Xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu là hai khái niệm rất quen thuộc nhưng nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ phân biệt, so sánh giữa xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh:
Mục lục bài viết
1. Quy định về xuất nhập khẩu:
1.1. Xuất khẩu, nhập khẩu là gì?
Hiện nay, xuất nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa. Theo quy định tại Điều 28
– Xuất khẩu hàng hóa được hiểu là hàng hóa được mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào những khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ của Việt Nam là khu vực hải quan riêng theo quy định.
– Nhập khẩu hàng hóa được hiểu là hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam là khu vực hải quan riêng theo quy định.
1.2. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu:
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng theo quy trình như sau:
– Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đối với những mặt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép.
– Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật đối với những mặt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện.
– Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật áp dụng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định.
Theo đó, những mặt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra bao gồm:
+ Hàng hóa phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch.
+ Hàng hóa có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài.
+ Hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.
– Đối với những mặt hàng hóa không có yêu cầu như những trường hợp trên thì thương nhân chỉ cần làm thủ tục xuất khẩu nhập khẩu trên cơ sở kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
2. Quy định về xuất nhập cảnh:
2.1. Xuất cảnh, nhập cảnh là gì?
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, xuất nhập cảnh được hiểu như sau:
– Xuất cảnh được hiểu là công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
– Nhập cảnh được hiểu là công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
2.2. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong việc xuất nhập cảnh:
Theo quy định tại Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, hành vi nghiêm cấm trong hoạt động xuất nhập cảnh bao gồm:
– Để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh mà cố ý cung cấp những thông tin sai sự thật.
– Với mục đích để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài mà thực hiện hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.
– Hành vi tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
– Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật gây ra hậu quả làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
– Lợi dụng việc xuất nhập cảnh để nhằm mục đích đến việc xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
– Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
– Tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
– Không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định khi qua lại biên giới quốc gia.
– Trong quá trình cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ.
– Hành vi của cán bộ gây nhũng nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
– Hành vi của các cán bộ cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ.
– Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.
– Biết hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam mà không ngăn chặn.
– Hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Thực hiện hành vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.
– Thực hiện hành vi thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, giải quyết xuất cảnh trái quy định của pháp luật.
3. Phân biệt, so sánh giữa xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh:
Tiêu chí | Xuất nhập cảnh | Xuất nhập khẩu |
Khái niệm | – Xuất cảnh được hiểu là công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. – Nhập cảnh được hiểu là công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. | – Xuất khẩu hàng hóa được hiểu là hàng hóa được mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào những khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ của Việt Nam là khu vực hải quan riêng theo quy định. – Nhập khẩu hàng hóa được hiểu là hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam là khu vực hải quan riêng theo quy định. |
Đối tượng áp dụng | – Áp dụng đối với người | – Hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thương mại. |
Mục đích | Phi thương mại.
| Mục đích thương mại để nhằm hướng tới việc kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ. |
Thuế phải nộp | – Không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. | Tùy theo từng mặt hàng mà phải chịu thuế xuất nhập khẩu. |
Thủ tục cần thiết khi thực hiện | – Hộ chiếu. – Bảng kê khai khi xuất nhập cảnh. | – Tùy theo từng loại hàng hóa cần phải làm thủ tục hải quan. |
Ví dụ | – Công dân Việt Nam du lịch sang Campuchia, qua cửa khẩu Mộc Bài. | – Nhãn lồng được xuất đi sang Mỹ để bán. |
4. Mức xử phạt đối với những hành vi trong quá trình xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu:
* Mức xử phạt đối với những hành vi trong quá trình xuất nhập cảnh:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt khi vi phạm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cụ thể một số hành vi vi phạm tiêu biểu như sau:
– Hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật: mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Hành vi khai gian dối để được cấp, gia hạn, khôi phục giá trị sử dụng hoặc trình báo mất hộ chiếu, giấy thông hành: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
– Hành vi người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Ngoài việc bị áp dụng phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm.
* Mức xử phạt đối với những hành vi trong quá trình xuất nhập khẩu:
Chính phủ ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về xuất nhập khẩu, cụ thể như sau:
Với hành vi không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt tùy theo giá trị, cụ thể là:
– Tang vật vi phạm có trị giá dưới 20 triệu đồng: phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Tang vật vi phạm có trị giá từ 20 triệu đồng dưới 30 triệu đồng: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
– Tang vật vi phạm có trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
– Tang vật vi phạm có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
– Tang vật vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, với hành vi quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu người khai hải quan mới nộp hồ sơ hải quan thì mức xử phạt sẽ là gấp 02 lần mức tiền phạt tương ứng theo quy định trên.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Luật Quản lý ngoại thương 2017.