Thực trạng về ô nhiễm tiếng ồn hiện nay. Gây tiếng ồn trong đêm, sau 22h đêm bị xử phạt như thế nào? Nguyên nhân của việc gây ra tiếng ồn và biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn.
Hiện nay, trong cuộc sống sinh hoạt, vấn đền tiếng ồn quá lớn gây ảnh hưởng đến nhiều. Việc cá nhân, tổ chức không có ý thức chung hay do không hiểu biết pháp luật đã có những hoạt động không cần thiết mà gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng tinh thần cũng như đời sống hàng ngày của người dân xung quan. Vậy với hành vi gây tiếng ồn trong đêm, sau 22h đêm bị xử phạt như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Thực trạng về ô nhiễm tiếng ồn hiện nay:
Ô nhiễm tiếng ồn hiện nay có thể coi là một trong những loại ô nhiễm môi trường gây ra hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Ô nhiễm tiếng ồn được hiểu là trong một môi trường sống như sinh hoạt hàng ngày hay làm việc mà ngưỡng âm thanh vượt quy chuẩn theo quy định của pháp luật. Lấy ví dụ về quy chuẩn về tiếng ồn, mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc được quy định theo Thông tư 24/2016/TT-BYT như sau:
– Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc:
Thời gian tiếp xúc với tiếng ồn | Giới hạn cho phép mức áp suất âm tương đương (LAeq) – dBA |
8 giờ | 85 |
4 giờ | 88 |
2 giờ | 91 |
1 giờ | 94 |
30 phút | 97 |
15 phút | 100 |
7 phút | 103 |
3 phút | 106 |
2 phút | 109 |
1 phút | 112 |
30 giây | 115 |
– Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động:
Vị trí lao động | Mức áp suất âm chung hoặc tương đương không quá (dBA) | Mức áp suất âm ở các dải ốc ta với tần số trung tâm (Hz) không vượt quá (dB) | |||||||
63 | 125 | 250 | 500 | 1000 | 2000 | 4000 | 8000 | ||
1. Tại vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp | 85 | 99 | 92 | 86 | 83 | 80 | 78 | 76 | 74 |
2. Buồng theo dõi và điều khiển từ xa không có thông tin bằng điện thoại, các phòng thí nghiệm, thực nghiệm, các phòng thiết bị máy có nguồn ồn. | 80 | 94 | 87 | 82 | 78 | 75 | 73 | 71 | 70 |
3. Buồng theo dõi và điều khiển từ xa có thông tin bằng điện thoại, phòng điều phối, phòng lắp máy chính xác, đánh máy chữ. | 70 | 87 | 79 | 72 | 68 | 65 | 63 | 61 | 59 |
4. Các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch. | 65 | 83 | 74 | 68 | 63 | 60 | 57 | 55 | 54 |
5. Các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết và xử lý số liệu thực nghiệm. | 55 | 75 | 66 | 59 | 54 | 50 | 47 | 45 | 43 |
– Trường hợp nếu chưa thực hiện được các giải pháp giảm mức áp suất âm xuống dưới 85 dBA thì phải thực hiện chế độ bảo vệ thính lực cho người lao động. Trang bị bảo vệ thính lực cho người lao động phải đạt yêu cầu, cụ thể:
Mức áp âm (dBA) | Hiệu suất giảm ồn của trang bị bảo vệ thính lực (dBA) |
| 10-13 |
Từ 90 đến | 14-17 |
Từ 95 đến | 18-21 |
Từ 100 đến | 22-25 |
Từ 105 đến | ≥ 26 |
Trường hợp tiếp xúc với các mức áp suất âm thanh khác nhau trong một ca làm việc thì tổng mức tiếp xúc với tiếng ồn không được vượt quá 1.
Ô nhiễm tiếng ồn hiện nay làm ảnh hưởng rất nhiều đến thính giác cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các cá nhân, hộ gia đình khi sống trong khu vực ồn ào quá mức.
