Hiện nay, trong cuộc sống của người dân, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến vì lợi ích của nó mang lại rất hiệu quả và tiết kiệm, tiện dụng trong sinh hoạt. Vậy khi đối với các dự án điện mặt trời áp mái, Nhà nước có những chính sách về thuế cũng như các ưu đãi thuế ra sao?
Mục lục bài viết
1. Điện mặt trời áp mái là gì?
1.1. Điện mặt trời áp mái:
Điện mặt trời áp mái là một hệ thống quang điện, hệ thống này tận dụng các khoảng không của sân thượng, mái nhà và các khu đất cao có nhiều ánh nắng mặt trời để làm nơi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Từ đó sẽ tạo thành một trạm phát điện dựa vào năng lượng mặt trời.
1.2. Ưu nhược điểm của điện mặt trời áp mái:
Với thiết kế điện mặt trời áp mái sẽ mang lại nhiều ưu điểm, tạo sự thiết thực cho cuộc sống. Cụ thể như:
– Độ bền cao sử dụng lâu dài (thực tế có thể sử dụng với thời gian từ 10 năm đến 20 năm).
– Giúp ích trong việc giảm tải điện lưới quốc gia, được trợ giá và thu mua từ điện lưới PVN.
– Việc lắp đặt có thiết kế khoa học giúp tiết kiệm diện tích đất ở và ngôi nhà mát mẻ quanh năm.
– Xét trên cơ sở lợi ích quốc gia thì điện mặt trời sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng (giảm sử dụng than nhập), bảo vệ môi trường (giảm phát thải khí nhà kính) và không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương.
– Giảm tác động đến môi trường: Điện năng lượng mặt trời tác động tiêu cực rất ít đến môi trường so với bất kỳ nguồn năng lượng nào khác, không gây ô nhiễm nguồn nước; không tạo ra khí nhà kính; không có tác động đến môi trường xung quanh.
Sản xuất điện năng lượng mặt trời không tạo ra bất kỳ tiếng ồn nào, đó là lợi ích lớn khi lắp đặt các công trình điện năng lượng mặt trời ở khu vực thành thị.
Bên cạnh những ưu điểm, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái cũng mang lại nhược điểm như ngành điện bị giảm doanh thu, trong khi phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và thanh toán tiền điện phát vào lưới cho chủ hộ.
2. Các chính sách thuế, các ưu đãi thuế đối với điện mặt trời áp mái:
2.1. Về ưu đãi đầu tư:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Phần I Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải nằm trong danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Các hình thức đầu tư được quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư.
Được miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, được miễn thuế nhập khẩu.
Miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
– Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.
– Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Mức ưu đãi đặc biệt đầu tư được quy định tại Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, cụ thể nhà đầu tư được giảm tiền bảo đảm thực hiện dự án trong các trường hợp sau:
Giảm 50% đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, trong đó có sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải.
Đối với trường hợp dự án điện mặt trời trên mái nhà tại địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cũng sẽ được áp dụng ưu đãi đầu tư. Cụ thể theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020, ngành nghề ưu đãi đầu tư gồm:
– Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, tại điểm 1 Khoản 2 Điều 16 quy định về địa bàn ưu đãi đầu từ trong đó có địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
2.2. Về thuế nhập khẩu:
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, các trường hợp được miễn thuế gồm:
* Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm:
– Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi Tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi Tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị.
– Các phương tiện vận chuyển chuyên với mục đích dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án.
– Các vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
* Theo quy định của pháp luật về đầu tư, các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh Mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
2.3. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 15
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực:
– Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
– Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao.
– Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
– Đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
– Đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
– Đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
– Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước.
– Cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông.
– Sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
– Sản xuất sản phẩm phần mềm.
– Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.
– Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.
Như vậy, đối với trường hợp dự án điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp đáp ứng dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì sẽ được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp được giảm 20% trong thời gian mười năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 69/2008/NĐ-CP và dự án điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp đáp ứng dự án đầu tư mới thuộc Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời tại điểm 8 Mục VI – Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường ban hành kèm theo Quyết định 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ được áp dụng ưu đãi thuế.
Để được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
– Nếu trong cùng một thời gian kỳ tính thuế nếu có một khoản thu nhập nằm trong diện được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế theo nhiều trường hợp khác nhau thì về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ được tự lựa chọn một trong các trường hợp ưu đãi thuế doanh nghiệp nào có lợi nhất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Đầu tư 2020
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp218/2013/NĐ-CP - Quyết định 693/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, Dạy nghề, Y tế, Văn hóa, Thể thao, Môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTG ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ Tướng Chính Phủ