Quy định về chất thải. Quy định về xử lý chất thải. Mức xử phạt với hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định.
Ngày nay môi trường đang trở nên ô nhiễm nặng nề do ý thức và sự thiếu trách nhiệm từ con người trong đời sống thường ngày. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường được thể hiện ở nhiều dạng hành động khác nhau như vứt rác bừa bãi, đổ chất thải không đúng nơi quy định, xả khí thải gây ô nhiễm ra môi trường,…Việc đổ chất thải không đúng nơi quy định được thực hiện không chỉ bởi cá nhân mà còn được thực hiện bởi các tổ chức, các doanh nghiệp như nhà máy sản xuất, các bệnh viện để chất thải gây ô nhiễm môi trường. Vậy với hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định được nêu trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
– Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mục lục bài viết
1. Quy định về chất thải:
1.1. Rác thải được hiểu như thế nào?
Chất thải được hiểu là những loại rác bị thải ra trong quá trình sử dụng, trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người và động vật. Bất kỳ một hoạt động nào trong đời sống hàng ngày cũng đều sinh ra một lượng chất thải nhất định và từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do rác thải tăng cao khó xử lý.
1.2. Phân loại rác thải:
Hiện nay việc phân loại rác thải được thực hiện phân chia theo nguồn gốc phát sinh rác thải, phân loại theo rác thải y tế và phân loại theo mức độ nguy hiểm của rác thải. Cụ thể các các loại rác thải được phân loại như sau:
1.2.1. Phân loại rác thải theo nguồn gốc phát sinh:
– Thứ nhất, rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt là loại rác được sinh ra trong quá trình sinh hoạt và hoạt động thường ngày của con người và các loài động vật. Theo đó, rác thải sinh hoạt được phân thành rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải tái chế. Trong đó:
+ Rác thải hữu cơ là loại rác thải dễ phân huỷ và thương được tái chế thành phân hữu cơ hoặc thực ăn cho động vật;
+ Rác thải vô cơ là loại rác thải không thể sử dụng cũng không có khả năng tái chế mà chỉ có thể được xử lý bằng cách chôn lấp tại đúng nơi quy định;
+ Rác thải tái chế là các loại rác bị thải ra khó phân huỷ nhưng có thể tái sử dụng.
– Thứ hai, rác thải văn phòng. Đây là loại rác thải từ văn phòng phẩm không còn được sử dụng như bút hết mục, đồ dùng bị hỏng…
– Thứ ba, rác thải công nghiệp. Đây là loại rác thải có thành phần cực kỳ độc hại như chất hoá học, phế liệu công nghiệp…như các lọ thuốc trừ sâu bọ, vỏ thuốc hoá học khác…
– Thứ tư, rác thải xây dựng. Đây là loại rác thải được thải ra trong quá trình xây dựng, tu bổ và sửa chữa công trình như vụn đất, đá, gạch…
1.2.2. Phân loại rác thải y tế:
Do mang tính đặc thù riêng của ngành nghề nên rác thải y tế được quy định cách thức phân loại riêng biệt theo quy định tại Thông tư liên tịch số
– Chất thải lây nhiễm. Đây là loại chất thải bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu;
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm. Loại chất thải này bao gồm: hoá chất thải bỏ, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc, thiết bị y tế bị vỡ hoặc hỏng, chất hàn răng amalgam bị thải bỏ…;
1.2.3. Phân loại chất thải theo mức độ nguy hại:
Phân loại rác thải theo mức độ nguy hại được phân thành 02 loại bao gồm rác thải không nguy hại và rác thải nguy hại.
2. Quy định về xử lý chất thải:
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì hoạt động xử lý chất thải được quy định là quá trình sử dụng các giải pháp lý thuật và công nghệ để loại bỏ, làm giảm, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu huỷ hoặc chôn lấp chất thải và các yếu tố độc hại khác có trong chất thải đó.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chất thải có thể ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra ngoài môi trường do phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh khác. Theo đó với mỗi dạng chất thải khác nhau lại có một cách thức xử lý khác nhau. Cụ thể:
2.1. Quy định về xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn trong công nghiệp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn trong công nghiệp được thực hiện như sau:
– Chất thải phải được quản lý chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sử dụng từ khi phát sinh cho đến khâu tiêu huỷ hoặc tái sử dụng, tái chế;
– Chủ của nguồn rác thải nguy hại và chất thải rắn trong công nghiệp thường có trách nhiệm trong việc tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển qua cơ sở được phép xử lý để thực hiện xử lý nguồn rác thải theo đúng quy định;
– Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về năng lượng nguyên tử;
– Một số phương pháp khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
2.2. Quy định về quản lý tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa:
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Hiện nay, nhà nước đang khuyến khích việc tái sử dụng và tái chế các chất thải nhựa để phục vụ cho việc sản xuất hàng hoá, vật liệu xây dựng và các công trình giao thông. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức và cá nhân nghiên cứu, phát triển các hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển, sông, hồ và đại dương…
2.3. Quy định về quản lý nước thải:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì việc quản lý nước thải được thực hiện như sau:
– Nước thải phải được thu gom và xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận;
– Trường hợp nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt quá ngưỡng quy định thì phải được quản lý theo quy định về việc quản lý chất thải nguy hại…
Trên đây mà một số quy định và biện pháp để xử lý chất thải ra ngoài môi trường. Ngoài ra còn một số quy định quản lý chất thải khác được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Do đó, nếu cá nhân hay tổ chức có hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Mức xử phạt với hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định:
3.1. Mức xử phạt đối với hành vi thu gom, thải rác thải không đúng nơi quy định:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì hành vi thải rác thải không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
– Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
– Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân như tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
– Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20
– Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
3.2. Mức xử phạt đối với hành vi để rơi vãi vật liệu ra đường:
– Xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu hoặc vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu ra đường theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP;
– Xử phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị dân cư Không có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư tập trung theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
3.3. Mức xử phạt đối với hành vi không phân loại chất thải rắn:
Theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì những cá nhân hay hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra Nghị định này cũng quy định về một số mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm môi trường khác.