Các loại biển báo cấm xe tải ? Nhận biết biển báo cấm xe tải và ý nghĩa của từng biển báo? Những loại phương tiện được lưu thông ở đoạn đường bị cấm tải? Vì sao có những tuyến đường lại cấm xe tải? Vi phạm biển báo cấm xe tải bị phạt như thế nào?
Để hạn chế hoạt động của xe tải, theo quy định của luật giao thông đường bộ Việt Nam một số đoạn đường đã được bố trí thêm biển báo cấm xe tải. Hiện nay, có nhiều biển báo cấm xe tải mà nhiều người tham gia giao thông vẫn còn những nhầm lẫn không biết đâu là biển báo cấm xe tải 5 tấn hay đâu là biển cấm xe tải trên 3.5 tấn hoặc những biển báo cấm khác theo quy định. Việc nắm rõ các quy định về biển báo cấm với các xe tải có ý nghĩa quan trọng với các tài xế nhằm tránh bị xử phạt vi phạm khi đi vào các cung đường có biển báo cấm xe tải. Vậy các biển báo cấm xe tải nào cần nhớ? Nếu vi phạm, người điều khiển xe tải sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ;
–
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Các loại biển báo cấm xe tải:
Theo QCVN:41/2019/ BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có quy định nhiều loại biển cấm mà tài xế cần biết.
Nhóm biển báo cấm có mã P (cấm) để biểu thị các điều cấm. Người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm mà biển đã báo, không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Một số biển báo cấm xe tải phổ biến hay gặp như:
– Biển số P.106 (a,b): Biển cấm xe ôtô tải;
– Biển số P.106c: Biển cấm các xe chở hàng nguy hiểm;
– Biển số P.107: Biển cấm xe ôtô khách và xe ôtô tải.
2. Nhận biết biển báo cấm xe tải và ý nghĩa của từng biển báo:
Đặc điểm chung của các biển báo cấm xe tải là các biển đều có dạng hình tròn, viền màu đỏ, nền màu trắng, hình vẽ bên trong có màu đen, riêng biển P.106c hình vẽ có màu cam. Cụ thể:
2.1. Biển số P.106a Cấm xe ô tô tải:
Biển báo cấm xe tải số hiệu 106a có hình dạng: Hình tròn với viền màu đỏ bên ngoài và nền trắng phía trong. Có một vạch kẻ đỏ kéo dài từ góc dưới bên phải lên góc trên bên trái. Ở giữa nền trắng có in hình một chiếc xe tải màu đen. Biển báo này thường xuất hiện ở những đoạn đường hẹp, được đặt trên các tuyến đường nội đô thị hay có đặt trên đoạn cầu yếu để tránh việc ùn tắc giao thông.
Biển báo cấm ô tô tải có hiệu lực cấm không chỉ với ô tô tải mà có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng khi đi vào đường đặt biển số P.106a. Trước đây, theo quy chuẩn 41/2016/BGTVT ô tô tải được hiểu là những loại xe ô tô có khối lượng chuyên chở từ 1.5 tấn trở lên dùng cho mục đích chở hàng, trong đó, khối lượng chuyên chở là tổng khối lượng của toàn bộ hàng hóa, khối lượng đồ vật, người ngồi trên xe, không kể tới khối lượng bản thân xe.
Hiện nay, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành thay thế cho quy chế cũ thì theo Khoản 3.25 Điều 3 xe ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) được hiểu là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô rơ mooc và các loại xe tương tự như xe PICK UP, xe tải VAN với khối lượng cho phép chuyên chở hàng cho phép khi tham gia giao thông từ 950kg trở lên. Như vậy, theo quy chuẩn mới xe tải không còn quy định là trên 1,5 tấn và dưới 1,5 tấn không còn được xem là xe con khi tham gia giao thông. Như vậy, những xe tải dưới 1,5 tấn không được xem là xe con khi tham gia giao thông sẽ bị cấm chạy vào làn đường dành riêng cho xe con kể từ ngày 1/7/2020.
Lưu ý: Ngoài ra, đối với các khu vực cấm xe tải theo giờ thì các xe tải này cũng không được đi vào khu vực cấm, bắt buộc phải tuân thủ biển báo cấm xe tải trên một số tuyến đường mà có đặt biển cấm P.106a.
2.2. Biển báo P.106 b Cấm xe ô tô tải:
Biển báo này dùng để báo đoạn đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy đăng kiểm xe) lớn hơn một giá trị nhất định. Biển này có dạng hình tròn với viền màu đỏ bên ngoài và nền trắng phía trong. Có một vạch kẻ đỏ kéo dài từ góc dưới bên phải lên góc trên bên trái, ở giữa nền trắng có in hình một chiếc xe tải màu đen và chữ số màu trắng trên hình xe tải với ký hiệu chữ và số trên thùng xe là 2,5T = 2,4 tấn, 5T = 5 tấn, …. Biển này có hiệu lực cấm đối với các xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn giá trị chữ số ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ chiếc xe tải màu đen). Ngoài ra, biển P.106b cấm cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng có khối lượng chuyên chở theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đi vào đoạn đường đặt biển này. Vị trí thường đặt biển báo này thường được đặt tại những nơi cầu cống đã xuống cấp.
