Ai được vào thăm phạm nhân? Thủ tục thăm gặp phạm nhân? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là phạm nhân?
Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Hay hiểu một cách đơn giản, phạm nhân là những chủ thể từng vi phạm pháp luật, đang chịu hình thức xử lý, xử phạt mà cơ quan Nhà nước đưa ra: Phạt tù có thời hạn hoặc chung thân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật thi hành án hình sự 2019, phạm nhân được hưởng các quyền cơ bản sau đây:
+ Phạm nhân được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
+ Phạm nhân được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án; tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
+ Phạm nhân được tham gia lao động, học tập, học nghề.
+ Phạm nhân được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.
+ Phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;
+ Phạm nhân được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
+ Phạm nhân được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
+ Phạm nhân được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án, được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định tại điều luật trên, một trong những quyền mà phạm nhân được hưởng là quyền được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân, lãnh sự quán (đối với người nước ngoài).
2. Ai được vào thăm phạm nhân?
Được gặp, liên lạc với thân nhân, cá nhân, tổ chức là một trong những loại quyền mà phạm nhân được hưởng. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2020/TT – BCA, những đối tượng sau được phép gặp phạm nhân:
– Thứ nhất, đó là thân nhân của phạm nhân. Thân nhân được phép thăm gặp phạm nhân bao gồm: Ông bà (nội – ngoại), bố mẹ (bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ hoặc bố mẹ nuôi hợp pháp), vợ (hoặc chồng); con (con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp), con dâu, con rể, anh, chị, em ruột, anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân không được vượt quá 3 người thân nhân.
– Thứ hai, đối tượng được phép thăm phạm nhân là cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân sẽ tiến hành xem xét và giải quyết đề nghị, nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân, cũng như thỏa mãn được yêu cầu quản lý, quản dục, phòng chống tội phạm thì sẽ đồng ý phê duyệt đề nghị thăm gặp phạm nhân.
– Thứ ba, bạn bè, người yêu của phạm nhân cũng được phép vào thăm. Theo đó, những đối tượng này khi có mong muốn đến thăm, gặp phạm nhân thì có thể sẽ được thăm gặp, tuy nhiên phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân.
Như vậy, có thể thấy, người được phép vào thăm phạm nhân là những chủ thể có quan hệ gắn bó, gần gũi với nạn nhân. Tuy nhiên, sự thăm gặp này phải nằm trong khuôn khổ giám sát, quản lý của cán bộ chịu trách nhiệm tham giữ phạm nhân.
Việc Nhà nước đưa ra những quy định về người được quyền thăm gặp phạm nhân có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc:
+ Quy định mà Nhà nước đưa ra thể hiện rõ tính nhân đạo, nhân văn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đảm bảo đời sống tinh thần của phạm nhân. Mặc dù phạm nhân là những người phạm tội, từng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống xã hội, song Nhà nước vẫn cho phép họ hốc quyền thăm gặp các cá nhân, tổ chức khác.
+ Khi được gặp thân nhân, bạn bè của mình, phạm nhân sẽ có thêm động lực để thực hiện cải tạo cho tốt. Đồng thời, điều này một phần nào đó giúp phạm nhân nhìn nhận lại, ý thức được hậu quả của hành vi phạm tội của mình, điều chỉnh hành vi của bản thân để sau khi ra tù sẽ trở thành người có ích cho xã hội.
+ Việc Cho phép phạm nhân được gặp thân nhân, người quen giúp cơ quan chức năng tại đó một phần nào đó nắm bắt được tâm lý của phạm nhân, đưa ra những phương hướng điều tra khác liên quan với vụ việc phạm tội đang diễn ra trong thực tế (mà phạm nhân đó liên đới liên quan). Đồng thời, hoạt động này là minh chứng rõ ràng nhất cho hoạt động quản lý Nhà nước chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Thủ tục thăm gặp phạm nhân:
3.1. Thủ tục thăm gặp phạm nhân đối với thân nhân:
– Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân.
– Trong trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì thân nhân của phạm nhân phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập.
– Thân nhân của phạm nhân phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân; Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
3.2. Thủ tục thăm gặp đối với phạm nhân là người nước ngoài:
– Chủ thể là người nước ngoài thăm gặp thân nhân thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ giống thân nhân.
– Ngoài ra, người nước ngoài phải có đơn xin thăm gặp gửi cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự; đơn xin thăm gặp phải viết bằng Tiếng Việt hoặc phải được dịch bằng Tiếng Việt, phải có xác nhận của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế của Việt Nam nơi người thân nhân đó đang làm việc.
– Trong trường hợp thân nhân của phạm nhân nước ngoài là người Việt Nam thì phải chuẩn bị đơn xin thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người thân nhân đó đang cư trú.
3.3. Thủ tục thăm gặp phạm nhân đối với người không phải là thân nhân của phạm nhân:
– Người không phải nhân thân đến thăm, gặp phạm nhân phải có văn bản đề nghị đến thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân, giấy xác nhận tại cơ quan người đó đang làm việc, học tập hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi người thăm gặp đang cư trú.
– Người đến thăm phạm nhân mà không phải thân nhân của phạm nhân thì phải chuẩn bị giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu; các giấy tờ chứng minh bản thân là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, một điều mà chúng ta cần lưu ý rằng, hiện nay, có rất nhiều trường hợp các cá nhân, tổ chức muốn đến thăm gặp phạm nhân nhưng không có giấy tờ tùy thân. Điều này khiến công tác thăm gặp chịu rất nhiều ảnh hưởng. Đối với những trường hợp này, cá nhân, tổ chức muốn thăm gặp phạm nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư cú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đến gặp phạm nhân đang cư trú, học tập và làm việc.
Như vậy, đối với từng trường hợp, đối tượng cụ thể, thủ tục thăm gặp phạm nhân cũng có những sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, từ những phân tích ở trên, có thể thấy, việc thăm gặp phạm nhân phải được tiến hành và thực hiện một cách khách quan, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể, khi muốn vào thăm gặp phạm nhân, cá nhân, tổ chức (bao gồm cả thân nhân) cần phải đảm bảo một cách đầy đủ, chặt chẽ về mặt giấy tờ. Những giấy tờ tùy thân mang tính bắt buộc này giúp cán bộ quản lý trại giam có thể kiểm tra, xem xét tính đúng đắn của chúng. Đồng thời, có thể xác định được danh tính của người thực hiện thăm gặp. Từ đó, đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời, tránh những trường hợp rủi ro có thể xảy ra.
Song song với việc tạo điều kiện cho phạm nhân được quyền gặp người thân, cơ quan Nhà nước cũng đưa ra những biện pháp mang tính kỷ luật chặt chẽ, nhằm đảm bảo sự an toàn, trật tự cho quá trình thăm gặp. Hơn hết, nó tạo nên tính pháp chế cao ngay trong khâu thực tiễn hoạt động, thể hiện sức mạnh của Nhà nước, của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Thi hành án hình sự năm 2019
- Thông tư 14/2020/TT – BCA quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân