Nước mặt được hiểu là nước tồn tại trên bề mặt đất liền hoặc hải đảo, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng môi trường và đời sống của người dân xung quanh. Do đó, địa phương có nguồn nước mặt sẽ phải có kế hoạch quản lý và sử dụng nguồn nước mặt một cách hợp lý và bảo đảm vệ sinh môi trường. Vậy kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được xây dựng như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là nước mặt?
- 2 2. Thế nào là kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt?
- 3 3. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt:
- 4 4. Trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt:
- 4.1 4.1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường được ban hành đối với từng sông, hồ liên tỉnh:
- 4.2 4.2. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường được xây dựng chung cho toàn bộ sông, hồ nội tỉnh hoặc riêng cho từng sông, hồ nội tỉnh:
1. Thế nào là nước mặt?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì nước mặt được quy định là là những nguồn nước tồn tại trên bề mặt đất liền hoặc trên bề mặt hải đảo. Hay đơn giản và để dễ hiểu hơn thì khi nhìn thấy một nguồn nước bất kì mà không phải qua đào bới đều được gọi là nước mặt.
Theo đó, nước mặt sẽ bao gồm cả nước chứa trên bề mặt lục địa và nước lưu thông. Nước mặt là nguồn nước không có muối và được bổ sung lượng nước từ lượng nước mưa hoặc lấy thêm từ nguồn nước ngầm. Với đặc điểm này của nước mặt thì nước mặt sẽ có thể bị mất đi do bay hơi hoặc thấm vào mặt đất và trở thành nguồn nước ngầm. Nước mặt có thể được chứa trong ao, hồ, sông hoặc các đập chứa nước do con người xây dựng.
2. Thế nào là kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh phải được thực hiện phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Theo đó, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với đối tượng được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (nguồn nước mặt có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường; là vùng nước thuộc vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định khu vực sinh thuỷ) phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và nội dung của kế hoạch phải nằm trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh.
Như vậy, có thể hiểu kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được hiểu là những hoạt động, công việc được sắp xếp theo trình tự, thủ tục nhất định đã đặt ra để quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường nước mặt. Đi kèm với kế hoạch bảo vệ môi trường nước mặt là sự bảo đảm phù hợp với bảo vệ môi trường quốc gia và không vi phạm các nguyên tắc mà pháp luật về môi trường nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung đã đặt ra.
3. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được quy định cụ thể như sau:
– Thứ nhất, nội dung về đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường của nước mặt. Nội dung này phải đánh giá và dự báo theo các tiêu chí như:
+ Chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Phải xác định vùng, khu vực bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang và bảo vệ nguồn nước mặt;
+ Xác định khu vực sinh thuỷ.
– Thứ hai, nội dung về việc nêu thực trạng. Ở nội dung này thì phải nêu được thực trạng phân bổ của các nguồn ô nhiễm và nguồn ô nhiễm thuộc diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng có tác động. Bên cạnh đó, phải nêu ra được thực trạng và dự kiến được về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt xuyên biên giới;
– Thứ ba, nội dung về loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt;
– Thứ tư, nội dung về đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải ra môi trường nước mặt. Từ nội dung đánh giá đó để có thể xác định được mục tiêu và trình để thực hiện việc bảo vệ môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải;
– Thứ năm, nội dung về biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt. Ở nội dung này phải xác định rõ giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và biện pháp quản lý ô nhiễm môi trường nước mặt xuyên biên giới;
– Thứ sáu, nội dung về giải pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt;
– Thứ bảy, kế hoạch về tổ chức thực hiện và được lập theo kỳ hạn 05 năm.
Như vậy, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được lập và thực hiện theo kỳ hạn 05 năm một lần. Đây được xác định là thời hạn hợp lý của mỗi kế hoạch. Đây là thời gian phù hợp để thích nghi và thực hiện để từ đó đưa ra những đánh giá về việc thực hiện quản lý chất lượng môi trường. Thời hạn 05 năm cũng là thời hạn để kịp thời phát hiện ra những sai lầm trong kế hoạch, những phương pháp lỗi thời để có thể tìm ra phương pháp phù hợp và hoàn thiện hơn.
4. Trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt cụ thể như sau:
4.1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường được ban hành đối với từng sông, hồ liên tỉnh:
– Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nước mặt như các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường liên quan lập, phê duyệt, triển khai đề án điều tra, đánh giá, xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với từng sông, hồ liên tỉnh;
– Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với từng sông, hồ liên tỉnh đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để lấy ý kiến bằng văn bản và để cho các cơ quan đó có thời gian nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch.
Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan thì Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
+ Tờ trình Chính phủ;
+ Dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Dự thảo quyết định ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến góp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ và các cơ quan ngang bộ có liên quan;
+ Văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan.
– Thứ ba, Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước mặt và đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với từng sông, hồ liên tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan có liên quan thực hiện.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo kế hoạch theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
4.2. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường được xây dựng chung cho toàn bộ sông, hồ nội tỉnh hoặc riêng cho từng sông, hồ nội tỉnh:
– Thứ nhất, Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi có nước mặt chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan lập, phê duyệt và thực hiện đề án điều tra, đánh giá, xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh;
– Thứ hai, Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh gửi dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh đến các Ủy ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành liên quan và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh để lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan đó. Từ đó các cơ quan có liên quan nhận được dự thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành.
Theo đó, hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bao gồm:
+ Tờ trình về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Dự thảo quyết định ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
+ Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan khi nhận được dự thảo kế hoạch;
+ Văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan.
Lưu ý:
– Trong hai trường hợp nêu trên đều đề cập đến điều kiện của sông, hồ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường. Theo đó, việc xác định sông, hồ có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường được căn cứ vào hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt, hiện trạng nguồn thải, nhu cầu sử dụng nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, mục tiêu bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt và các yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khác;
– Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia;
– Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
– Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP phải được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm. Trước ngày 30 tháng 6 năm thứ tư thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, cơ quan phê duyệt kế hoạch chỉ đạo phải tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch kỳ trước, xây dựng, phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo để làm cơ sở đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tài nguyên nước năm 2012;
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
– Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.