Nợ được hình thành khi một người cho vay đồng ý cho người vay vay một lượng tài sản nhất định. Vậy nghĩa vụ trả nợ thay người chết của những người thừa kế được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ trả nợ thay người chết của những người thừa kế:
Sau khi một người chết, nhưng người đó vẫn còn một hoặc một số khoản nợ đối với những cá nhân, tổ chức khác thì nghĩa vụ trả khoản nợ đó sẽ do những người hưởng di sản thừa kế của người này thực hiện chi trả trong phạm vi khối di sản đó, nếu như người đó có tài sản để lại. Còn trong trường hợp người đó không có tài sản để lại (di sản) thì không ai phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về những khoản nợ đó. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, cụ thể như sau:
– Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác;
– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo đúng thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại;
– Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng sẽ không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện những nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Sau khi mở thừa kế thì những người thừa kế có thể thoả phân chia di sản và thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Theo nguyên tắc những người thừa kế hưởng bao nhiêu phần di sản thì phải thực hiện bấy nhiêu phần nghĩa vụ của người để lại thừa kế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 370 Bộ Luật Dân sự 2015 về chuyển giao nghĩa vụ, thì các nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của cá nhân không được chuyển giao. Đó là những nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ nhân thân của người đó và phải do chính họ thực hiện như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ nuôi dưỡng,…Những nghĩa vụ tài sản mà do hành vi của người để lại di sản làm phát sinh, được chuyển giao cho những người thừa kế. Trường hợp này được coi là chuyển nghĩa vụ do pháp luật quy định. Do vậy, khi người thừa kế nhận di sản, đồng thời nghĩa vụ tài sản của người chết cũng được chuyển cho người thừa kế. Người thừa kế được nhận một phần di sản, cho nên họ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài sản trong phạm vi giá trị phần di sản được nhận. Nếu phần nghĩa vụ vượt quá giá trị phần di sản thừa kế, thì người thừa kế không phải thực hiện phần vượt quá đó.
Trường hợp tất cả những người thừa kế được phân chia di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc, thì mỗi người sẽ được nhận một phần di sản, đồng thời họ phải tiếp nhận phần nghĩa vụ tương ứng với phần di sản được nhận. Như vậy, vào thời điểm nhận di sản làm phát sinh quyền sở hữu đối với phần di sản đã nhận và người thừa kế có nghĩa vụ thực hiện một phần nghĩa vụ của người để lại di sản. Phần nghĩa vụ này được xác định theo phần tương ứng với di sản được hưởng, do vậy nghĩa vụ của những người thừa kế là nghĩa vụ riêng rẽ.
Đối với pháp nhân được hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản trong phạm vi di sản được hưởng giống như người thừa kế là cá nhân.
2. Người quản lý di sản có được sử dụng di sản để trả nợ cho người chết:
– Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra;
– Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử ra được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản sẽ tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản;
– Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 615 có quy định trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại sẽ được người quản lý di sản thực hiện theo đúng thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Như vậy, sau khi mở thừa kế, người thừa kế chưa thực hiện thủ tục chia di sản thì người quản lý di sản có quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người đã chết trong phạm vi khối di sản, tuy nhiên việc trả nợ cho người đã chết phải được sự đồng ý của tất cả những người được thừa kế và phải tuân theo đúng thỏa thuận của các bên (bên được hưởng di sản và bên quản lý di sản) và sự thỏa thuận đó phải được lập thành văn bản.
Lưu ý rằng, sau khi mở thừa kế, người thừa kế chưa chia di sản mà di sản đó gây thiệt hại cho người khác, thì trách nhiệm bồi thường sẽ xác định như sau:
– Trường hợp thứ nhất, nếu di sản do người khác đang quản lý, sử dụng để khai thác lợi ích cho mình như người thuê, người mượn mà trong thời hạn thuê, mượn di sản này gây thiệt hại cho người khác thì người đang quản lý, sử dụng di sản phải bồi thường thiệt hại;
– Trường hợp thứ hai, di sản được quản lý theo chỉ định trong di chúc mà gây thiệt hại cho người khác, thì cần phải xem xét người quản lý di sản có lỗi hay không. Nếu người quản lý di sản có lỗi thì họ phải bồi thường. Ngược lại, họ không có lỗi thì người quản lý di sản sẽ trích một phần di sản để bồi thường thiệt hại.
3. Các khoản nợ của người để lại di sản có được ưu tiên thanh toán trước:
3.1. Thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến thừa kế:
Tại Điều 658 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rõ các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
– Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
– Chi phí cho việc bảo quản di sản;
– Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
– Tiền công lao động;
– Tiền bồi thường thiệt hại;
– Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
– Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
– Tiền phạt;
– Các chi phí khác.
3.2. Các khoản nợ của người để lại di sản có được ưu tiên thanh toán trước:
Trước khi phân chia di sản cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật thì cần phải thanh toán các nghĩa vụ của người để lại di sản chưa thực hiện khi còn sống hoặc thanh toán các chi phí khác liên quan đến di sản, đến việc thừa kế. Trước khi chia thừa kế thì thanh toán các khoản chi phí theo thứ tự ưu tiên đã nêu ở mục trên, cụ thể:
– Chi phí mai táng gồm những chi phí cần thiết, hợp lý theo phong tục, tập quán của nhân dân địa phương như là tiền quan tài, tiền thuê các dịch vụ mai táng,….;
– Trường hợp người để lại di sản có nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ/chồng, con chưa thành niên sau khi ly hôn hoặc tiền cấp dưỡng cho con người khác theo quyết định/bản án của tòa án mà còn thiếu thì trích từ di sản chuyển cho người được nhận tiền cấp dưỡng đó;
– Nếu trong thời hạn bảo quản di sản mà người quản lý di sản đầu tư những chi phí cần thiết để bảo tồn giá trị di sản thì phải thanh toán chi phí đó cho người quản lý di sản;
– Trường hợp người để lại di sản khi còn sống có nuôi dưỡng người khác thì cần phải trích một phần di sản dành lại cho người đó;
– Đối với tiền công lao động của người làm thuê chưa trả hoặc mới trả một phần thì phải thanh toán cho người lao động;
– Nếu người để lại di sản đã gây thiệt hại cho người khác theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng mà chưa bồi thường hoặc đã bồi thường nhưng còn thiếu, thì phải chi trả ngay cho người được bồi thường;
– Sau các khoản thanh toán cần thiết trên, tiếp theo phải thanh toán các loại tiền thuế chưa nộp như tiền thuế sử dụng đất hoặc các loại thuế khác và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
– Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân như tiền vay,…;
– Cuối cùng phải thanh toán tiền nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quyết định của tòa án.
Sau khi thanh toán hết các chi phí mà còn di sản thì di sản sẽ được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật.
Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến thừa kế và qua phân tích ở trên thì các khoản nợ của người để lại di sản sẽ không được thanh toán trước, mà phải thanh toán trước những khoản cần thiết như chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng,….
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Dân sự 2015.