Thuế và thủ tục kiểm tra tại cửa khẩu là thủ tục bắt buộc đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra và đánh thuế hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam có những điểm gì cần chú ý? Hoàn thuế trước kiểm tra sau đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Những trường hợp thuộc diện được hoàn thuế trước kiểm tra sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật Quản lý Thuế năm 2019 thì hồ sơ hoàn thuế được phân chia thành 02 loại, bao gồm:
– Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau;
– Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế năm 2019 lại không nêu ra những trường hợp cụ thể thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau mà tại khoản 3 Điều 73 Luật này chỉ nêu ra hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế không thuộc trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế bao gồm:
– Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu của từng trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu;
– Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm người đó bị xử lý vi phạm về hành vi trốn thuế;
– Hồ sơ của tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp nhà nước;
– Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế;
– Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng;
– Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
– Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước hoàn thuế theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, những hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu không thuộc một trong các trường hợp được nêu trên thì sẽ được hoàn thuế trước và kiểm tra sau.
2. Trình tự, thủ tục hoàn thuế trước kiểm tra sau đối với hàng hoá xuất nhập khẩu:
Hiện nay, việc thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng như Thông tư số 06/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, việc hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện thảo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC cụ thể như sau:
2.1. Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận và phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì hồ sơ hoàn thuế có thể được gửi qua hai hình thức là: nộp hồ sơ online thông qua Hệ thống công văn đề nghị hoàn thuế hoặc nộp hồ sơ giấy tới cơ quan quản lý thuế.
Sau khi nộp hồ sơ thì cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có phát sinh số tiền thuế đề nghị hoàn thuế sẽ thực hiện tiếp nhận, phản hồi hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp hồ sơ thông qua Hệ thống công văn đề nghị hoàn thuế đối với trường hợp nộp hồ sơ online. Còn đối với trường hợp nộp hồ sơ giấy thì cơ quan hải quan có trách nhiệm đóng dấu tiếp nhận, ghi vào sổ tiếp nhận và thực hiện xử lý hồ sơ giấy.
2.2. Phân loại hồ sơ hoàn thuế:
Theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như những phân tích tại mục 1 của bài viết này thì hồ sơ hoàn thuế có 02 loại, bao gồm:
– Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau;
– Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến trường hợp hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nên khi phân loại được những hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế , cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo cho người nộp thuế việc chấp nhận, phân loại và thời hạn giải quyết hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau. Trong trường hợp thông báo được thực hiện qua Hệ thống công văn đề nghị thì thông báo được thực hiện theo Mẫu số 03 được ban hành tại Phụ lục II, được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC. Nếu thông báo được gửi bằng bản giấy thì sẽ thực hiện theo mẫu số 04/TXNK được ban hành tại Phụ lục I, được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC.
2.3. Cơ quan hải quan nơi phát sinh số tiền hoàn thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan (kiểm tra thông tin trong hồ sơ và những thông tin trên hệ thống):
Việc kiểm tra này được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC với mục đích xác định điều kiện hoàn thuế và số tiền thuế phải hoàn trong trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Theo quy định này thì việc hoàn thuế trước kiểm tra sau đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu sẽ phát sinh ra những trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Hồ sơ đủ điều kiện hoàn thuế thì Chi cục trưởng Chi cụ hải quan nơi phát sinh số tiền hoàn thuế ban hành Quyết định hoàn thuế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC theo mẫu số 13/TXNK được ban hành tại Phục lục I, ban hành kèm theo Thông tư này. Sau đó cơ quan hải quan đó sẽ gửi bản scan Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan (nếu có) thông qua Hệ thống, gửi bản chính Quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế, các cơ quan có liên quan (nếu có).
– Trường hợp 2: Hồ sơ chưa đầy đủ các thông tin để ban hành Quyết định hoàn thuế. Trong trường hợp này thì cơ quan hải quan sẽ có trách nhiệm thông báo cho người nộp thuế về việc bổ sung để hoàn thiện các thông tin cần thiết thông qua Hệ thống công văn đề nghị hoàn thuế thông qua mẫu số 4 tại Phụ lục II được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC. Trong trường hợp gửi thông báo đề nghị bổ sung hoàn thiện bằng giấy thì thực hiện thông báo theo Mẫu số 05/TXNK tại Phụ lục I được ban hành kèm theo thông tư này.
Sau khi người nộp thuế nhận được thông báo thì tiến hành bổ sung thông tin trên hồ sơ như yêu cầu trong thông báo. Khi hồ sơ đảm bảo hoàn thiện theo quy định của pháp luật thì Chi cục trưởng Chi cụ hải quan nơi phát sinh số tiền hoàn thuế ban hành Quyết định hoàn thuế như trường hợp 1.
– Trường hợp 3: Hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế. Đối với trường hợp này thì cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo về lý do mà người nộp thuế không đủ điều kiện để hoàn thuế. Việc thông báo này có thể thực hiện trên Hệ thống công văn đề nghị hoàn thuế hoặc ra thông báo giấy theo Mẫu số 06/TXNK tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC.
– Trường hợp 4: Hồ sơ bị chuyển dang diện kiểm tra trước hoàn thuế sau. Sở dĩ bản chất của hồ sơ hoàn thuế này là hoàn thuế trước kiểm tra sau nhưng khi hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản cưa cơ quan hải quan có thẩm quyền mà người nộp thuế không thực hiện nghĩa vụ giải trình hay bổ sung thông tin hồ sơ hoàn thuế theo quy định hoặc bổ sung thông tin nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng sự thật thì cơ quan hải quan sẽ ra thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước hoàn thuế sau. Sau khi chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước hoàn thuế sau thì sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.
Lưu ý về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc thông báo chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước hoàn thuế nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Thông tư số 06/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 22/1/2021 Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu