Thừa kế di sản là một trong những quyền của người thân trong gia đình của người chết có tài sản để lại. Vậy thừa kế quyền sở hữu trí tuệ là gì? Thừa kế quyền tác giả?
Mục lục bài viết
1. Thừa kế quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành hai hình thức là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết sang cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống.
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết sang cho người sống theo quy định của pháp luật nếu như người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc đó không hợp pháp.
Như đã nói ở trên, thừa kế là việc chuyển dịch “tài sản” của người đã chết sang cho người còn sống. Tài sản theo quy định của pháp luật dân sự là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, quyền tài sản cũng là tài sản.
Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm có quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và những quyền tài sản khác.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019, 2022), quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm có quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó:
– Quyền tác giả là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu;
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của những tổ chức, cá nhân đối với các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do chính mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;
– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của những tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do chính mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Căn cứ vào các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2022, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, thì những quyền tài sản đối với đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp là tài sản.
Như vậy, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản. Quyền tài sản chính là quyền trị giá được bằng tiền, theo đó quyền tài sản là di sản thừa kế sau khi mà chủ sở hữu của quyền tài sản chết.
2. Quy định về thừa kế quyền tác giả:
Quyền tác giả cũng như quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu trí tuệ và thuộc quyền tài sản, do vậy nên quyền tác giả cũng là tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, quyền tác giả sẽ chỉ được bảo hộ trong một thời hạn luật định và thừa kế quyền tác giả cũng có những đặc điểm và tính chất khác biệt so với thừa kế những loại tài sản khác.
Trường hợp tác giả chết thì những người thừa kế của tác giả được hưởng một số quyền thuộc về nội dung quyền tác giả. Theo quy định của pháp luật thì quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm sẽ có quyền để lại thừa kế quyền tác giả. Những người thừa kế quyền tác giả với tư cách là chủ sở hữu của tác phẩm sẽ có quyền để lại quyền thừa kế quyền tác giả do được thừa kế cho những người được thừa kế khác sau khi qua đời, trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả do pháp luật quy định vẫn còn.
Thừa kế quyền tác giả là thừa kế một số quyền nhân thân và quyền tác giả mà có liên quan đến quyền tác giả là di sản thừa kế. Những quyền nhân thân của tác giả đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm chuyển giao được thừa kế gồm có quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, quyền phổ biến tác phẩm. Người thừa kế quyền nhân thân của tác giả hoàn toàn có quyền thực hiện các hành vi thể hiện tác phẩm trước công chúng dưới dạng là thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và những vật chất hình thức khác. Công bố tác phẩm qua xuất bản phẩm bao gồm các loại hình: Sách, tài liệu, tranh ảnh, áp phích, catalo, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thay sách hoặc kèm theo sách,….. Người thừa kế quyền tác giả tự mình thực hiện những hành vi trên hoặc chuyển giao cho người khác thực hiện thông qua giao dịch dân sự hợp pháp.
Người thừa kế được hưởng những quyền tài sản liên quan đến tác phẩm, bao gồm có tiền nhuận bút, tiền thù lao khi mà tác phẩm được sử dụng, được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho những người khác sử dụng tác phẩm cũng dưới các hình thức tương tự như tác giả khi họ còn sống có quyền sử dụng và được thể hiện ở những quan hệ xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê,….(trừ trường hợp tác phẩm đó không được nhà nước bảo hộ).
3. Quy định về thừa kế quyền tác giả:
3.1. Những người được thừa kế quyền tác giả:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền lập di chúc để định đoạt về quyền tác giả của mình. Nếu như tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc đó không hợp pháp hoặc không định đoạt về quyền tác giả thì quyền tác giả sẽ được phân chia theo pháp luật, khi đó những người thừa kế sẽ là những người thuộc hàng thừa kế, bao gồm:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm có:
+ Vợ của người chết;
+ Chồng của người chết;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ của người chết;
+ Cha nuôi, mẹ nuôi của người chết;
+ Con đẻ, con nuôi của người chết.
– Hàng thừa kế thứ hai gồm có:
+ Ông nội, bà nội của người chết;
+ Ông ngoại, bà ngoại của người chết;
+ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm có:
+ Cụ nội, cụ ngoại của người chết;
+ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
+ Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng một hàng thừa kế thì sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người thừa kế ở hàng thừa kế sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3.2. Điều kiện đối với người thừa kế quyền tác giả:
Điều kiện đối với người thừa kế là phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế. Thời điểm để mở thừa kế chính là thời điểm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chết. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế chính là ngày chết được xác định trong quyết định của Tòa án.
3.3. Những người không được quyền hưởng thừa kế quyền tác giả:
Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định những trường hợp mà người thừa kế không được quyền hưởng di sản do người chết để lại theo pháp luật, theo đó những đối tượng không được hưởng thừa kế quyền tác giả bao gồm có:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của những người thừa kế khác nhằm hưởng phần di sản mà những người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả lập di chúc; giả mạo, sửa chữa, huỷ, che giấu di chúc nhằm hưởng di sản trái với ý chí của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
3.4. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế quyền tác giả:
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là quyền tác giả là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu xác nhận về quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của những người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2009, Luật Sở hữu trí tuệ 2022.