Hiện nay do tính chất công việc, các cá nhân muốn thực hiện các hoạt động trong xây dựng sẽ có yêu cầu đòi hỏi chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng. Dưới đây là quy định về học và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng là gì?
- 2 2. Các hoạt động liên quan đến chuyên ngành thí nghiệm xây dựng:
- 3 3. Đối tượng tham gia và mục tiêu học và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
- 4 4. Danh mục các khóa học cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
- 5 5. Học phí và địa điểm học ở đâu để cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
- 6 6. Để đăng ký học chứng chỉ thí nghiệm viên cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
- 7 7. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong hoạt động thí nghiệm xây dựng:
1. Chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng là gì?
Thí nghiệm viên chuyên ngành xây dựng được hiểu là thực hiện các hoạt động đo lường với mục đích để xác định được những đặc tính của đất, các vật liệu xây dựng, môi trường xây dựng, bộ phận công trình hoặc các sản phẩm xây dựng, các công trình xây dựng theo một quy trình nhất định.
Do đó chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng là văn bằng chứng nhận do một đơn vị, cơ quan giáo dục hay cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp cho một cá nhân sau khi hoàn tất một khóa học liên quan đến thí nghiệm xây dựng và có giá trị công nhận lâu dài.
2. Các hoạt động liên quan đến chuyên ngành thí nghiệm xây dựng:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BXD hướng dẫn hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thì thí nghiệm chuyên ngành xây dựng gồm các hoạt động sau:
– Thực hiện hoạt động đo lường để xác định về những đặc tính cơ, lý, hóa, hình học của các đối tượng thí nghiệm gồm đất xây dựng; sản phẩm, vật liệu xây dựng; môi trường xây dựng đối với các loại công trình xây dựng; cấu kiện, kết cấu công trình xây dựng.
– Phạm vi thực hiện thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài hiện trường.
– Phương pháp thực hiện thí nghiệm chuyên ngành xây dựng gồm phương pháp phá hủy hoặc không phá hủy, thời điểm xác định đối tượng thị nghiệp được làm trong một thời điểm với một khoảng thời gian nhất định.
3. Đối tượng tham gia và mục tiêu học và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
3.1. Đối tượng tham gia học và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
Thứ nhất, học viên là công dân Việt Nam hoặc đối tượng là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Thứ hai về độ tuổi: từ đủ 18 tuổi trở lên.
Thứ ba: Người làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng… yêu cầu công việc về năng lực thí nghiệm xây dựng.
Thứ tư, thuộc đối tượng là những người đang làm việc trong lĩnh vực phòng thí nghiệm, thí nghiệm xây dựng thì cần phải có chứng chỉ thí nghiệm viên để tránh trường hợp bị phạt khi không đáp ứng yêu cầu làm việc.
3.2. Mục tiêu học và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
Việc tham đào tạo và được cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng này xuất phát từ việc chứng chỉ là điều kiện để cá nhân được làm việc trong lĩnh vực thí nghiệm tại phòng thí nghiệm chuyên ngành hoặc tại hiện trường.
Đồng thời việc học này cũng giúp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kiến thức cho các cán bộ thí nghiệm viên.
4. Danh mục các khóa học cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
Dưới đây là một loạt danh sách các khóa học cấp chứng chỉ thí nghiệm viên theo từng chuyên ngành mà bạn đọc có thể tham khảo:
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm vữa xây dựng.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên phương pháp thử nghiệm vật liệu thép xây dựng.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý gạch xây và ngói lợp.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý xi măng bê tông và cốt liệu bê tông.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý gạch xây dựng.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm tính cơ lý của bê tông nhựa.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm thép xây dựng.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý gạch xi măng.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý gạch bê tông.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm vật liệu xây dựng (cát, đá, xi măng).
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm tính toàn vẹn của cọc bê tông cốt thép.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thử nghiệm cơ lý bê tông và vật liệu chế tạo bê tông.
– Đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên thí nghiệm kiểm tra chất lượng bê tông bằng phương pháp không phá hủy.
