá nhân
2.2. Về khách thể của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Theo quy định thì ta có thể hiểu rằng khách thể chính là những vật chất hoặc là những lợi ích về mặt tinh thần hoặc là cả hai cái vật chất và tinh thần. Khách thể là thứ mà các chủ thể mong muốn có được khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nhất định. Theo đó thì khách thể của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước được xác định là tiền và các giấy tờ có giá trị có thể chuyển đổi thành tiền nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước.
2.3. Về nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Nội dung của bất kỳ một mối quan hệ nào được hiểu là những phạm trù cơ bản chỉ tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình cấu tạo nên mối quan hệ đó. Theo đó thì nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là do các quy phạm pháp luật ngân sách nhà nước quy định hay thừa nhận và được đảm bảo thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế của nhà nước. Cụ thể nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là những quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước.
Do quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước phát sinh trong một lĩnh vực đặc thù là lĩnh vực tài chính công nên nó thuộc loại quan hệ có tính chất hành chính và được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật thuộc ngành luật công. Theo đó thì tính chất hành chính, quyền lực công của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước được thể hiện cụ thể thông qua thành phần tham gia quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước có ít nhất 1 bên là cơ quan công quyền, thậm chí hầu hết các quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước đều có hai bên tham gia là các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó thì có thể thấy mục đích của việc xác lập và thực hiện quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là thỏa mãn nhu cầu thực hiện các chức năng cơ bản của nhà nước vì lợi ích công cộng. Ngoài ra thì hầu hết các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước đếu đc thiết lập nhằm hướng tới việc thỏa mãn lợi ích chung.
3. Đặc điểm của các quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:
Từ các phân tích ở những phần mục trên chúng ta cũng đã nắm được cơ bản về quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước. Theo đó thì quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước sẽ có chủ thể quan hệ pháp luật là tổ chức, hay nói chính xác hơn thì chủ thể quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và các tổ chức phi kinh doanh. Còn khách thể của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước được xác định là tiền và các giấy tờ có giá trị có thể chuyển đổi thành tiền. Nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là những quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước. Từ việc xác định những yếu tố cấu thành của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước ta cũng rút ra được những đặc điểm nổi bật của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước như sau:
Một là, trong quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước sẽ luôn có sự tham gia của ít nhất một bên chủ thể là nhà nước hoặc các cơ quan đại diện của nó. Bởi, nhắc tới ngân sách nhà nước thì chúng ta cũng đã hình dung ra được rằng nó những bản dự toán các khoản thu và chi, được các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quyết định để thực hiện trong thời hạn nhất định. Do đó, chắc chắn phải có nhà nước trong quan hệ pháp luật này.
Hai là, trong quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước thì các chủ thể tham gia không tự ý xác lập mối quan hệ đó mà do pháp luật quy định từ trước. Từ quyền và nghĩa vụ của các bên cũng đều do pháp luật quy định chứ không phải do các bên tự thỏa thuận với nhau. Điều đó có thể dễ hiểu bởi quan hệ pháp luật này khi tham gia thì các chủ thể chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước.
Ba là, trong quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước thì các chủ thể tham gia trước hết là phải vì lợi ích kinh tế- tài chính của nhà nước, của xã hội chứ không phải là vì lợi ích riêng của mình.