Khi một người chết đi thì phần di sản họ để lại sẽ được chia theo nội dung di chúc hoặc sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Vậy khi chia thừa kế theo pháp luật thì sẽ xác định người thừa kế như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin
Mục lục bài viết
1. Hàng thừa kế thứ nhất là gì?
Thừa kế sự dịch chuyển tài sản của người chết cho người sống, tài sản để lại được gọi là di sản thừa kế. Di sản thừa kế sẽ bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Tài sản ở đây là đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Thừa kế được chia thành 02 hình thức:
– Thừa kế theo di chúc: Tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi họ đã chết
– Thừa kế theo pháp luật: Tại Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự sẽ do pháp luật quy định
Theo đó ta có thể thấy hàng thừa kế thứ nhất là những người sẽ được hưởng di sản thừa kế của người đã chết để lại khi phần di sản thừa kế đó được chia thừa kế theo pháp luật.
2. Hàng thừa kế thứ 1 gồm những ai?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết, cụ thể:
– Giữa vợ, chồng với nhau: Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng cùng nhau chung sống, tạo ra tài sản chung cho nên việc vợ, chồng là hàng thứa kế thứ nhất là hoàn toàn hợp lý
– Khi có yêu cầu chia di sản thừa kế thì phần tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, trừ khi có thỏa thuận khác
– Một số lưu ý khi nhận thừa kế của vợ chồng:
+ Vợ chồng đã nộp đơn xin ly hôn nhưng chưa có bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực thì nếu một người chết, người kia vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế.
+ Tại thời điểm vợ hoặc chồng chết hai người vẫn đang trong thời kì hôn nhân, tuy nhiên đến thời điểm chia di sản thừa kế mà vợ, chồng đang trong thời kì hôn nhân với người khác thì họ vẫn được hưởng di sản thừa kế
+ Vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó có một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế.
– Giữa cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với người chết: Cha mẹ là người có công sinh thành còn cha nuôi, mẹ nuôi mặc dù không sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng, giáo dục cho nên việc đưa cả cha, đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi vào hàng thừa kế thứu nhất là hoàn toàn hợp lý
+ Theo Khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái
+ Ngoài ra, tại Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 còn có quy định riêng về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ.
– Giữa con ruột, con nuôi với người chết: con cái là người chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau cho nên cho con cái được pháp luật quy định thuộc hàng thứa kế thứ nhất
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì những người cùng hàng thừa kế thì sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Khi nào thì việc thừa kế được xác định theo hàng thừa kế?
Việc xác định hàng thừa kế để chia di sản thừa kế chỉ được thực hiện khi chia di sản thừa kế theo pháp luật. Những trường hợp sau đây sẽ phải tiến hành chia di sản thừa kế theo pháp luật:
– Thứ nhất, người chết không để lại di chúc
– Thứ hai, di chúc mà người chết để lại không hợp pháp, di chúc không hợp pháp là di dúc không đáp ứng được các điều kiện của một bản di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, như sau:
+ Khi lập di chúc, tinh thần của người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt
+ Người lập di chúc không bị người khác đe dọa, lừa dối, cưỡng ép
+ Di chúc phải đáp ứng được về nội dung và hình thức của di chúc thể hiện rõ ràng ngày tháng năm lập di chúc, họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc và người được hưởng di sản, thể hiện rõ di sản, nơi có di sản (số lô, số thửa đối với di sản là đất đai)
+ Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 uổi mà muốn để lại di chúc thì di chúc bắt buộc phải được lập thành văn bản và được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc
+ Đối với người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ thì người làm chứng sẽ là người lập di chúc bằng văn bản và di chúc này phải được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường
– Khi những người thừa kế theo nội dung của di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc thì cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì khi đó phần di sản thừa kế sẽ được chia thừa kế theo pháp luật
– Nếu người được hưởng di sản theo di chúc từ chối hoặc không có quyền hưởng di sản thì di sản thừa kế cũng được chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định, những trường hợp sau đây sẽ không được quyền hưởng di sản:
+ Người nào bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó
+ Người vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản
+ Người nào bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng người thừa kế khác nhằm mục đích hướng tới một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng
+ Người có hành vi giả mạo di chúc, tự ý sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái vưới ý chí của người để lại di chúc hay dùng những thủ đoạn lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc
– Chia thừa kế theo pháp luật cũng được đặt ra trong trường hợp phần di sản không được định đoạt trong di chúc, phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật
Do đó, nếu thuộc những trường hợp nêu trên thì phần di sản mà người chết để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật
4. Nếu người nhận thừa kế chết trước người để lại di sản thì chia thừa kế như thế nào?
Nếu người nhận thừa kế chết trước người để lại di sản thừa kế thì sẽ xảy ra những tường hợp sau:
- Trường hợp 1: Có để lại di chúc
Tại Khoản 2 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong những trường hợp sau:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
+ Di chúc vô hiệu một phần trong trường hợp di chúc có nhiều người thừa kế mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế nữa thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực
Theo đó, nếu người nhận thừa kế chết trước người để lại di sản thừa kế thì di chúc sẽ bị vô hiệu, khi di chúc bị vô hiệu thì phần di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật
- Trường hợp 2: Không để lại di chúc
Khi người để lại di sản chết không để lại di chúc thì phần di sản của người đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và chia cho hàng thừa kế của người để lại di sản.
Trong trường hợp người được nhậ di sản thừa kế chết trước người để lại di sản thừa kế thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
Trường hợp nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Ví dụ: Ông A có tài sản là một lô đất số 1. Ông A chết không để lại di chúc nên di sản của ông A là lô đất số 1 sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của ông A bao gồm chị B (vợ), anh D (con trai ruột), chị C (con gái ruột). Tuy nhiên anh D đã chết trước ông A, anh D có vợ và con trai. Khi đó, phần di sản thừa kế của anh D sẽ do con trai thừa kế thế vị. Tức là phần di sản thừa kế của ông A sẽ được chia thành 3 phần bằng nhau, chị B được 1/3, chị C được 1/3 và 1/3 của anh D con trai anh D sẽ thế vị vào phần của bố và nhận 1/3 di sản của ông A
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015