Vào ngày 18 tháng 11 năm 2022, Nhà nước ban hành chỉ thị số 19 về tổ chức Tết Quỹ Mão năm 2023. Trong đó, các điều cán bộ công chức, viên chức không được làm dịp Tết được quy định ra sao?
Mục lục bài viết
1. Quy định thế nào là cán bộ, công chức, viên chức?
– Viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật viên chức năm 2010, viên chức trước hết phải là công dân Việt Nam, tuyển dụng theo vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
– Cán bộ theo quy định tại Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008, theo đó cán bộ cũng như viên chức trước hết phải là công dân Việt Nam, thông qua bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Công chức được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 và được hướng dẫn tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, cụ thể là công dân Việt Nam, công chức sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong đơn vị sự nghiệp công lập cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.
Chế độ lương của công chức được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Các điều cán bộ công chức, viên chức không được làm dịp Tết:
2.1. Biếu quà và nhận quà tặng dịp Tết:
Hiện nay, theo chỉ thị số 19 của ban bí thư về việc tổ chức Tết quý mão năm 2023, công chức, viên chức không được:
– Tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp.
– Nghiêm cấm việc biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
– Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố.
Đây là một trong những hành vi không được làm có thể coi là đầu tiên được đặt ra đối với các cán bộ, công chức, viên chức. Bởi thực trạng trong xã hội xảy ra thời đại bây giờ là việc chạy việc, lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu người dân,…
Mọi người nhân dịp những ngày lễ, tết đến nhà những người có thẩm quyền trong một cơ quan, đơn vị để tặng quà, tặng tiền, hay các tài sản có giá trị vật chất khác,… tạo niềm tin, tạo ấn tượng, thậm chí là “nịnh nọt” để thực hiện mục đích của chính mình như lên chức, mong muốn xin việc; hay các quyền lợi khác như chạy chức, chạy quyền, chạy án,…
Bên cạnh đó, nhiều người có thẩm quyền, có chức, có quyền lợi dụng điều này để nhũng nhiều như việc “làm kinh tế” lấy tiền, làm giàu cho mình.
Đồng thời, theo căn cứ tại Điều 24 Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng như sau:
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công mục đích để làm quà tặng để từ thiện, đối ngoại hay thực hiện các chế độ, chính sách.
– Khi tặng quà, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng phải đúng và đủ. Các cơ quan, đơn vị đảm bảo hạch toán kế toán cũng như thực hiện công khai trong chính đơn vị, cơ quan của mình.
– Các cơ quan, đơn vị, tổ chức hay người có quyền hạn, chức vụ liên quan được nhận quà tặng kể cả trực tiếp hay gián tiếp từ những cá nhân, đơn vị, cơ quan có liên quan đến các công việc đang giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý.
2.2. Không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan:
Hành vi mê tín dị đoan là một trong những hành vi cấm của Nhà nước. Cụ thể mê tín dị đoan được hiểu là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí và không có thực, không hợp với lẽ tự nhiên, ví dụ như chữa bệnh bằng tâm linh phù phép,… từ đó mang đến hậu quả xấu cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng.
2.3. Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định:
Về nguyên tắc, xe công trong các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được sử dụng trong quá trình làm việc của chính cơ quan, đơn vị đó. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được sử dụng phương tiện, tài sản của chính đơn vị cơ quan vào các hoạt động vì lợi ích cá nhân.
Ví dụ như lấy xe của cơ quan đưa gia đình cá nhân đi chơi du xuân trong dịp Tết.
2.4. Cấm chơi cờ bạc:
Chơi cờ bạc là hành vi bị cấm chung cho các đối tượng, không chỉ riêng gì cán bộ, công chức, viên chức. Người nào đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức như chơi tú ăn tiền; xóc đĩa; tá lả;… mà được, thua bằng tiền hay hiện vật sẽ bị xử lý về hành vi đánh bạc.
Các chế tài xử lý khi cán bộ, công chức, viên chức đánh bạc như sau:
* Xử lý vi phạm hành chính:
Quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi đánh bạc trái phép bị xử phạt như sau:
– Hành vi mua số lô, số đề: phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi thực hiện những hành vi bao gồm:
+ Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.
+ Đánh bạc thông qua máy, trò chơi điện tử trái phép.
+ Khi chơi thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác mà có cá cược.
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
+ Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác.
+ Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép.
+ Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng.
+ Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép.
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác đánh bạc trái phép.
+ Chứa chấp việc đánh bạc bằng việc dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý.
+ Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép.
+ Thực hiện việc tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
+ Làm chủ lô đề.
+ Thực hiện việc tổ chức sản xuất hay phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
+ Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.
+ Thực hiện tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
* Xử lý hình sự:
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì mức hình sự truy cứu của tội đánh bạc cao nhất là 07 năm tù.
2.5. Cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông:
Rượu, bia là một trong những chất kích thích gây ra hậu quả khôn lường. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, việc sử dụng rượu bia diễn ra rất phổ biến do tâm lý của mọi người là vui và gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe.
Khi không kiểm soát được việc việc uống rượu bia dẫn đến say rồi tham gia điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến tai nạn; hay khi say không kiểm soát được hành động và lời nói mà dẫn đến xô xát nhau,…
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, vào ngày thường, pháp luật cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc. Và đến dịp Tết đến xuân về, việc hạn chế uống rượu, bia hay cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông được phổ biến và là chỉ thị cấm chung cho tất cả mọi người dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức.
Chỉ thị 19-CT/TW 2022 tổ chức Tết Quý Mão 2023.