Gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khi phát hiện hành vi vi phạm này thì người phát hiện hành vi có quyền tố cáo hành vi lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Dưới đây là Mẫu đơn tố cáo gây rối an ninh trật tự công cộng mới nhất.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn tố cáo gây rối an ninh trật tự công cộng mới nhất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
………., ngày…. tháng…. năm……..
ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Đối tượng………….. có hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng)
Kính gửi: – Công an xã (phường, thị trấn)…….
– Ông….. – Trưởng công an xã (phường/ thị trấn) ……
Tên tôi là: ……..
Sinh năm: .…….
Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân số:….. cấp ngày…/… /… tại………
Địa chỉ thường trú:…….
Chỗ ở hiện nay:……….
Số điện thoại liên hệ:………
Tôi làm đơn này để tố cáo hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng của (những) đối tượng sau:
1. Ông/ Bà:……
Sinh năm: .…….
Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân số:….. cấp ngày…/… /… tại………
Địa chỉ thường trú:…….
Chỗ ở hiện nay:……….
Số điện thoại liên hệ:………
2. Ông/ Bà:……
Sinh năm: .…….
Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân số:….. cấp ngày…/… /… tại………
Địa chỉ thường trú:…….
Chỗ ở hiện nay:……….
Số điện thoại liên hệ:………
3…
Nội dung tố cáo:
………………
………………
(Phần này trình bày rõ về lý do làm đơn, các sự việc, dấu hiệu dẫn tới việc người làm đơn phát hiện hành vi vi phạm, hậu quả mà hành vi này gây ra, nếu có)
Do đó, tôi làm đơn này đề nghị Quý cơ quan công an xem xét, tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp xử lý những đối tượng có hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng đã nêu trên.
Tôi xin cam đoan những thông tin mà mình đã nêu trên hoàn toàn đúng với sự thật. Tôi xin chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ việc thông tin tôi đã nêu trên là sai.
Tôi xin trân thành cảm ơn!
Tài liệu, chứng cứ đính kèm: 1 ……….. 2 ……….. 3 ……….. …………. | Người làm đơn (Ký và ghi rõ họ tên) |
2. Hướng dẫn làm đơn tố cáo hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng:
Để làm được đơn tố cáo hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng thì cần phải lưu ý về nội dung và hình thức của đơn. Sau đây Luật Dương Gia sẽ hướng dẫn quý bạn đọc cách viết đơn tố cáo đối với hành vi nêu trên:
Về hình thức đơn tố cáo: quý bạn đọc có thể tham khảo hình thức trình bày đơn mà Luật Dương Gia đã trình bày tại mục 1 của bài viết này. Đây là mẫu đơn có thể áp dụng để tố cáo cho mọi hành vi vi phạm.
Về nội dung đơn tố cáo: đơn tố cáo phải thể hiện được các nội dung sau:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ;
– Địa điểm và thời gian viết đơn tố cáo;
– Thông tin cá nhân, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo:
+ Ghi rõ tên cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tố cáo thuộc cấp nào, cấp trên nào quản lý;
+ Ghi rõ thông tin của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận đơn tố cáo.
– Nội dung về thông tin của người làm đơn tố cáo như tên, ngày sinh, thông tin liên hệ bao gồm địa chỉ và số điện thoại,… Trong trường hợp người tố cáo là người được uỷ quyền làm đơn thì phải ghi rõ cả thông tin của người uỷ quyền;
– Nội dung thông tin của người bị tố cáo như tên, ngày sinh, thông tin liên hệ bao gồm địa chỉ và số điện thoại,… cũng như tên hành vi vi phạm pháp luật của bên bị tố cáo;
– Nội dung tố cáo: Đây là nội dung quan trọng trong đơn tố cáo, theo đó khi làm đơn tố cáo cần phải ghi rõ được sự việc diễn ra như thế nào? sự việc đó xâm hại như thế nào đến quyền và lợi ích hợp pháp của người làm đơn và những chủ thế khác có liên quan? hành vi bị tố cáo đã gây ra thiệt hại gì?
– Yêu cầu của người làm đơn tố cáo đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong việc xử lý người bị tố cáo;
– Cam đoan của người làm đơn về nội dung tố cáo;
– Tài liệu, chứng cứ đính kèm: phải liệt kê được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ được đính kèm theo đơn tố cáo. Việc tố cáo này phải được thông qua tài liệu, chứng cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có căn cứ giải quyết và xác minh nội dung tố cáo. Theo đó, tài liệu, chứng cứ được liệt kê trong đơn phải được ghi theo số thứ tự. Tài liệu, chứng cứ ở đây có thể là:
+ Giấy tờ, hình ảnh, video,… thể hiện việc diễn ra hành vi gây rối trật tự công cộng;
+ Giấy tờ tuỳ thân như: căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu còn giá trị sử dụng,… bản sao công chứng, chứng thực;
+ Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến việc tố cáo.
– Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ trong đơn tố cáo. Tuy nhiên, trong trường hợp người làm đơn tố cáo không thể tự viết đơn tố cáo, không thể ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn tố cáo.
3. Đơn tố cáo về hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng được gửi đến đâu?
Tố cáo hành vi gấy rối an ninh trật tự công cộng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Căn cứ theo quy định khoản 3 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 thì thì người tố cáo có trách nhiệm đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.
Vậy, trong trường hợp tố cáo đối với hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 145 và khoản 2 Điều 481 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng được xác định là:
– Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân;
– Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an;
– Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Như vậy, khi phát hiện hành vi gây tối an ninh trật tự công cộng thì người phát hiện có thể làm đơn và nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn để được tiếp nhận và xem xét giải quyết. Nếu hành vi gây rối đó chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành giải quyết xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp xét thấy hành vi đó đầy đủ yếu tố để cấu thành tội phạm thì cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn sẽ lập hồ sơ và chuyển hồ sơ lên cơ quan công an cấp quận/ huyện để giải quyết, điều tra vụ án hình sự.
4. Hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ vào mức độ nguy hiểm và thiệt hại thì người có hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Việc xử phạt được quy định cụ thể như sau:
4.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng được quy định như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tô chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư;
– Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đói với hành vi:
+ Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khác để gây rối trật tự công cộng;
+ Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng để gây rối trật tự công cộng;
– Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi:
+ Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác để gây rối hoặc làm mất trật tự công cộng;
+ Tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác…
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể tham khảo cụ thể, chi tiết các hành động được xem là gây rối trật tự công cộng khác được quy định xử phạt tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền thì người vi phạm còn phải chịu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 7 Nghị định này và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 14 Điều này.
4.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng:
Nếu hành vi gây rối an ninh trật tự công cộng được xác định đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc người có hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 381 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể khung hình phạt như sau:
– Khung 1: Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;
– Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trên hoạt động công cộng;
+ Xúi giục người khác gây rối;
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Bộ luật Tố tụng Hình năm 2015;
– Luật Tố cáo năm 2018;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.