Đảng viên luôn là một tấm gương sáng, mang đầy đủ phẩm chất đạo đức cũng như tư tưởng chính trị. Thực tế, rất nhiều Đảng viên thực hiện những hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, trong đó có đánh bạc. Vậy Đảng viên đánh bạc bị xử lý thế nào? Có bị khai trừ không?
Mục lục bài viết
1. Đảng viên đánh bạc bị xử lý thế nào?
Đánh bạc là việc tham gia vào những trò chơi tổ chức một cách bất hợp pháp gây hậu quả đến gia đình và toàn thể xã hội, gây mất trật an ninh. Do vậy nếu Đảng viên thực hiện hành vi đánh bạc sẽ chịu các chế tài xử lý như sau:
1.1. Về xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Khoản Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với hành vi đánh bạc lần đầu chưa đủ các yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì Đảng viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:
– Đối với hành vi mua các số lô, số đề: mức xử phạt từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng.
– Mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi thực hiện một trong những hành vi sau:
+ Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép.
+ Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.
+ Trong các hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác thực hiện hành vi cá cược trái phép.
– Mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
+ Hành vi nhận tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác.
+ Đối tượng có hành vi giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép.
+ Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng.
+ Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép.
+ Đối với những cơ sở do mình quản lý mà chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc.
– Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc.
+ Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép.
+ Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
+ Thực hiện rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép.
– Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi sau:
+ Làm chủ lô, đề.
+ Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.
+ Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
+ Thực hiện tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
Bên cạnh việc bị xử phạt tiền như trên, Đảng viên thực hiện hành vi đánh bạc trái phép còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Trường hợp Đảng viên tham gia đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung tại Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp:
+ Cá nhân nào thực hiện hành vi đánh bạc trái phép bằng bất kể hình thức nào như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác mà được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
+ Cá nhân thực hiện hành vi đánh bạc bằng những hình thức như trên bằng hiện vật hoặc tiền dưới 5 triệu đồng nhưng trước đây đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc các hành vi tổ chức đánh bạc trái phép hoặc gá bạc theo quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015; hay đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc trái phép hoặc gá bạc theo quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015 mà nay vẫn còn tiếp tục vi phạm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Thực hiện hành vi đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp.
+ Giá trị hiện vật hoặc tiền giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
+ Thực hiện hành vi đánh bạc có sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Ngoài ra, Đảng viên còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
2. Đảng viên đánh bạc có bị khai trừ khỏi Đảng không?
Đánh bạc là một hành vi tệ nạn xã hội. Theo quy định tại Điều 31 Quy định số 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật đảng viên có hành vi vi phạm tệ nạn xã hội của Đảng viên như sau:
– Đối với trường hợp Đảng viên trực tiếp tham gia đánh bạc lần đầu sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Ngoài ra, Đảng viên nếu như biết việc bố, mẹ, vợ (chồng), con trong gia đình có tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức nhưng vẫn để việc đó xảy ra và không có biện pháp ngăn chặn hay trình báo với cơ quan nhà nước cũng sẽ bị áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
– Trường hợp Đảng viên tham gia đánh bạc mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc thực hiện hành vi là người chủ mưu, khởi xướng, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức hoặc đã bị xử lý về hành vi đánh bạc nhưng tiếp tục tái phạm thì xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng (quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 31 Quy định số 102-QĐ/TW).
Như vậy, theo quy định trên, Đảng viên tham gia đánh bạc có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng nếu như:
+ Đánh bạc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
+ Hoặc Đảng viên là người tổ chức, chủ mưu vụ đánh bạc.
+ Trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc nhưng lần này vẫn tiếp tục vi phạm.
3. Quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên thực hiện hành vi đánh bạc:
Theo quy định tại Điều 15 Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trình tự xử lý kỷ luật một Đảng viên vi phạm tham gia đánh bạc như sau:
– Tổ chức thực hiện bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. Cụ thể kết quả tính số phiếu biểu quyết như sau:
+Không có hình thức kỷ luật nào đủ số phiếu: cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào có kết quả đủ số phiếu theo quy định thì quyết định kỷ luật bằng hình thức đó.
+ Phải được sự đồng ý của trên một nửa số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng nếu quyết định kỷ luật hay đề nghị áp dụng kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên.
+ Phải được ít nhất 2/3 số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị khi áp dụng hình thức khai trừ Đảng viên và kèm theo có sự đồng ý trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
– Nếu Đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp mình thì sẽ tiến hành đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Bộ luật hình sự 2015 số
100/2015/QH13 . - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam .
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Quy định số 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
- Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.