Chơi lô đề là một trò chơi có khá nhiều người chơi hiện nay. Vậy nợ tiền chơi lô đề không trả tiền có bị pháp luật xử lý không?
Mục lục bài viết
1. Nợ tiền chơi lô đề không trả tiền có bị pháp luật xử lý không?
1.1. Chơi lô đề có phải là hình thức đánh bạc hay không?
Lô đề là khái niệm chỉ trò chơi cá cược dự đoán về kết quả xổ số kiến thiết hàng ngày, trong đó người chơi sẽ đoán 2 hoặc 3 số cuối của giải đặc biệt, đó được gọi là đoán Đề, đoán 2 hoặc 3 số cuối của tất cả các giải thì gọi là đoán Lô. Người tham gia phải tuân thủ các luật lô đề và được hưởng tiền thưởng nếu trúng theo bảng ăn lô đề được đưa ra ban đầu, còn nếu không trúng thì người chơi sẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra để chơi.
Đánh bạc là hành vi tham gia vào một trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) về lợi ích vật chất đáng kể như tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác. Tiền có thể là tiền bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là các tài sản, như: ô tô, xe máy,… Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành không quy định cụ thể như thế nào là hành vi đánh bạc trái phép, tuy nhiên tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết sô 01/2010/NQ-HDTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đã hết hiệu lực) có có quy định “đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ một hình thức nào với mục đích là được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với các quy định trong giấy phép được cấp.
Như vậy, qua các khái niệm về “đánh bạc”, “đánh bạc trái phép” đã nêu ở trên thì hành vi chơi lô đề chính là một trong những hình thức chơi đánh bạc, vì thế đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi chơi lô đề cũng là một trò chơi được ăn thua bằng tiền hoặc bằng tài sản khác.
Đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội, không chỉ ảnh hưởng xấu đến gia đình và chính cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác.
1.2. Nợ tiền chơi lô đề không trả tiền có bị pháp luật xử lý không?
Vấn nạn chơi cờ bạc, lô đề,…dẫn đến việc tan nhà nát cửa, nợ nần chồng chất xảy ra rất nhiều trong xã hội từ trước đến nay. Việc một người đi chơi lô đề và ghi nợ với người chủ cái ghi lô đề không phải là một chuyện hiếm gặp, thậm chí những người chủ ghi lô đề đó có thể lợi dụng việc người chơi đang “nợ đề” để ép người chơi ký giấy vay nợ với lãi suất “cắt cổ”, sau đó dùng những phương thức “đòi nợ bẩn” để ép những người đó trả tiền. Câu hỏi được đặt ra ở đây đó chính là việc nợ tiền ghi lô đề mà không trả hoặc không trả được có vi phạm pháp luật không?.
Tại Điều 123 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (Điều cấm của luật là các quy định của luật không cho phép các chủ thể thực hiện những hành vi nhất định), trái đạo đức xã hội. Tại Điều này quy định các giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm các điều cấm của luật thì vô hiệu. Mà hành vi chơi lô đề, ghi lô đề (hành vi đánh bạc) là hành vi trái với pháp luật thế nên tất cả những giao dịch dân sự của các bên có liên quan đến chơi lô đề đều là vô hiệu, kể cả là hành vi ghi lô đề “chịu”.
Và theo pháp luật dân sự, nếu giao dịch bị vô hiệu thì các bên sẽ phải trao trả lại cho nhau những gì đã nhận của nhau, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Chính vì thế người nợ tiền chơi lô đề mà không trả tiền cho người ghi lô đề thì sẽ không bị pháp luật xử lý hay nói cách khác thì người ghi lô đề sẽ không kiện được người chơi lô đề “chịu” ra tòa án dân sự để yêu cầu tòa án buộc người chơi trả tiền được hoặc người ghi lô đề không thể ra cơ quan công an để tố cáo người chơi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người chơi lô đề mặc dù không phải trả tiền nợ lô đề cho người ghi lô đề bởi vì giao dịch đó là giao dịch vô hiệu, tuy nhiên người chơi lô đề sẽ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nhẹ hơn là bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc, bởi vì như đã phân tích ở trên thì hành vi chơi lô đề cũng là một trong những hình thức đánh bạc mà pháp luật Việt Nam cấm.
2. Người nợ tiền chơi lô đề bị xử phạt như thế nào:
2.1. Hình phạt đối với hành vi chơi lô đề:
Tại Điều 321 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc (lô đề là hình thức đánh bạc), theo điều luật này thì khung hình phạt của hành vi chơi lô đề sẽ được chia làm hai trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Khung hình phạt cơ bản: được quy định tại khoản 1 Điều 321 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Trường hợp 2: Khung hình phạt tăng nặng: được quy định tại khoản 2 của Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với những trường hợp:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi chơi lô đề còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể thấy, nếu một người đánh bạc trái phép (ghi lô đề) với giá trị tài sản chơi lô đề là từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Điều này thì đồng nghĩa với việc, nếu như chơi lô đề với giá trị tài sản là dưới 5.000.000 đồng thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người chơi chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, với mức phạt hành chính được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể thì người chơi sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cũng đã đưa ra một ngoại lệ đó là không phải tất cả mọi trường hợp đánh bạc (chơi lô đề) lần đầu dưới 5.000.000 đồng đều sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mà đối với những đối tượng mặc dù chơi lô đề lần đầu nhưng trước đó đã bị xử lý bằng một trong hai hình thức đó là xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; hoặc đã bị kết án về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc nhưng chưa được xóa án tích, mà nay vẫn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
2.2. Những yếu tố cấu thành tội phạm của hành vi chơi lô đề:
2.2.1. Chủ thể:
Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội đánh bạc không thuộc vào các trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thế nên độ tuổi của chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc là từ đủ 16 tuổi trở lên trong trường hợp là hành vi đánh lô đề đủ cấu thành tội phạm (tội đánh bạc).
Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi đánh bạc trái phép (đánh lô đề) là tất cả những người mà có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo các quy định của Bộ luật Hình sự, làm chủ được các hành vi cũng như nhận thức được những hậu quả của mình gây ra và đủ độ tuổi theo như đúng quy định trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của mình.
2.2.2. Khách thể:
Tội phạm đánh bạc xâm phạm đến an ninh, trật tự công cộng và xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. Hành vi đánh lô đề ảnh hưởng đến lối sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của xã hội và được xem như một tệ nạn của xã hội.
2.2.3. Mặt khách quan:
Hành vi đánh bạc trái phép (chơi lô đề) dưới bất kì hình một thức nào, có sự thỏa thuận thắng thua bằng tiền hoặc bằng hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng nhưng trước đó người chơi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc xử phạt hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc người đó đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.2.4. Mặt chủ quan:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội rõ ràng nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình thực hiện và mong muốn thực hiện hành vi đó, nhằm thu lợi cho cá nhân, lấy tiền, tài sản của người thua bạc.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
– Bộ Luật Dân sự 2015
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.