Quy định pháp luật về sĩ số các bậc giáo dục? Xử phạt với hành vi sai phạm về quy định sĩ số lớp học? Những lợi ích của việc quy định sĩ số lớp học các bậc giáo dục?
Tại các trường Việt Nam, sĩ số một lớp học có thể từ 40-50 học sinh, gây trở ngại cho chất lượng giảng dạy và học tập. Một thầy cô giáo của một lớp học không thể quan tâm cũng như có sự tương tác được với toàn bộ học sinh trong một tiết học như vậy, số lượng học sinh quá đông đảo có thể khiến không gian học tập trờ nên nhỏ hẹp các bé có thể dễ bị xao nhãng bởi các bạn xung quanh. Trong cuốn sách “The class size debate – is smaller better?” (Tranh luận về quy mô lớp học – Nhỏ hơn có tốt hơn?) phát hành năm 2003 của giáo sư Peter Blatchford làm việc tại Viện Giáo dục thuộc Đại học London, kết quả của cuộc nghiên cứu nêu rõ: “trong cả môn đọc và môn toán, học sinh trong các lớp học nhỏ đạt kết quả cao hơn rõ rệt so với các học sinh trong các lớp thường (quy mô lớn hơn)”.Kết quả này đến từ việc giáo viên trong lớp học có sĩ số thấp dễ dàng quan sát khả năng tiếp thu của từng em thông qua biểu cảm gương mặt và thái độ học tập của các em; và với lớp học nhỏ, giáo viên có nhiều thời gian và cơ hội tiếp xúc với từng học sinh – điều này khó thực hiện trong các lớp học đông học sinh hơn. Ở các nước phát triển, sĩ số lớp học là một trong những yếu tố quan trọng khi phụ huynh lựa chọn trường cho con.
Căn cứ pháp lí:
– Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT;
– Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT;
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về sĩ số các bậc giáo dục:
a) Sĩ số lớp học cấp tiểu học:
Tại Điều 16 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học như sau:
– Mỗi lớp học do 01 giáo viên chủ nhiệm phụ trách và có không quá 35 học sinh.
– Đối với mỗi lớp học hoà nhập thì có không quá 02 học sinh khuyết tật, trong trường hợp đặc biệt, căn cứ vào điều kiện thực tế thì hiệu trưởng để sắp xếp thêm học sinh khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo những học sinh khuyết tật có khả năng và có nhu cầu đều được đi học.
Có thể tổ chức lớp ghép tại những địa bàn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Số lượng học sinh và số nhóm trình độ trong một lớp phải phù hợp với điều kiện của nhà trường và năng lực dạy học của giáo viên.
Một lớp ghép có không quá 02 nhóm trình độ, trường hợp đặc biệt sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng cũng không quá 03 nhóm trình độ. Sĩ số lớp ghép có không quá 15 học sinh, để đảm bảo các học sinh đều được quan tâm.
Lớp học có lớp trưởng và các lớp phó quan lý và phụ trách công việc cho lớp. Học sinh trong lớp cần được chia nhỏ để dễ quan lí và kiểm tra giám sát: chia thành các tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó. Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó là do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu. Tạo sự công bằng bình đẳng và làm theo nguyện vọng của học sinh.
Đồng thời, được học sinh trong lớp, trong tổ bầu chọn và luân phiên trong năm học. Như vậy có thể thay thế những bạn làm chưa tốt cũng như tạo cơ hội cho các bạn mới tham gia vào quản lí công việc lớp.
Đối với các lớp cùng trình độ được lập thành khối lớp để phối hợp trong các hoạt động chung, ví dụ như tham gia đại hội thể thao, thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay cấp huyện. Tỉ lệ học sinh nam, học sinh nữ và sĩ số lớp học phải được cân đối giữa các lớp trong khối lớp.
b) Sĩ số lớp học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông
Theo Điều 16 Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp, bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không vượt quá 45 học sinh.
Trong đó, cũng như sĩ số các lớp tiểu học, mỗi lớp trung học đều có lớp trưởng và các lớp phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, sẽ tổ chức các cuộc bầu chọn vào đầu năm học hoặc sau mỗi học kỳ.
Mỗi lớp học được chia thành nhiều tổ học sinh; mỗi tổ có tổ trưởng và tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong tổ bầu chọn vào đầu năm học hoặc sau mỗi học kỳ. Nhằm mục đích quản lí kiểm tra giám sát việc học tập hay thi đua giữa các tổ lành mạnh và có hiệu quả.
Lưu ý: Riêng đối với số học sinh trong mỗi lớp học của trường chuyên biệt được quy định trong quy chế của trường chuyên biệt.
2. Xử phạt với hành vi sai phạm về quy định sĩ số lớp học:
Quy định về số học sinh tối đa trong một lớp học đặt ra nhằm tạo điều kiện, môi trường học tập phù hợp, thoải mái cho học sinh. Nếu nhà trường bố trí số lượng học sinh trong một lớp học vượt quá mức quy định trên sẽ bị phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định
– Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng khi vượt quá mức quy định dưới 15%;
– Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 15% đến dưới 30%;
– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 30% trở lên.
