Công an được biết đến là lực lượng chuyên thực hiện việc điều tra, truy vết những đối tượng phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi nhiều người bị mất tiền, mất tài sản thường tìm đến cơ quan công an để trình báo, yêu cầu cơ quan công an giải quyết để tìm ra đối tượng trộm cắp và lấy lại tài sản bị mất. Vậy thì mất tài sản giá trị bao nhiêu thì chủ sở hữu của tài sản phải trình báo công an?
Mục lục bài viết
1. Mất tài sản bao nhiêu thì báo công an?
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung thì chưa có bất kì quy định cụ thể nào về việc mất tài sản với giá trị bao nhiêu thì phải trình báo cơ quan công an. Việc trình báo lên cơ quan công an khi bị mất tài sản vừa thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân mà cũng vừa phát huy được vai trò của lực lượng Công an nhân dân.
Việc mất tài sản là việc chủ sở hữu tài sản không còn thấy tài sản đó trong phạm vi quản lý của mình nữa. Việc mất tài sản khi truy cứu trách nhiệm hình sự có thể xác định là hành vi phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bởi việc mất tài sản là việc mà chủ sở hữu của mình không biết tài sản của mình đang ở đâu và ai là người lấy tài sản của mình đi. Tương đồng với dấu hiệu để xác định hành vi phạm tội của người phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 là người phạm tội thường có hành vi lén lút, luôn có ý thức che giấu việc thực hiện hành vi, khiến cho chủ sở hữu của tài sản đó sau khi tài sản bị lấy đi mới biết là mình bị mất tài sản.
Như vậy, tính chất lén lút của người phạm tội được xác định là tính chất chủ yếu để kết luận người đó có phạm tội Trộm cắp tài sản hay không. Nếu trong dấu hiệu tội phạm không có tính chất lén lút thì không được xem là tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định tài Điều 173 này thì tài sản bị trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp như: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của chủ sở hữu và tài sản là di vật, cổ vật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, giá trị tài sản bị trộm cắp trên 02 triệu đồng thì có thể trình báo cơ quan công an để điều tra ra người phạm tội và truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu giá trị tài sản trộm cắp dưới 02 triệu đồng thì công dân bị mất cắp tài sản có thể trình báo cơ quan công an để xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm. Tuy nhiên nếu tài sản bị mất cắp có giá trị dưới 02 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này hoặc đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản mà chưa được xoá án tích.
Từ những phân tích trên có thể thấy pháp luật không quy định cụ thể về giá trị tài sản là bao nhiêu thì chủ sở hữu bị mất tài sản mới được trình báo cơ quan công an. Do đó khi phát hiện bị mất tài sản thì chủ sở hữu có thể trình báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền để được hỗ trợ điều tra và lấy lại tài sản bị mất cắp.
2. Khi mất tài sản có nên trình báo công an không?
Việc mất cắp xảy ra là do hành vi vi phạm pháp luật của người trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và chủ sở hữu tài sản đó. Do đó để ổn định trật tự, để công dân được thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình thì khi phát hiện ra việc mất tài sản thì công dân có thể trình báo lên cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đồng thời thực hiên chức năng đấu tranh, phòng, chống tội phạm của mình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 Luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tố giác tội phạm được hiểu là việc mà cá nhân hay tổ chức phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm và tố cáo hành vi đó lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, điều luật này cũng quy định, tin báo về tội phạm là thông tin mà cơ quan, tổ chức hay cá nhân thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tố giác tội phạm và tin báo về tội phạm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân thực hiện trình báo lên với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có hành vi tội phạm. Cụ thể quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện như sau:
2.1. Tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm trộm cắp tài sản là quyền của công dân:
Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì quyền của công dân trong việc tối giác tội phạm, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
– Yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giữ bí mật về việc tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm;
– Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo về kết quả giải quyết việc tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm;
– Được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và các quyền và lợi ích khác của chính họ và người thân khi bị người khác đe doạ do báo tin về tội phạm;
– Có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận và giải quyết việc tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm.
2.2. Tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm trộm cắp tài sản là nghĩa vụ của công dân:
Cũng căn cứ theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tố giác tội phạm vừa là quyền và cũng vừa là nghĩa vụ của công dân. Cụ thể nghĩa vụ của công dân trong việc tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
– Công dân thực hiện tố giác tội phạm phải trình bày trung thực, chính xác về hành vi tội phạm mà mình biết;
– Công dân phải có mặt theo yêu cầu triệu tập của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và phối hợp điều tra.
3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiếp nhận và giải quyết việc tố giác tội phạm, tin báo về việc mất cắp tài sản:
Tiếp nhận và điều tra để tìm ra chân tướng kẻ phạm tội là trách nhiệm của cơ quan công an được Nhà nước tin tưởng giao phó. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm của công dân. Cụ thể trách nhiệm đó được quy định như sau:
– Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về tội phạm mà không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
– Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
+ Cơ quan điều tra thuộc cơ quan công an, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
– Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.