Nghỉ phép năm là một trong những chế độ mà người lao động quan tâm. Thông thường, đây là chế độ nghỉ để người lao động sử dụng vào những dịp đặc biệt hoặc đột xuất phát sinh. Vậy lịch nghỉ phép năm này do công ty quy định hay người lao động được chọn?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về ngày nghỉ phép năm:
Theo quy định của pháp luật lao động thì ta có thể hiểu rằng nghỉ phép năm hay còn được gọi là số ngày nghỉ hàng năm của người lao động. Nghỉ phép năm là những quyền lợi cơ bản mà người lao động được hưởng trong một năm khi làm việc cho cho một doanh nghiệp, hay tổ chức nào đó. Do đó người lao động có thể dùng hoặc không dùng. Người lao động có quyền nghỉ phép năm nhưng không có nghĩa vụ nghỉ phép năm.
Tùy vào quy định của mỗi doanh nghiệp, tính chất công việc mà người lao động sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép năm khác nhau.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì ta có thể xác định được đối với những người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
– Đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động trong điều kiện bình thường thì được nghỉ 12 ngày làm việc hằng năm và được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động;
– Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ 14 ngày làm việc hằng năm và được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động;
– Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ 16 ngày làm việc hằng năm và được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định trên thì có thể thấy rằng số ngày nghỉ phép năm của người lao động có thể là 12, 14 hoặc 16 ngày trong vòng 1 năm. Còn trong trường hợp, người lao động chưa đủ 1 năm làm việc thì vẫn được hưởng chế độ nghỉ phép năm theo mỗi tháng làm việc tương ứng với 01 ngày nghỉ phép cộng thêm
Bên cạnh đó tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, theo quy định này thì có thể hiểu rằng cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Theo đó thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho công ty thì sẽ được nghỉ hằng năm 12 ngày làm việc khi làm công việc văn phòng trong điều kiện bình thường và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Số ngày nghỉ phép năm của người lao động sẽ được tăng theo thâm niên làm việc tại công ty.
2. Lịch nghỉ phép năm công ty quy định hay người lao động chọn?
Như đã nêu ở trên thì nghỉ phép năm là những quyền lợi cơ bản mà người lao động và người lao động có thể dùng hoặc không dùng. Người lao động có quyền nghỉ phép năm nhưng không có nghĩa vụ nghỉ phép năm. Vậy, để xác định lịch nghỉ phép năm là do công ty quy định hay do người lao động chọn thì ta căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019. Theo quy định này thì ta xác định được như sau : Sau khi tham khảo ý kiến của người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Như vậy, theo quy định trên thì có thể thấy pháp luật đã quy định rất rõ ràng và cụ thể rằng công ty có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm. Tuy nhiên không phải công ty có quyền quyết định hoàn toàn mà công ty chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và thông báo trước cho người lao động. Sau khi tham khảo công ty có quyền quy định lịch nghỉ mà không cần có sự đồng ý của người lao động và chỉ cần thông báo trước với người lao động là được.
3. Không nghỉ hết phép năm thì xử lý như thế nào?
Lịch nghỉ phép năm là do công ty quy định, vậy khi công ty đã quy định lịch nghỉ mà người lao động không nghỉ hết số ngày phép năm đó thì sẽ giải quyết ra sao? Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 như thì ta có thể xác định được hướng giải quyết như sau:
– Đối với trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
– Đối với trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 113, Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động được biết. Theo đó thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp và thỏa thuận về thời gian nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Như vậy, từ hai quy định trên thì có thể thấy trường hợp người lao động không nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm sẽ được xử lý như sau:
– Trường hợp 1: người lao động sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày được nghỉ phép chưa nghỉ nếu người lao động không nghỉ hết số ngày phép do thôi việc hoặc bị mất việc làm;
Trường hợp 2: người sử dụng lao động không phải thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ phép chưa nghỉ nếu người lao động không nghỉ hết ngày nghỉ phép trong năm do không có nhu cầu nghỉ mà vẫn tiếp tục đi làm;
– Trường hợp 3: Gộp ngày nghỉ phép năm,người lao động không nghỉ hết phép năm do không có nhu cầu nghỉ sẽ không được thanh toán bằng tiền theo số ngày nghỉ phép còn thừa khi kết thúc năm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay cũng cho phép người lao động được thỏa thuận với doanh nghiệp để gộp ngày nghỉ phép còn dư sang các năm tiếp theo. Còn đối với trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì công ty sẽ phải thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ cho người lao động.
4. Không cho người lao động nghỉ phép năm, công ty bị phạt thế nào?
Như đã phân tích, dù việc nghỉ phép năm là quyền của người lao động nhưng lịch nghỉ phép lại thực hiện theo quy định của người sử dụng lao động. Nếu người lao động tự ý nghỉ phép năm không theo lịch đã quy định thì sẽ bị coi là tự ý bỏ việc. Theo đó, người này sẽ bị xử phạt lý kỷ luật lao động. Theo đó tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì người lao động còn bị xử lý sa thải nếu tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm e khoản 1 và khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì khi người lao động nghỉ phép năm không theo lịch đã quy định thì người lao động còn có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không được báo trước nếu nghỉ không phép từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng.
Còn đối với trường hợp nếu người sử dụng lao động không để người lao động nghỉ phép theo quy định thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể là theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo quy định này ta xác định được mức phạt như sau: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như vậy nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ phép theo quy định, người sử dụng lao động có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Mức xử phạt này là khá cao vì vậy người sử dụng lao động cần lưu ý những quy định của pháp luật về ngày nghỉ phép năm để tránh bị xử phạt.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật lao động 2019;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP: Hướng dẫn bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
– Nghị định 28/2020/NĐ-CP: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.