Những người có tài sản mong muốn sau khi mình chết thì tài sản đó sẽ được chuyển lại cho một hoặc một số người/tổ chức, khi đó họ sẽ để lại di chúc. Vậy người bị mù, bị câm điếc muốn lập di chúc thì phải làm gì?
Mục lục bài viết
1. Người bị mù, bị câm điếc muốn lập di chúc thì phải làm gì?
Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về di chúc hợp pháp, theo quy định này, để một di chúc hợp pháp phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;
– Đối với di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ bắt buộc phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể người bị hạn chế về thể chất là người như nào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người bị hạn chế về thể chất có thể được hiểu là những người có một hoặc một số các đặc điểm về thể chất làm cho họ bị hạn chế hoặc suy giảm các chức năng so với người bình thường (ví dụ như người bị câm, điếc, mù,…) nhưng chưa đến mức họ bị mất đi năng lực hành vi dân sự và những nhược điểm đó đã làm cho họ không có khả năng để thực hiện một số việc nhất định như nghe, nói, viết….Như vậy, người bị mù, câm, điếc được coi là người bị hạn chế về thể chất.
Theo quy định của pháp luật đã nêu trên, di chúc của người bị hạn chế về thể chất phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Có nghĩa là người bị mù, bị câm điếc muốn lập di chúc thì phải có người làm chứng lập thành văn bản và bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực.
Việc pháp luật quy định về điều kiện lập di chúc đối với bị hạn chế về thể chất (người bị câm, điếc, mù,…) mang ý nghĩa nhằm bảo vệ những người mà bị hạn chế về thể chất nhưng tinh thần của họ vẫn minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện về ý chí trong việc lập di chúc.
Ngoài ra, pháp luật đưa ra một quy định như vậy cũng đã làm đúng về tinh thần pháp luật Việt Nam đó chính là điều luật mang tính nhân văn, có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm các quyền của những người bị coi là yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.
Như vậy, để bảo đảm di chúc được lập theo đúng ý chí của người để lại di sản thuộc vào những đối tượng yếu thế nêu trên, để hạn chế mức thấp nhất khả năng những người này bị lợi dụng những điểm yếu của họ nhằm để lập di chúc không đúng với ý chí mà bản thân họ đưa ra nên pháp luật mới đặt ra quy định yêu cầu đối với hình thức di chúc của những đối tượng này được coi là hợp pháp khi có người làm chứng và phải được công chứng hoặc chứng thực.
2. Quy định về người làm chứng và người công chứng, chứng thực di chúc của người bị mù, bị câm điếc:
2.1. Đối với người làm chứng:
Để đảm bảo vô tư, khách quan cho việc người bị câm, điếc, mù lập di chúc thì pháp luật cũng đã quy định những người không được làm chứng trong di chúc của người bị câm, điếc, mù, trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 632 Bộ Luật Dân sự 2015, bao gồm những đối tượng sau:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc là người bị câm, điếc, mù;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc của người bị câm, điếc, mù;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Việc loại trừ những đối tượng này không được là người làm chứng trong di chúc của người bị câm, điếc, mù khá hợp lý và dễ hiểu, bởi vì:
– Theo nguyên tắc chung, người làm chứng là những người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến người lập di chúc và người được chỉ định trong di chúc. Người thừa kế theo di chúc là người được hưởng di sản của người lập di chúc, cho nên họ không thể là người làm chứng trong việc lập di chúc. Mặt khác, đối với người thừa kế theo pháp luật là người có thể được hưởng di sản nếu di chúc vô hiệu, do vậy, họ sẽ là người không khách quan khi có tranh chấp về thừa kế theo di chúc;
– Những người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung của di chúc như người là đồng chủ sở hữu đối với phần tài sản định đoạt trong di chúc, hoặc người là chủ nợ hoặc con nợ của người lập di chúc là những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế, cho nên sẽ không bảo đảm tính khách quan khi có tranh chấp;
– Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, nếu xét về mặt tâm sinh lý thì chưa đủ khả năng làm chủ hoàn toàn hành vi của mình, cho nên dễ bị người khác tác động làm ảnh hưởng đến sự khách quan trong việc làm chứng. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự là người không nhận thức được các sự kiện xảy ra xung quanh họ, cho nên không thể là người làm chứng cho việc lập di chúc. Còn những người có khó khăn về nhận thức, làm chủ hành vi thì không thể nhận thức đầy đủ hành vi và hậu quả pháp lý về hành vi của mình và của người khác, cho nên không thể là người làm chứng trong việc lập di chúc của người bị câm, điếc, mù.
2.2. Đối với người công chứng, chứng thực di chúc:
Tương tự như trường hợp đối với người làm chứng, cũng nhằm để đảm bảo vô tư, khách quan cho việc người bị câm, điếc, mù lập di chúc thì pháp luật quy định những Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc, những đối tượng này được quy định tại Điều 637 Bộ Luật Dân sự 2015, bao gồm có:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc bị câm, điếc, mù;
– Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;
– Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Những đối tượng này bị loại trừ, không được thực hiện công chứng, chứng thực di chúc của người bị câm, điếc, mù là bởi:
– Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực di chúc là người thừa kế theo di chúc không thể chứng nhận, chứng thực bản di chúc mà chính mình là người thừa kế theo di chúc của người bị câm, điếc, mù;
– Trường hợp Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực di chúc là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc cũng không thể là người chứng nhận, chứng thực bản di chúc bởi nếu là người lập di chúc chỉ định người khác hưởng di sản thì sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế của những người này, cho nên, việc chứng thực, chứng nhận có thể không khách quan;
– Trường hợp Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực di chúc có người thân thích (cha, mẹ, vợ, chồng, con,…) là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc thì việc chứng nhận, chứng thực cũng có thể không khách quan vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thân thích của những người đó;
– Nếu Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực di chúc là người có quyền và nghĩa vụ về tài sản liên quan đến nội dung di chúc như chủ nợ hoặc con nợ…..của người lập di chúc thì việc chứng nhận, chứng thực cũng có thể không khách quan vì nội dung di chúc đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bản thân họ.
3. Quy định về nội dung của di chúc khi người bị mù, câm, điếc lập di chúc:
Ngoài những điều kiện đã nêu ở các mục trên mà người lập di chúc là người bị câm, điếc, mù và người làm chứng trong di chúc của người bị câm, điếc, mù phải tuân theo để đảm bảo bản di chúc được hợp pháp thì nội dung trong di chúc cũng phải đáp ứng đúng theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
– Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Ngày, tháng, năm mà người bị câm, điếc, mù lập di chúc;
– Họ, tên và nơi cư trú của người bị câm, điếc, mù lập di chúc;
– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản của người bị câm, điếc, mù;
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc của người bị câm, điếc, mù để lại gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;
– Trường hợp di chúc của người bị câm, điếc, mù có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người người làm chứng di chúc của người bị câm, điếc, mù phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Dân sự 2015