Thủ tục hải quan là trình tự bắt buộc khi muốn xuất, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật. Trong đó, việc nộp phí, lệ phí hải quan là một trong những điều kiện để thông quan hàng hóa. Lệ phí hải quan là gì? Hiện nay, pháp luật quy định về mức thu phí, lệ phí hải quan là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Lệ phí hải quan là gì?
Lệ phí hải quan được hiểu là số tiền doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa phải trả cho việc chuẩn bị chứng từ, phí vận chuyển xuất nhập khẩu hoặc các chi phí nhỏ phát sinh liên quan đến dịch vụ. Ngày nay, do tính tiện lợi và chi phí phù hợp với các doanh nghiệp nên lệ phí hải quan ngày càng phát triển.
Doanh nghiệp có quyền lựa chọn địa điểm thanh toán phí, lệ phí hải quan, bao gồm:
– Nộp phí, lệ phí hải quan tại Chi cục Hải quan;
– Nộp phí, lệ phí hải quan tại kho bạc nhà nước có tài khoản do Chi cục Hải quan mở;
– Thanh toán phí, lệ phí hải quan bằng chuyển khoản qua các Ngân hàng thương mại;
– Nộp phí, lệ phí hải quan tại cơ quan Hải quan.
2. Mức phí, lệ phí hải quan phải nộp:
Theo Điều 4 Thông tư 14/2021/TT-BTC quy định mức thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh được tính dựa trên Biểu mức thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh ban hành kèm theo Thông tư này và có những thay đổi so với quy định trước.
Cụ thể mức phí, lệ phí hải quan theo Biểu mức thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh được ban hành kèm theo Thông tư 14/2021/TT-BTC quy định như sau:
Số TT | Nội dung thu | Mức thu |
1 | Phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh | 20.000 đồng/tờ khai |
2 | Phí hải quan kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ | 200.000 đồng/01 đơn |
3 | Phí hải quan cấp sổ ATA | 1.000.000 đồng/sổ |
4 | Phí hải quan cấp lại sổ ATA | 500.000 đồng/sổ |
3 | Lệ phí đối với hàng hoá quá cảnh | 200.000 đồng/tờ khai |
4 | Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường bộ (gồm: ô tô, đầu kéo, máy kéo) | 200.000 đồng/phương tiện |
5 | Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, đầu kéo, xà lan) | 500.000 đồng/phương tiện |
3. Các trường hợp được miễn thu phí, lệ phí hải quan:
Khi thực hiện thủ tục hải quan bắt buộc phải nộp phí, lệ phí hải quan. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp được miễn thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2021/TT-BTC đối với tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải trong các trường hợp sau được miễn thu phí, lệ phí:
– Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân (được miễn thuế trong định mức theo quy định); hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hành lý mang theo người.
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam hoặc hàng hóa có trị giá từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống.
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tổng số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới 50.000 Việt Nam đồng Việt Nam cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá hải quan dưới 500.000 đồng Việt Nam.
– Hàng hóa trao đổi, mua bán của cư dân biên giới trong định mức theo quy định.
– Phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới được quản lý theo phương thức không quản lý bằng tờ khai, mở sổ theo dõi.
– Hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh mà theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết của Chính phủ Việt Nam được miễn phí, lệ phí.
4. Người nộp và tổ chức thu lệ phí thủ tục hải quan:
4.1. Người nộp phí, lệ phí hải quan:
– Những người nộp phí hải quan bao gồm:
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh thì tổ chức, cá nhân thực hiện khai và nộp tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
+ Đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA);
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về hải quan thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ hoặc người được ủy quyền hợp pháp nộp đơn đề nghị cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan.
– Người nộp lệ phí gồm: tổ chức, cá nhân khai và nộp tờ khai đối với hàng hóa, phương tiện quá cảnh Việt Nam.
4.2. Tổ chức thu phí, lệ phí hải quan:
– Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thu phí và lệ phí hải quan gồm: cơ quan hải quan nơi làm thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan nơi tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhận thấy có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
– Việc tổ chức thu phí, lệ phí hải quan được cơ quan hải quan ủy nhiệm thu phí, lệ phí (bao gồm cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thu phí hải quan đối với cấp sổ ATA).
5. Thủ tục nộp tiền phí, lệ phí hải quan vào ngân sách nhà nước:
5.1. Thành phần và số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ bao gồm: Chứng từ nộp ngân sách nhà nước hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc yêu cầu người nộp ngân sách nhà nước nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
– Số lượng hồ sơ:
+ Trường hợp nộp theo phương thức trực tiếp: 01 bản gốc chứng từ nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên nếu nộp trực tiếp tại ngân hàng nhưng chưa tham gia phối hợp thu ngân sách nhà nước với các cơ quan trong ngành tài chính thì cần lập 02 bản gốc chứng từ nộp ngân sách nhà nước hoặc 01 bản chính/01 bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc yêu cầu người nộp ngân sách nhà nước nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
+ Trường hợp thực hiện nộp theo phương thức điện tử: 01 chứng từ nộp ngân sách nhà nước được lập trên các chương trình ứng dụng tại Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc hệ thống ứng dụng thanh toán điện tử tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc của ngân hàng.
5.2. Trình tự thực hiện:
– Trường hợp nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử:
+ Trường hợp nộp ngân sách nhà nước qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế: để lập chứng từ nộp ngân sách nhà nước, xác nhận chấp nhận nộp tiền và gửi chứng từ nộp ngân sách nhà nước tới cơ quan quản lý thuế theo phương thức điện tử thì người nộp ngân sách nhà nước cần sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cơ quan quản lý thuế cấp đăng nhập vào hệ thống nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
+ Trường hợp nộp ngân sách nhà nước qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia: người nộp ngân sách nhà nước thực hiện các bước tiếp theo tương tự như trường hợp nộp ngân sách nhà nước qua Cổng thông tin điện tử sau khi đã đăng nhập thành công vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
+ Trường hợp nộp ngân sách nhà nước qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán: để đăng nhập vào hệ thống ứng dụng thanh toán điện tử tương ứng của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (như ATM, Internet Banking, Mobile Banking hoặc các hình thức thanh toán điện tử khác) thì người nộp ngân sách nhà nước sử dụng tài khoản có tên và mật khẩu truy cập do ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp; sau đó, người nộp cần lập chứng từ nộp ngân sách nhà nước theo chỉ dẫn trên hệ thống ứng dụng thanh toán điện tử của từng hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
– Trường hợp nộp ngân sách nhà nước theo phương thức nộp trực tiếp:
+ Người nộp ngân sách nhà nước lập chứng từ nộp ngân sách nhà nước hoặc gửi trực tiếp tới Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng hoặc cơ quan thu các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc yêu cầu nộp tiền vào ngân sách nhà nước để làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước.
+ Nơi người nộp làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước thì kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan thu kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước hoặc các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc yêu cầu người nộp ngân sách nhà nước nộp tiền vào ngân sách nhà nước, kiểm tra số dư tài khoản của người nộp ngân sách nhà nước (nếu có). Sau đó, làm thủ tục thu tiền mặt từ người nộp và cấp chứng từ nộp ngân sách nhà nước cho người nộp ngân sách nhà nước.
+ Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng hoặc cơ quan thu (nơi người nộp làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước)
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư 14/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 02 năm 2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh;
– Thông tư 184/2015/TT-BTC quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.