Biển số P.106b cấm ô tô tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn số ghi trên biển. Để biết được xe có được đi hay không thì người lái xe cần cần cứ vào khối lượng chuyên chở theo Giấy chứng nhận kiểm định xe ô tô tải.
– Nếu lớn hơn giá trị ghi trên biển thì người lái xe không được đi vào đoạn đường có biển này;
– Nếu nhỏ hơn hoặc bằng giá trị ghi trên biển thì người lái xe được đi vào đoạn đường này.
Ví dụ biển ghi số 2,5T tức là biển báo cấm xe tải 2,5 tấn, nếu xe tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 2,5 tấn thì không được đi vào làn đường này, không kể khối lượng bản thân xe tải đó bao nhiêu.
2.3. Biển báo P.106 c Cấm xe tải chở hàng nguy hiểm:
Biển báo cấm xe tải chở hàng nguy hiểm có hình tròn viền đỏ, nền trắng, có vạch đỏ kéo dài từ góc dưới bên phải lên góc trên bên trái; ở giữa của biển có in hình phía sau một chiếc xe tải màu cam. Hàng nguy hiểm cấm chở ở đây được hiểu là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm mà có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người cũng như môi trường, an toàn và an ninh quốc gia khi vận chuyển chẳng hạn như các chất nổ; các chất dễ cháy, các chất và vật liệu nổ công nghiệp, lây nhiễm, ăn mòn, phóng xạ, …
2.4. Biển số P.107 Cấm xe ôtô khách và xe ôtô tải:
Biển báo cấm ô tô tải và ô tô chở khách có hình dạng tròn viền màu đỏ, nền màu trắng, có vạch màu đỏ kéo dài từ góc dưới bên phải lên góc trên bên trái; ở 2 bên vạch đỏ có in hình chiếc xe tải và xe khách màu đen. Đặt biển số P.107 “Cấm xe ô tô khách và xe ô tô tải để báo đường cấm xe ô tô chở khách và các loại xe ô tô tải kể cả các loại máy kéo và xe máy chuyên dùng đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định như xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương làm nhiệm vụ, …
3. Những loại phương tiện được lưu thông ở đoạn đường bị cấm tải:
Những phương tiện sau đây có thể lưu thông bình thường trong những đoạn đường có gắn biển cấm tải:
– Xe tải trực thuộc ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông đang trên đường làm nhiệm vụ;
– Xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy;
– Xe tang;
– Xe tải van nhiều hơn 5 chỗ;
– Xe bán tải nhỏ có khối lượng dưới 500kg (5 tạ) .
4. Vì sao có những tuyến đường lại cấm xe tải?
Nhiều tuyến đường cấm xe tải để đảm bảo thuận tiện và an toàn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông. Bởi xe tải là loại xe có khối lượng lớn, chuyên chở các loại hàng hóa, di chuyển với tốc độ nhanh. Hiện nay, nhiều tuyến đường nội đô thị có mật độ tham gia giao thông cao thường xảy ra tình trạng ùn tắc. Chính vì vậy, nếu xe tải hoạt động thường xuyên ở những tuyến đường như thế này sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn và mất an toàn cho những người tham gia giao thông.
Mục đích của việc cấm xe tải còn để bảo vệ các tuyến đường ngoài lý do an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông. Bởi nhiều tuyến đường được thiết kế thi công chỉ chịu được trọng tải nhẹ trong khi xe tải đều là các dòng xe chuyên chở hàng hóa nặng nên có thể gây thiệt hại làm phá hủy kết cấu đường.
5. Vi phạm biển báo cấm xe tải bị phạt như thế nào?
Các biển cấm xe tải bắt buộc người tham gia giao thông phải chấp hành. Vì vậy, nếu thấy cắm biển cấm xe tải mà tài xế vẫn cho xe tải, máy kéo, xe máy chuyên dùng bị cấm đi vào thì có thể bị phạt xử phạt vi phạm giao thông về lỗi đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, tùy vào phương tiện vi phạm mà người điều khiển xe ô tô tải có thể bị phạt theo các mức sau đây:
5.1. Với ô tô tải:
+ Khi đi vào đường có biển cấm xe tải thì bị phạt từ 02 – 03 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. (Theo điểm b khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5);
+ Khi đi vào đường có cắm biển cấm xe tải gây tai nạn: Phạt 10 – 12 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng. (Theo điểm a khoản 7 và điểm c khoản 11 Điều 5).
5.2. Với máy kéo, xe máy chuyên dùng:
+ Đi vào đường có cắm biển cấm xe tải: Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 01 – 03 tháng. (Theo điểm b khoản 3 và điểm a khoản 10 Điều 7);
+ Đi vào đường có cắm biển cấm xe tải gây tai nạn: Phạt 06 – 08 triệu đồng + Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 – 04 tháng. (Theo Điểm a khoản 7 và điểm b khoản 10 Điều 7).