Dạo gần đây, Tòa án tiếp nhận khá nhiều vụ việc liên quan đến việc khởi kiện tranh chấp về bản quyền hình ảnh. Cụ thể việc khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh?
Bản quyền hình ảnh được hiểu là quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh. Căn cứ tại điểm h Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, tác phẩm nhiếp ảnh được coi là một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Cụ thể, tác phẩm nhiếp ảnh theo quy định là những tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên các vật liệu bắt sáng; trên các phương tiện có thể tạo ra hình ảnh; hoặc các phương tiện khác như phương pháp hóa học, điện tử hay các phương pháp kỹ thuật khác. Lưu ý là tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.
Hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh được hiểu là việc một cá nhân, tổ chức sử dụng các hình ảnh được bảo hộ quyền tác giả theo luật sở hữu trí tuệ một cách trái phép khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Cụ thể hành vi được coi là hành vi xâm phạm khi có các căn cứ được quy định tại Điều 5
Thứ nhất, đối tượng bị xem xét nằm trong phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, các yếu tố có tính chất xâm phạm đến bản quyền hình ảnh đang được xem xét.
Thứ ba, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng như không phải là đối tượng được pháp luật hay cơ quan có thẩm quyền cho phép theo như quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.
Do đó, có thể thấy một hành vi được coi là hành vi xâm phạm đến bản quyền hình ảnh nếu đáp ứng ba yếu tố như trên.
2. Hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh bị xử phạt như thế nào?
Hành vi xâm phạm đến bản quyền hình ảnh theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng:
Người nào sử dụng tác phẩm không nêu tên thật, tên tác phẩm, bút danh tác giả hoặc có nêu nhưng nêu không đúng tên thật, tên tác phẩm, bút danh tác giả trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Ngoài ra, còn bị áp dụng khắc phục hậu quả bằng cách:
+ Buộc phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch.
+ Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch.
(quy định tại Điều 9 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
Người nào thực hiện tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây ra hậu quả làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả.
Áp dụng khắc phục hậu quả bằng cách:
+ Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật.
+ Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng, môi trường kỹ thuật số hoặc buộc thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm.
(quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
Người nào thực hiện việc xuyên tạc tác phẩm gây hậu quả làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả.
Áp dụng khắc phục hậu quả bằng cách:
+ Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật.
+ Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng, môi trường kỹ thuật số hoặc buộc thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm.
(quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
Người nào công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bắt buộc thực hiện cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
(quy định tại Điều 11 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
Người nào thực hiện hành vi phân phối tác phẩm mà không được sự cho phép, đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.
Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng hay kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
(quy định tại Điều 15 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với:
Người nào có hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được sự cho phép, đồng ý của chủ sở hữu hình ảnh.
Ngoài ra, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
3. Khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh như thế nào?
Như trên đã phân tích, hành vi xâm phạm đến bản quyền hình ảnh là hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc xâm phạm đến bản quyền hình ảnh sẽ có những chế tài xử phạt vi phạm hành chính như trên. Do đó, cá nhân hay tổ chức nào bị xâm phạm đến bản quyền hình ảnh của mình thì hoàn toàn có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để bảo đảm quyền lợi cho mình. Cụ thể thủ tục khởi kiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
– Đơn khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh.
– Các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình chứng minh việc hình ảnh bị xâm phạm đến bản quyền như video, clip, hình ảnh,…
– Giấy tờ tùy thân bao gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân của người yêu cầu khởi kiện.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Người yêu cầu nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cá nhân vi phạm cư trú hoặc trụ sở chính nếu là pháp nhân thực hiện hành vi xâm phạm đến bản quyền hình ảnh.
4. Mẫu đơn khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……(1), ngày….. tháng …… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
(Về hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh)
Kính gửi: Toà án nhân dân (2) ………………
Người khởi kiện: (3) ……………
Địa chỉ: (4) …………….
Số điện thoại: ……… (nếu có); số fax: ……… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ………….. (nếu có)
Người bị kiện: (5) ……………
Địa chỉ (6) ……………..
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: …………. (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ………….. (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có) (7) …
Địa chỉ: (8) …………….
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: ……… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử : ………………(nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9) …
Địa chỉ: (10) ………
Số điện thoại: ………… (nếu có); số fax: ……… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ..…………(nếu có)
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(11) …
Người làm chứng (nếu có) (12) ……………
Địa chỉ: (13) ……………..
Số điện thoại: …… (nếu có); số fax: …………… (nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……………………………. (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)…..
(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (15)…………….
Người khởi kiện (16)
Hướng dẫn cách viết đơn khởi kiện:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện.
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án.
(3) Ghi rõ họ và tên nếu đối tượng khởi kiện là cá nhân; ghi rõ tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện nếu đối tượng khởi kiện là cơ quan, tổ chức.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện.
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(14) Kê khai đầy đủ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự.
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
(16) Ký tá và ghi rõ họ tên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.