Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam có quy định khá chặt chẽ về việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế?
- 2 2. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế:
- 3 3. Nguyên nhân dẫn đến việc xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế:
- 4 4. Một số điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài:
1. Thế nào là xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế?
Trong hệ thống tư pháp quốc tế, thừa kế cũng được hiểu là việc chuyển quyền tài sản của người đã chết sang cho người còn sống, và tài sản để lại đó được gọi là di sản. Tuy nhiên, thừa kế trong tư pháp quốc tế có điểm khác nổi bật là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Khi đó, yếu tố nước ngoài thể hiện qua những dấu hiệu như sau:
– Về chủ thể: mang yếu tố nước ngoài, theo đó người để lại thừa kế và người thừa kế mang quốc tịch khác nhau hoặc một bên mang quốc tịch của một nước này và bên kia là người quốc tịch.
– Di sản thừa kế nằm ở nước ngoài.
– Có sự kiện pháp lý xảy ra đã làm phát sinh thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài.
Và xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế được hiểu là vấn đề có hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ thừa kế đó, và nếu như cùng áp dụng một trong các hệ thống pháp luật đó để giải quyết thì sẽ xảy ra những kết quả khác nhau. Đó chính là sự xung đột.
2. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế:
Thừa kế trong tư pháp quốc tế là một loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong Bộ luật dân sự Việt Nam hiện nay cũng quy định khá đầy đủ về việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế, bao gồm:
2.1. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015, thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
Do đó, việc thừa kế theo di chúc các vấn đề về nội dung của di chúc, thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế,… đều được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
Ví dụ: A mang quốc tịch nước Mỹ, đến Việt Nam đầu tư làm ăn và có tài sản ở tại Việt Nam gồm bất động sản và động sản. A có vợ và hai con là người nước Mỹ và đang sinh sống tại Mỹ. A đã lập di chúc để lại tài sản toàn bộ của mình cho vợ cũng như hai con của mình. Khi đó, việc giải quyết thừa kế theo di chúc của A từ việc xác định thời điểm mở thừa kế, người hưởng di sản,… đều được áp dụng theo pháp luật của nước Mỹ – nơi A có quốc tịch ngay trước khi chết đi.
Khi đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ áp dụng luật nội dung của nước ngoài, nhưng các quy định liên quan đến thủ tục (luật hình thức) sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, vấn đề di chúc hợp pháp được quy định theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó:
* Năng lực lập di chúc hay thay đổi; hủy bỏ di chúc sẽ được xác định theo pháp luật của nước người lập di chúc có quốc tịch tại chính thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
* Về hình thức của di chúc:
– Hình thức của di chúc xác định dựa trên quy định của pháp luật của nước tại nơi di chúc được lập.
– Hình thức của di chúc sẽ được công nhận tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
+ Tại nước nơi mà người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết đi.
+ Tại nước nơi mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết đi.
+ Nếu di sản thừa kế là bất động sản thì phải phù hợp tại nước nơi mà bất động sản có.
Ví dụ: nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở Pháp thì phải tuân thủ những quy định của pháp luật Pháp về hình thức di chúc.
2.2. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài:
Quan hệ về thừa kế theo pháp luật trong tư pháp quốc tế được quy định trong phần thứ năm của Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo đó, thừa kế sẽ được xác định dựa trên cơ sở quy định pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
Và đối với bất động sản, việc thực hiện quyền thừa kế sẽ được xác định dựa trên pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Với quy định trên, việc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ thừa kế được pháp luật Việt Nam dựa trên hệ thuộc luật (Lex patriae/Lex nationalis) – luật nơi người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết.
Điểm này Bộ luật dân sự năm 2015 có sự thay đổi so với Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể trước đó tại quy định theo Khoản 2 Điều 767 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ phải đảm bảo tuân thủ theo pháp luật của nơi có bất động sản. Với quy định trước đây của BLDS 2005 thì luật của nước được dùng để áp dụng điểu chỉnh về quyền thừa kế đối với bất động sản và luật của nước nơi người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết là khác nhau.
Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể hơn, theo đó quyền thừa kế đối với bất đống sản được tuân theo pháp luật của nước nơi người để lại di sản thừa kế là công dân ngay trước khi chết.
Đối với trường hợp người để lại di sản không có quốc tịch hay có từ hai hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài thì sẽ được áp dụng theo hướng giải quyết như sau:
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch.
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất: nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: nếu như pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch.
– Pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất: trường hợp người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
3. Nguyên nhân dẫn đến việc xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế:
Nguyên nhân dẫn đến việc có sự xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế có thể kể đến như sau:
– Pháp luật mỗi nước mỗi khác bởi hệ thống pháp luật được xây dựng được điều chỉnh trên hệ thống cơ sở hạ tầng và mỗi quốc gia mỗi khác.
– Pháp luật quy định về chung một vấn đề nhưng cũng sẽ dẫn đến việc khác nhau bởi mỗi nơi các điều kiện về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử thậm chí là sự khác nhau về đặc điểm thể chất, tâm lý của công dân.
4. Một số điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài:
Hiện nay, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 có thêm quy định bổ sung cụ thể hơn, bao gồm:
– Về quy định xác định tính hợp pháp về hình thức của di chúc, ngoài việc áp dụng hệ thuộc luật của nước nơi di chúc được lập thì còn có thể xác định tính hợp pháp về hình thức dựa trên các hệ thuộc khác. Quy định này áp dụng có sự linh hoạt hơn so với quy định tại Điều 768 Bộ luật dân sự năm 2005.
– Bộ luật Dân sự 2005 quy định đối với di sản không có người thừa kế sẽ thuộc về nhà nước, nếu là động sản thuộc về nhà nước mà người để lại di sản thừa kế là công dân, nếu là bất động sản sẽ thuộc về nhà nước nơi có bất động sản.
Tuy nhiên Bộ luật dân sự năm 2015 không còn quy định về vấn đề này, nếu như có quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nảy sinh và rơi vào trường hợp di sản không có người thừa kế thì vẫn có cơ sở để giải quyết được (theo quy định tại Khoản 1 Điều 680 Bộ luật dân sự năm 2015).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.