Mức độ âm thanh sẽ được đo bằng đơn vị là decibel (dB). Đối với khu vực thông thường như khu nhà ở, cơ quan hành chính thì giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép sẽ là 70 dBA (từ 6h – 21h) và 55 dBA (từ 21h – 6h). Trường hợp ở những khu vực đặc biệt như bệnh viện, nhà thờ, trường học… thì giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép sẽ là 55 dBA (từ 6h – 21h) và 45 dBA (từ 21h – 6h).
Trong các khu dân cư hiện nay, nhiều cá nhân, hộ gia đình gây ồn ào đặc biệt là vào buổi đêm, cụ thể là sau 22h, ví dụ như mở nhạc hát karaoke; hay các hộ gia đình nằm ngay cạnh các vũ trường, quán bar, các quán ăn hay quán trà đá mở dịch vụ ca nhạc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như tâm lý của mỗi người dân trong khu vực đó. Theo như khảo sát thì có tới 90% người dân sống ở đô thị ở Việt Nam phải sống trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt xa quy chuẩn về tiếng ồn.
2. Gây tiếng ồn trong đêm, sau 22h đêm bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt khi vi phạm quy định về bảo đảm yên tĩnh chung. Cụ thể là:
– Xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng:
+ Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
+ Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sau:
+ Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
– Ngoài việc bị phạt tiền như trên, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Do vậy, theo quy định trên, người nào thực hiện hành vi gây tiếng ồn trong khoảng thời gian đêm sau 22h sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Không chỉ gây ra tiếng ồn sau 22h đêm mới bị xử phạt, trường hợp cá nhân, hay tổ chức, cơ sở kinh doanh gây ra tiếng ồn vượt ngưỡng quy định của pháp luật cho phép thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP:
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA: phạt cảnh cáo.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA: phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA: phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA: phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA: phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA: phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng.
– Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên: phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
– Ngoài việc phạt tiền như trên, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng; đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng.
Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; buộc chi trả kinh phí liên quan đến trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành.
3. Nguyên nhân của việc gây ra tiếng ồn và biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn:
3.1. Nguyên nhân của việc gây ra tiếng ồn:
– Ô nhiễm tiếng ồn xuất phát từ tự nhiên:
Ví dụ thực tế ô nhiễm tiếng ồn nặng xuất phát từ hoạt động của tự nhiên như động đất, núi lửa. Hiện tượng này không xảy ra thường xuyên và đặc biệt với Việt Nam rất ít xảy ra nhưng việc này cũng có sức công phá mạnh đến hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân.
– Xuất phát do hoạt động thường ngày của con người:
Thực tế có thể kể đến những hành động thiếu ý thức của con người như bật nhạc quá lớn, đặc biệt là các quán bar, vũ trường, quán karaoke hoạt dộng đêm muộn sau 22h đêm. Các hoạt động quảng cáo qua loa đài của các cửa hàng kinh doanh.
Ngoài ra còn kể đến tiếng cãi chửi nhau của người dân, tiếng la hét hay tiếng kêu của động vật xung quanh nhà,…
– Xuất phát từ các phương tiện giao thông:
Ngày nay, phương tiện lưu thông trên đường chủ yếu là xe máy, xe ô tô… mức độ lưu thông ngày càng dày đặc và từ đó, tiếng ồn của động cơ xe chính là nguyên nhân tạo ra tiếng ồn, đặc biệt là những hộ gia đình sinh sống ngoài mặt đường lớn.
3.2. Biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay:
Nếu như cá nhân, hộ gia đình sinh sống tại các khu vực gây tiếng ồn thì nên có những biện pháp sau để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn:
– Sử dụng nút bịt tai: Hiện nay, trên thị trường có bán những nút bịt tai nhỏ gọn nhằm mục đích chống tiếng ồn khi đi ngủ, khi học tập,… để giảm thiểu tiếng ồn bên ngoài.
– Các hộ gia đình, cá nhân khi sinh sống có thể sử dụng các rào chắn tiếng ồn, hạn chế lưu lượng xe lưu thông trên đường phố,… Đặc biệt, cá nhân khi đi xe nên hạn chế sử dụng còi khi không cần thiết. ‘
– Cơ quan ban ngành chức năng phải có những chế tài xử lý nghiêm khắc với những hành vi đua xe, nẹt bô ngoài đường; hành vi hát hò,… vào buổi đêm sau 22h.