Cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan là gì? Thực trạng cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan hiện nay tại Việt Nam. Xử phạt hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan được quy định như thế nào?
Cò mồi, bảo kê, lợi dụng mê tín dị đoan là những hành vi vi phạm pháp luật, phá huỷ những quy tắc, chuẩn mực, đạo đức xã hội Việt Nam. Đây là những hành vi cần được bài trừ và loại bỏ sớm khỏi xã hội để không gây lệch lạc trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người Việt Nam. Vậy đối với hành vi cò mồi, bảo kê, lợi dụng mê tín dị đoan thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tổng đài Luật sư
Căn cứ pháp lý:
–
–
– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Mục lục bài viết
1. Cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan là gì?
Pháp luật hiện hành chưa có một quy định cụ thể nào về khái niệm cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan. Tuy nhiên đây là những hành vi diễn ra thường xuyên và phổ biến trên thực tế nên có thể hiểu được thế nào là cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan. Cụ thể như sau:
– Cò mồi được hiểu là kẻ chuyên dẫn dắt, mồi chài, lôi kéo người khác vào những chiêu trò bịp bợm, lừa đảo, trái với đạo đức xã hội và pháp luật.
– Bảo kê là hành vi bảo vệ cho những hoạt động không lành mạnh. Hành vi bảo kê là để bảo đảm cho những hoạt động trái chuẩn mực đạo đức, trái quy định của pháp luật được hoạt động trong xã hội.
– Mê tín dị đoan được hiểu là sự tin tưởng một cách mê muội vào những điều hoang đường, không thực tế, trái ngược với tự nhiên và không có cơ sở khoa học. Mặc dù mê tín dị đoan không phải là tình trạng mới xuất hiện trong đời sống xã hội, song vẫn có không ít cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, núp bóng tâm linh để trục lợi, tạo ra những ảnh hưởng xấu cho mọi người và xã hội.
Như vậy, cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan là những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuy được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, tính chất hành vi khác nhau nhưng lại có sự liên kết với nhau. Hành vi cò mồi là để lôi kéo, dẫn dắt người khác vào mê tín dị đoan. Còn hành vi bảo kê được thực hiện để bảo vệ cho hành động mê tín dị đoan, hành động theo đuổi, truyền bá tín ngưỡng không được nhà nước cho phép.
2. Thực trạng cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan hiện nay tại Việt Nam:
Mê tín dị đoan không phải là hiện tượng mới diễn ra mà đã diện ra từ lâu và có xu hướng gia tăng, phổ biến rộng trong toàn xã hội. Mê tín dị đoan được thực hiện dưới các hình thức như bói toán, tin vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học như chữa bệnh bằng bùa ngải, phù phép…Đánh vào tâm lý tò mò của mọi người và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, mê tín dị đoan ngày càng được mở rộng hoạt động.
Trước đây, mê tín dị đoan thường xảy ra trong đời sống và phổ biến nhiều trong thời gian lễ hội như mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mê tín dị đoan diễn ra cả ở không gian mạng, hoạt động mê tín dị đoan đang dần lấn chiếm trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Không chỉ được thể hiện qua các trang web phục vụ cho hoạt động mê tín dị đoan mà khi sử dụng mạng xã hội chúng ta dễ dàng gặp được những livestream xem bói, truyền bá những tín ngưỡng khác xa với khoa học, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam. Hơn nữa, mạng xã hội ngày nay rất phát triển nên tiếp cận được với nhiều độ tuổi. Thực tế cho thấy nhiều trẻ em sử dụng mạng xã hội để xem những video nhưng vô tình xem những video, livestream truyền bá mê tín dị đoan và dần dần bị cuốn theo những tín ngưỡng sai lệch đó. Như vậy, có thể thấy đồng hành với sự phát triển của nền công nghệ 4.0 là sự phát triển của hoạt động mê tín dị đoan và nguy hiểm hơn là nó tác động được đến mọi độ tuổi.
Để đảm bảo cho hoạt động mê tín dị đoan được diễn ra suôn sẻ và hoạt động được trên mọi nền tảng thì đằng sau đó là sự giúp sức của những người làm hoạt động cò mồi, bảo kê. Có thể thấy khi đến các lễ hội, đền chùa có rất nhiều đối tượng lôi kéo, mồi chài khách tham quan đến với hoạt động mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng khác lôi kéo mọi người xem livestream, tham gia các hội nhóm chuyên hoạt động mê tín dị đoan.
3. Xử phạt hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan được quy định như thế nào?
Cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan là những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, đặc biệt là hành động mê tín dị đoan. Nếu mê tín dị đoan được hoạt động để trục lợi, kiếm tiền bất hợp pháp thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan tuy không phải là những hành vi giống nhau nhưng liên kết với nhau để thực hiện hành vi lừa đảo người dân tin theo hoạt động mê tín dị đoan để kiếm tiền thu lợi bất chính. Theo đó, tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi mà hành vi cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể các hình thức xử phạt như sau:
3.1. Xử lý vi phạm hành chính:
Thứ nhất, đối với hành vi cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan với mục đích để lôi kéo người khác tham gia vào hoạt động mê tín dị đoan có thể bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác để trục lợi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi cò mồi, bảo kê và mê tín dị đoan để phục vụ cho hoạt động mê tín dị đoan thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, người có hành vi này phải thực hiện biện khắc phục hậu quả, buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi nêu trên.
Thứ hai, mê tín dị đoan là hành vi gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đối với hành vi lợi dụng lễ hội để tham gia hoạt động mê tín dị đoan thì bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan được thực hiện dựa trên việc lợi dụng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Do đó, tuỳ từng mức độ của hành vi mà bị xử lý vi phạm hành chính với khoản tiền phạt cụ thể.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan nếu được thực hiện với tính chất phức tạp, có tính toán kỹ lưỡng và gây nguy hiểm cho xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.
Tuỳ vào mục đích của hành vi mà truy cứu trách nhiệm hình sự theo từng tội danh cụ thể. Có những nhóm người có hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cũng có nhiều trường hợp thực hiện hành vi trên để nhằm mục đích giết người bằng mê tín dị đoan…Theo đó, cụ thể từng trường hợp được quy định như sau:
Thứ nhất, hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định này thì người nào thực hiện các hình thức mê tín, dị đoan như bói toán, đồng bóng… đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan nhưng chưa được xoá án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng tuỳ mức độ của tội phạm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thứ hai, hành vi cò mồi, bảo kê, mê tín dị đoan được thực hiện với những mục đích gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 320 và các tội danh cụ thể khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
– Thực hiện hành vi với mục đích thu lợi bất chính. Đối với việc sử dụng hoạt động mê tín dị đoan để thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 320 nêu trên. Tuy nhiên, tuỳ vào mục đích sâu xa hơn thì đối tượng có hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành.
– Thực hiện hành vi với mục đích giết , làm chết người. Đối với việc sử dụng hoạt động mê tín dị đoan để làm chết người thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 320 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, nếu hành vi được lên kế hoạch từ trước để giết một người cụ thể hoặc cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự hiện hành.
– Thực hiện hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 320 nêu trên. Tuy nhiên cũng có thể bị xử phạt về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật hiện hành.