Thực trạng nạo thai, phá thai, bỏ thai ở Việt Nam hiện nay. Hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai sẽ bị xử phạt như thế nào?
Ngày nay, việc nạo thai, phá thai, bỏ thai diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi. Với những suy nghĩ không chín chắn, hành động không nghĩ đến hậu quả mà nhiều bạn trẻ đã mang thai ngoài ý muốn và dẫn đến việc nạo thai, phá thai, bỏ thai. Bên cạnh đó, có nhiều cặp vợ chồng khi biết giới tính của thai nhi không đúng theo ý muốn của mình nên đã đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để thực hiện hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai vì lựa chọn giới tính thai nhi. Vậy với những hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai được kể trên thì có vi phạm pháp luật không? Nếu là hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989;
– Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;
– Quyết định số 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 25/11/2009 về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản”;
– Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mục lục bài viết
1. Thực trạng nạo thai, phá thai, bỏ thai ở Việt Nam hiện nay:
Tình trạng nạo thai, phá thai, bỏ thai nhi tại Việt Nam hiện nay đã đạt đến mức báo động. Hiện nay tại các bệnh viện, các cơ sở y tế không chỉ thực hiện nạo thai, phá thai, bỏ thai với thai lưu mà còn thực hiện nạo thai, huỷ bỏ mạng sống của những thai nhi vẫn còn nhịp đập của trái tim, khoẻ mạnh và phát triển bình thường.
Theo thống kê số liệu của Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam thì trung bình một năm tại Việt Nam có gần 300.000 ca nạo thai, phá thai, bỏ thai. Tuy nhiên, trong đó có khoảng 60 đến 70% số ca nạo, phá, bỏ thai tại Việt Nam là học sinh, sinh viên ở lứa tuổi từ 15 đến 19. Bên cạnh đó, theo số liệu từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân. Đó là con số báo hiệu cho thực trạng giới trẻ ngày nay đang có suy nghĩ và quan điểm cởi mở hơn trong tình yêu và tình dục. Do đó đã dẫn đến kết quả ngoài ý muốn là những con số biết nói kể trên.
Bên cạnh việc những người trẻ nạo, phá, bỏ thai ngoài ý muốn thì có những cặp vợ chồng do lựa chọn giới tính của thai nhi, vì muốn sinh con trai với quan niệm nối dõi tông đường hoặc muốn sinh con gái vì sợ quan niệm “tam nam bất phú”, “tứ nữ bất bần” nên đã lựa chọn phá thai khi biết giới tính thai nhi. Nhóm này ít hơn so với những bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn, chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số một năm.
2. Hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Nạo thai, phá thai, bỏ thai là các hình thức dùng các thủ thuật hoặc các loại thuốc chuyên dụng để chấm dứt thai kỳ ở giai đoạn sớm hơn so với chu kỳ mang thai. Đây là hành động chấm dứt sự sống của thai nhi. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT quy định tại phần VII- Phá thai an toàn thì phá thai được quy định là việc chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi.
Như vậy, việc phá thai, nạo thai, bỏ thai là việc chấm dứt thai kỳ, chấm dứt sự sống của thai nhi. Vậy đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 thì nạo thai, phá thai là quyền của phụ nữ được thực hiện theo nguyện vọng. Như vậy, theo quy định tại Luật này thì việc nạo thai, phá thai, bỏ thai không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định trên thì việc nạo thai, phá thai, bỏ thai được cho phép mà không có thêm bất kỳ điều kiện gì. Tuy Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã được ban hành từ lâu nhưng đến nay vẫn đang còn giữ nguyên hiệu lực nhưng nếu xét về thực tế thì lại chưa phù hợp và cần được điều chỉnh.
Pháp luật ngày nay tuy chưa sửa đổi Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân nhưng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn, các Quyết định có giá trị phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Theo đó, tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT đã hướng dẫn và cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng được các điều kiện về sức khoẻ của người mẹ, trang thiết bị y tế được sử dụng, điều kiện về chuyên môn của bác sĩ…Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP thì hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính là hành vi bị nghiêm cấm hoàn toàn.
Theo những quy định trên thì phụ nữ mang thai vẫn có quyền thực hiện nạo thai, hút thai, bỏ thai nhưng phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Thai nhi từ dưới 22 tuần tuổi;
– Không nạo thai, phá thai vì lựa chọn giới tính.
Nếu phụ nữ thực hiện hành vi nạo thai, phá thai, hút thai mà không đáp ứng điều kiện trên thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
3. Hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay việc xử lý vi phạm đối với hành vi nạo thai, phá thai, bỏ thai mới chỉ quy định đối với hành vi phá bỏ thai vì lựa chọn giới tính. Theo đó đối với hành vi phá bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 100 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể mức xử phạt tương ứng với mỗi hành vi như sau:
Thứ nhất, hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính xuất phát từ phía người mang thai mà không phải chịu tác động ép buộc phải loại bỏ từ người khác. Theo đó, với hành vi này thì người mang thai sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
Thứ hai, hành vi loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính không xuất phát từ người mang thai mà xuất phát từ sự ép buộc, đe doạ:
– Đối với người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này;
– Đối với người có hành vi đe doạ dùng vũ lực, hành vi uy hiếp tinh thần người mang thai để ép buộc người đó loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều luật này;
– Đối với hành vi dùng vũ lực, đánh đập người mang thai để ép buộc người đó phá bỏ thai nhi vì lý do giới tính sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều luật này.
Thứ ba, hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính đối với các hành vì cung cấp, hướng dẫn người mang thai thực hiện loại bỏ thai nhi sẽ bị phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đó là các hành vi sau:
– Cung cấp hoá chất hoặc thuốc để loại bỏ thai nhi mà người cung cấp biết rõ người mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
– Hướng dẫn hoặc chỉ định người mang thai sử dụng thuốc hoặc thực hiện các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người mang thai đó muốn loại bỏ thai nhi vì lựa chọn giới tính.
Bên cạnh đó, người có hành vi nêu trên là bác sĩ, dược sĩ thì sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng. Thêm vào đó, đối với hành vi cung cấp hoá chất hoặc thuốc thì người có hành vi nêu trên sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh với cơ sở hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ tư, xử phạt đối với bác sĩ trực tiếp phá thai cho người mang thai mà biết rõ người mang thai muốn loại bỏ thai nhi đó vì lý do lựa chọn giới tính. Theo đó, bác sĩ có hành vi phá thai sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, bác sĩ thực hiện hành vi này sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.