Ba dượng đã có hành vi ngược đãi đánh đập vợ và con riêng của vợ. Không những vậy, ông còn có xu hướng bóc lột, một em 9 tuổi, một em 7 tuổi để có tiền ăn nhậu cờ bạc.
Tóm tắt câu hỏi:
Ba dượng đã có hành vi ngược đãi đánh đập vợ và con riêng của vợ. Không những vậy, ông còn có xu hướng bóc lột, một em 9 tuổi, một em 7 tuổi để có tiền ăn nhậu cờ bạc, tước đoạt quyền học tập, thoái thác trách nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng. Trước đây chưa qua xử phạt hành chính đối với hành vi của bố dượng, và gia đình còn nhiều khó khăn.
Vậy em xin hỏi pháp luật xử lý hành vi này như thế nào ạ?
Luật sư trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm’ ( Điều 20), “ Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”( Điều 37).”
Ngoài ra, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định các hành vi sau đây bị cấm:
“Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;
Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
Cản trở việc học tập của trẻ em; […]”
Hành vi ngược đãi, đánh đập vợ, con riêng, lợi dụng sức lao động của hai đứa con riêng của vợ, tước đoạt quyền học tập, thoái thác trách nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng của ba dượng bạn đặc biệt là những hành vi trên thực hiện đối với trẻ em (một em 9 tuổi, một em 7 tuổi) là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý vi phạm hành chính
Theo Điều 107 Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam năm 2000 quy định “Người vi phạm các điều kiện kết hôn; Hành hạ, ngược đãi; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, vợ hoặc con và các thành viên khác trong gia đình thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nếu gây thiệt hại nặng thì phải bồi thường”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định “. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Theo Điều 11 Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình “ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, các thành viên khác trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ngoài ra, nếu hành vi ngược đãi đánh đập của ba dượng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi ngược đãi đánh đập của ba dượng bạn cấu thành tội phạm “Người ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”( Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Trần Thị Hằng