5. Học phí và địa điểm học ở đâu để cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng:
Người có nhu cầu có thể tham khảo đến các trung tâm, cơ sở có đào tạo và cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng và mức học phí sẽ tùy từng cơ sở đào tạo, bạn đọc có thể tham khảo như:
– Viện quản lý xây dựng: đây là đơn vị hàng đầu trong việc tổ chức các khóa học cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng. Ví dụ một số lớp và học phí được mở tại Viện quản lý xây dựng gồm:
+ Lớp học chứng chỉ thí nghiệm viên phương ph xác định của các tính chất cơ – lý của đất trong phòng & hiện trường: học phí là 1,7 triệu đồng/học viên/khóa/tháng.
+ Lớp học các tính chất cơ – lý vật liệu kim loại & liên kết hàn: học phí là 1,7 triệu đồng/học viên/khóa/tháng.
+ Khóa học thí nghiệm viên xác định tính chất cơ lý của gạch & vật liệu xây dựng trong phòng & hiện trường: học phí là 2,5 triệu đồng/học viên/khóa/tháng.
+ Lớp học chứng chỉ quản lý phòng thí nghiệm: học phí là 1,7 triệu đồng/học viên/khóa/tháng.
– Viện đào tạo Nuce:
+ Học phí đào tạo cấp chứng chỉ thí nghiệm viên xây dựng: 1.9 triệu đồng/học viên.
+ Địa điểm học: Tại Hà Nội số 1 Hoàng Đạo Thúy – Thanh Xuân – Hà Nội. Thời gian khai giảng các lớp học vào ngày 15 hàng tháng trên toàn quốc. Thời gian học Sáng: 8h – 11h. Chiều: 13h30 – 16h30.
– Khóa học xây dựng:
+ Khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên về vật liệu xây dựng: học phí là 1,9 triệu đồng/học viên.
+ Khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên về ” Kiểm tra chất lượng Bê tông bằng Phương pháp không phá huỷ “: học phí là 1,9 triệu đồng/học viên.
+ Chứng chỉ thí nghiệm viên về Phương pháp thử các tính chất cơ – lý của Vật liệu kim loại và liên kết hàn: học phí là 1,9 triệu đồng/học viên.
+ Khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên về Phương pháp xác định các tính chất cơ – lý của đất trong phòng và hiện trường: học phí là 1,9 triệu đồng/học viên.
Địa điểm học tại:
+ Đối với khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên tại Hà Nội: Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, số 220 Đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội (cách ngã tư Sở 500m).
+ Đối với khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên tại Thành phố Hồ Chí Minh: địa chỉ Học Viện Hành Chính Quốc gia – Số 10 Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đối với khóa học chứng chỉ thí nghiệm viên tại Đà Nẵng: Viện Anh Ngữ – Đại học Đà Nẵng – Số 41 Lê Duẩn – Quận Hải Châu – Thành phố Đà Nẵng.
6. Để đăng ký học chứng chỉ thí nghiệm viên cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
Học viên có nhu cầu tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ Thí nghiệm viên cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Ảnh 3×4.
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân (bản sao có công chứng, chứng thực).
– Phiếu đăng ký học (khi đến cơ sở đào tạo sẽ được phát miễn phí) và điền theo hướng dẫn.
–
– Bằng tốt nghiệp (bản sao có công chứng, chứng thực).
7. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong hoạt động thí nghiệm xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP, trách nhiệm trong hoạt động thí nghiệm xây dựng của từng đối tượng cụ thể như sau:
– Đối với thí nghiệm viên:
+ Tuân thủ nhiệm vụ được giao, trung thực trong quá trình thí nghiệm và kết quả thí nghiệm.
+ Chịu trách nhiệm về số liệu thí nghiệm do mình thực hiện.
– Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng:
+ Bộ xây dựng có trách nhiệm trong việc thống nhất quản lý các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
+ Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
+ Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các phòng thí nghiệm,…
– Đối với các tổ chức:
+ Đầu tiên là bảo đảm và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thí nghiệm viên và hệ thống quản lý chất lượng.
+ Đối với các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
+ Thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Thông tư số 06/2017/TT-BXD hướng dẫn hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.