Tiêu chuẩn xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở? Tiêu chuẩn xét danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc? Mức thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, toàn quốc? Mục đích của việc trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, toàn quốc? Nội dung tổ chức phong trào thi đua?
Để khen thưởng các cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác, pháp luật đã đặt ra những danh hiệu khuyến khích thành tích đó. vậy tiêu chuẩn để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, toàn quốc là gì?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Thi đua, Khen thưởng 2003;
– Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng;
Mục lục bài viết
1. Tiêu chuẩn xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở:
Tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở được quy định theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cụ thể hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn như sau được xét tặng:
+ Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” khi đã đáp ứng các điều kiện: Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao; Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua; Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
+ Cá nhân có mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận hoặc cá nhân có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương quy định tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.
Như vậy, để được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” thì các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện: Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”; Cá nhân có sáng kiến để tăng hiệu quả công tác, tăng năng suất lao động được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc có mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
2. Tiêu chuẩn xét danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc:
Căn cứ theo Điều 21 Luật Thi đua, khen thưởng 2003 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013, Khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn quy định danh hiệu “ Chiến sĩ thi đua toàn quốc” như sau:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là danh hiệu được xét tặng đối với những cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân đã có hai lần liên tục đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
– Tiêu chí để làm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến si thi đua toàn quốc” là sáng kiến (tức là những giải pháp quản lý, những giải pháp kỹ thuật, giải pháp công tác, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giải pháp tác nghiệp) hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, mà những sáng kiến và đề tài nghiên cứu này phải được áp dụng thực tiễn hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong phạm vi toàn quốc. Những chiến sĩ có sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu (đối với lực lượng vũ trang) phải thực sự đạt được hiệu quả cao và phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
– Người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương xem xét, công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ quốc phòng xem xét, công nhận sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phạm vi ảnh hưởng. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm toán thì việc khen thưởng phải có Báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán có thẩm quyền trong thời gian 05 năm trước thời điểm đề nghị khen thưởng. Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng kiểm toán trong báo cáo thành tích thì việc khen thưởng phải nêu căn cứ không thuộc đối tượng kiểm toán.
3. Mức thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, toàn quốc:
Về nguyên tắc, tiền thưởng cho cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua được tính trên cơ sở mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đang có hiệu lực tại thời điểm có quyết định công nhận các danh hiệu thi đua. Số tiền thưởng khi nhân với hệ số lương cơ sở được làm tròn đến hàng chục ngàn đồng tiền Việt Nam. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 91/2017/NĐ-CP mức tiền thưởng áp dụng đối với danh hiệu chiến sĩ thi đua là:
3.1. Đối với cá nhân:
+ Thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở và tặng Bằng, Huy hiệu đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”;
+ Thưởng 3,0 lần mức lương cơ sở, được tặng Bằng chứng nhận, huy hiệu đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
+ Thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở và được tặng Bằng chứng nhận đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
+ Thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”;
3.2. Đối với tập thể:
+ Thưởng và 1,5 lần mức lương cơ sở được tặng Bằng chứng nhận đối với danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”;
+ Thưởng 0,8 lần mức lương cơ sở đối với danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”;
+ Thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở và được tặng Bằng chứng nhận đối với danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”;
+ Thường 12,0 lần mức lương cơ sở và được tặng cờ đối với danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”;
+ Thưởng 8,0 lần mức lương cơ sở và được tặng cờ đối với danh hiệu Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng bằng chứng nhận và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở; còn cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng, Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở.
4. Mục đích của việc trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, toàn quốc:
Các đơn vị, tổ chức hoạt động thi đua với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong công tác và khích lệ sự cố gắng, cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cá nhân, tập thể.
Với những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì được khen thưởng. Để đánh giá mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân do cấp trình khen thưởng căn cứ theo quy định xem xét, đánh giá, công nhận. Việc khen thưởng là hoạt động để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất và tinh thần đối với những cá nhân, tổ chức đó.
Danh hiệu thi đua ngoài được coi là hình thức biểu dương, tôn vinh, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua còn nhằm tạo ra động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy khả năng, phát huy truyền thống yêu nước, năng động, hăng say làm việc, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
5. Nội dung tổ chức phong trào thi đua:
Căn cứ Điều 5 Thông tư 12/2019/TT-BNV quy định nội dung tổ chức phong trào thi đua thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm triển khai tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi quản lý với những vấn đề cụ thể như sau:
– Tổ chức phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, kế hoạch, nội dung, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của tập thể, cá nhân. Phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
– Triển khai vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia bằng nhiều biện pháp tuyên truyền đa dạng như thông qua đài phát thanh, các thông báo qua trang thông tin điện tử, vận động cụ thể đến từng đơn vị, … Đối với phong trào thi đua có thời gian dài thì phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng khi phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Với những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua thì thực hiện sơ kết, tổng kết khen thưởng. Tăng cường phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả để mọi người học tập phát huy và sáng tạo.
– Phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng khi tổng kết phong trào; tổng kết phải chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trên cơ sở dân chủ, khách quan công khai bình xét.