Những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn giảm học phí cần thực hiện lần lượt những thủ tục sau để thực hiện thủ tục xin miễn giảm học phí:
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên:
Phụ huynh học sinh, sinh viên cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau để xin miễn giảm học phí:
1.1. Đơn đề nghị miễn, giảm học phí:
Tùy từng đối tượng mà đơn đề nghị miễn giảm học phí sẽ khác nhau, cụ thể:
– Đối với đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: tuân thủ mẫu đơn theo Phụ lục II được ban hành kèm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
– Đối với đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập: tuân thủ mẫu đơn theo Phụ lục V được ban hành kèm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
1.2. Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí:
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí đối với những đối tượng sau:
– Đối tượng được miễn học phí:
+ Giấy xác nhận khuyết tật do chính Ủy ban nhân dân (UBND) xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đối với những đối tượng học sinh, sinh viên khuyết tật;
+ Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đối với:
++ Trẻ mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng;
++ Người từ 16 – 22 tuổi đang học phổ thông, đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
++ Người học trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
+ Giấy xác nhận hộ nghèo do ủy ban nhân dân xã cấp cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông, cấp cho học viên giáo dục thường xuyên mà có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp đối tượng ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo;
+ Giấy chứng nhận được hưởng chế độ miễn học phí theo các quy định tại
+ Giấy khai sinh và giấy xác nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do ủy ban nhân dân xã cấp cho những học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp đối tượng ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; các học sinh, sinh viên người dân tộc rất ít người;
+ Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc có đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc) đối với:
++ Trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, các xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo;
++ Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người.
+ Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) hoặc giấy xác nhận tốt nghiệp tạm thời đối với những người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp.
– Đối tượng được giảm học phí:
+ Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc đã đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc) đối với: trẻ mẫu giáo và học sinh, sinh viên là những người dân tộc thiểu số ở:
++ Thôn/bản đặc biệt khó khăn;
++ Xã khu vực III dân tộc miền núi, xã vùng bãi ngang ven biển hải đảo;
++ Học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.
+ Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng của cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân;
+ Giấy xác nhận hộ cận nghèo do ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho đối tượng trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên mà có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.
2. Nộp hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên:
Phụ huynh học sinh (cha, mẹ, người giám hộ), sinh viên có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau để nộp hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên:
– Nộp hồ sơ trực tiếp;
– Nộp hồ sơ qua bưu điện;
– Nộp hồ sơ qua hệ thống giao dịch điện tử.
Nơi tiếp nhận hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên là cơ sở giáo dục nơi đối tượng được miễn giảm học phí đang theo học.
Thời gian nộp hồ sơ: Phụ huynh học sinh, sinh viên phải nộp hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học
Lưu ý rằng:
– Người học thuộc diện miễn, giảm học phí chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập.
– Đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vào mỗi đầu học kỳ phải thực hiện nộp bổ sung giấy xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí cho kỳ học tiếp theo.
– Trường hợp học sinh, sinh viên có thẻ căn cước công dân và đã được cấp mã số định danh cá nhân, các thông tin về nơi thường trú có thể khai thác từ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư với những cơ sở giáo dục đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính, Sở Tài chính, thì cha mẹ (hoặc là người giám hộ) trẻ em, học sinh, sinh viên sẽ không phải nộp “Giấy khai sinh” và “Sổ hộ khẩu thường trú”.
3. Giải quyết hồ sơ xin miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên:
Tùy từng đối tượng, cơ sở giáo dục mà thời gian giải quyết hồ sơ cũng như người có thẩm quyền giải quyết sẽ khác nhau, cụ thể:
– Đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc phòng giáo dục đào tạo:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn giảm học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở những địa bàn không đủ trường công lập, Hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí;
+ Sau khi lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí, Hiệu trưởng gửi phòng giáo dục và đào tạo thẩm định;
– Đối với trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở giáo dục và Đào tạo:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi đã nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí Hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí;
+ Sau khi lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí Hiệu trưởng gửi sở giáo dục và đào tạo thẩm định.
– Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí, Thủ trưởng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập phải có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với những học sinh, sinh viên và học viên;
+ Lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp;
+ Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí gửi đến Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí về kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.
– Đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; các cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục:
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn giảm học phí phải có trách nhiệm cấp cho người học giấy xác nhận
– Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục:
+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí thì Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục phải có trách nhiệm xác nhận hồ sơ miễn, giảm học phí đối với người học;
+ Lập danh sách người học được miễn, giảm học phí gửi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà người học đăng ký thường trú để thực hiện theo quy định.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.