Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay tại các vùng nông thôn thì việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa không khó để bắt gặp tình trạng hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường gây ảnh hưởng đến quá trình thi công, xây dựng của chủ nhà. Vậy, làm gì khi xây nhà hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường?
Mục lục bài viết
1. Làm gì khi xây nhà hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường?
1.1. Giải pháp khi xây nhà hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường:
Trường hợp quý bạn đọc, chủ sở hữu bất động sản bắt giàn giáo trát tường đối với bất động sản liền kề mà hàng xóm từ chối thì Luật Dương Gia đưa ra một số giải pháp để quý bạn đọc tham khảo như sau:
Theo quy định pháp luật, quý bạn đọc hoàn toàn có quyền sử dụng hạn chế phần đất liền kề của hàng xóm để đặt dàn giáo thì trước hết phải cần phải thỏa thuận với người hàng xóm đó về việc bắt giàn giáo trát tường và thỏa thuận thương lượng với hàng xóm về việc sử dụng có đền bù một khoản chi phí hợp lý trong suốt thời gian bạn sử dụng.
Đối với trường hợp, mặc dù đã xin phép để bắt giàn giáo trát tường thi công công trình xây dựng của quý bạn đọc mà hàng xóm vẫn không đồng ý cho sử dụng một phần diện tích thì quý bạn đọc hoàn toàn có thể viết đơn gửi lên Ủy ban nhân dân xã/phường nơi có bất động sản hoặc gửi đơn đến đội trật tự xây dựng cấp quận hoặc tiến hành việc khởi kiện hàng xóm ra Tòa án quận/huyện nhằm buộc họ phải đồng ý cho bắt giàn giáo trát tường.
Tuy nhiên, nhận thấy đây là vấn đề đơn giản, hai bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã/phường đứng ra tổ chức hòa giải cho hai bên điều này sẽ giúp cho mục đích cải tạo nhà của mình đạt được mà lại không ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.
1.2. Lưu ý khi hàng xóm không có bắt giàn giáo trát tường:
Trong trường hợp hàng xóm của bạn có hành vi quấy rối thì quý bạn đọc hoàn toàn có thể viết đơn trình báo vụ việc tới cơ quan công an nơi bạn đang cư trú để được can thiệp giải quyết. Tuy nhiên, quý bạn đọc cần lưu ý rằng, phải tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của hành vi mà cơ quan công sẽ xử lý hành chính hoặc có các biện pháp khác.
Đơn cử như hành vi đánh nhau hoặc xúi dục người khác đánh nhau; ném gạch đá, đất cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà vào phương tiện tham gia giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người nơi đông người; Báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; Ném gạch, đất, đá cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
2. Hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường là đúng hay sai?
Pháp luật quy định về quyền sử dụng bất động sản liền kề như sau:
– Căn cứ theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền đối với bất động sản liền kề được hiểu là quyền được thực hiện trên một bất động sản gọi là bất động sản chịu hưởng quyền nhằm mục đích phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác gọi là bất động sản hưởng quyền.
– Căn cứ theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Dân sự năm 2015, Căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề thì quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo thỏa thuận, theo quy định của luật hoặc theo di chúc.
– Hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề thì căn cứ theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi pháp nhân, mọi cá nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, ngoại trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Căn cứ theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Dân sự năm 2015, Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề như sau:
Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Ngoại trừ trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
i) Phải đảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản chịu hưởng quyền và bất động sản hưởng quyền.
ii) Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.
iii) Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
Từ những phân tích tại mục 3 sau khi quý bạn đọc đã xác định được ranh giới, mốc giới giữa các bất động sản và quyền sử dụng bất động sản liền kề thì trong trường hợp quý bạn đọc cần bắt giàn giáo trát tường cho bất động sản của mình thể hiện nhu cầu thích đáng của chủ sở hữu theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu bất động sản liền kề có trách nhiệm đáp ứng việc bắt giàn giáo và không được quyền từ chối, không được thực hiện các hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn theo đúng quy định về quyền sử dụng bất động sản liền kề theo quy định pháp luật.
3. Quy định pháp luật về xác định ranh giới, mốc giới giữa các bất động sản liền kề:
Thực tế, nhiều trường hợp khi tiến hành thi công bắt giàn giáo trát tường nhà thì hàng xóm gây khó dễ thậm chí là không cho bắt giàn giáo trát tường nhà điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công công trình, tiến độ xây dựng. Tuy nhiên để trả lời câu hỏi cần làm gì khi xây nhà hàng xóm không cho bắt giàn giáo trát tường thì Luật Dương Gia làm rõ vấn đề về việc xác định ranh giới giữa các bất động sản liền kề, cụ thể như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 Ranh giới giữa các bất động sản được xác định như sau:
– Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo thỏa thuận.
Quý bạn đọc cũng cần lưu ý rằng, ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được thay đổi, lấn, chiếm mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là hào, rãnh, kênh, mương, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
– Người sử dụng đất được lòng đất và sử dụng không gian theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; Trong trường hợp mà cành cây, rễ cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2015, mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:
– Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng hàng rào, cột mốc, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
– Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng hàng rào, cột mốc, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; cần lưu ý rằng những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp mà chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng hàng rào, cột mốc, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
– Đối với mốc giới là tường nhà chung thì chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc tiến hành việc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, ngoại trừ các trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.
Đối với trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.
Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì hoa lợi thu được từ cây được chia đều.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015