Đồng thời, buộc phải bố trí số lượng học sinh trong một lớp học đúng quy định đối với hành vi vi phạm.
Từ 12/12/2022, mức phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học áp dụng theo Điều 14 Nghị định 88/2022/NĐ-CP như sau:
– Từ 03 – 05 triệu đồng nếu vượt quá quy mô lớp học từ 30 – 50%;
– Từ 05 – 10 triệu đồng nếu vượt quá quy mô lớp học 50% trở lên.
3. Những lợi ích của việc quy định sĩ số lớp học các bậc giáo dục:
3.1. Mối liên hệ giữa quy mô lớp học và thành tích học sinh:
Theo viện nghiên cứu khoa học Brookings đã xem xét và thừa nhận kết quả trong một cuộc thí nghiệm rằng việc giảm 32% sỹ số lớp học đã tăng thành tích học sinh, giúp các em đó có lợi thế thành tích tương đương với chỉ ba tháng học so với ban đầu. Một số kết quả dài hạn của các học sinh tham gia các lớp học quy mô nhỏ hơn là vô cùng tích cực. Có thể kể đến như: Cấp độ thành tích học sinh cao hơn trong các lớp học ngôn ngữ, đọc, khoa học, toán. Báo cáo cho thấy tích cực hơn về việc tham gia học tập. Bảng điểm cho thấy học sinh học lớp nhỏ hơn có nhiều khả năng tốt nghiệp trung học, trung học phổ thông vượt trội hơn. Những kết quả này chứng minh rằng thực tế có nhiều lợi ích hơn của việc tổ chức một lớp học với sĩ số giới hạn.
Từ những ví dụ được đề cập, sự thay đổi kích cỡ lớp học cung cấp kết quả tích cực. Quy mô lớp học nhỏ mang lại cho cả giáo viên và học sinh một số lợi ích dẫn đến chất lượng học sinh tăng trưởng. Cụ thể là lợi ích của việc giới hạn sĩ số học sinh trong 1 lớp học nguồn gốc từ những điều sau:
3.2. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên tốt hơn:
Đối với một học sinh, sự chú ý vào cá nhân của họ có thể tạo ra sự phát triển hiệu quả và khác biệt giữa các kỹ năng. Nhờ vào các lớp học nhỏ hơn, học sinh có thể thiết lập mối quan hệ vững chắc hơn với người hướng dẫn của họ và giáo viên.
Giáo sư giáo dục Tyrone Howard cho biết sự tin tưởng vào giáo viên sẽ tăng cường trí tò mò và niềm ham thích học tập của của học sinh. Nhờ mối quan hệ đó, cả học sinh và giáo viên có thể cùng nhau kiến tạo kết quả tốt hơn đến với chất lượng giáo dục.
3.3. Tương tác lớp học liên tục:
Trong các lớp học lớn, mỗi cá nhân có xu hướng tương tác với những người mà chúng quen biết. Trong các lớp học nhỏ hơn, học sinh sẽ tham gia với nhau và hình thành các nhóm gắn kết, hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau.
Khi cảm thấy thoải mái và hòa đồng hơn với tất cả các bạn đồng trang lứa và giáo viên của họ, học sinh sẽ hợp tác tham gia tích cực hơn khi đặt câu hỏi trong lớp. Điều này giúp học sinh ít “tụt lại” phía sau, khoogn cảm thấy ngại ngần trước lớp và khuyến khích các em tham gia vào việc học hơn.
3.4. Hướng dẫn đúng chuẩn xác hơn:
Giáo viên cần xác định các vấn đề cụ thể mà mỗi học sinh mắc phải để đưa ra cách giải quyết hiệu quả. Trong các lớp học lớn, đây có thể là một thách thức đối với các nhà giáo dục, không phải vì hướng dẫn của họ sai mà vì họ không có đủ điều kiện để thực hiện điều đó.
Quy mô lớp học nhỏ hoạt động một cách tuyệt vời, giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn với mỗi học sinh, điều chỉnh việc giảng dạy cho các học sinh cụ thể phụ thuộc vào khả năng và cải thiện kết quả học tập.
3.5. Chủ đề có thể được khám phá chuyên sâu:
Quy mô lớp học nhỏ sẽ giảm thời gian cho việc ổn định trật tự lớp học, nghĩa là họ có nhiều thời gian hơn cho việc giảng dạy. Với ít học sinh hơn trong lớp học, giáo viên có thể khám phá các chủ đề chuyên sâu và mở rộng về các chủ đề mà học sinh thực sự quan tâm.
Khi giáo viên có nhiều thời gian hơn để thu hút tất cả học sinh của mình một cách nhất quán, học sinh có thể sẽ được giáo dục sâu hơn về nhiều chủ đề. Câu hỏi và sự hiếu kỳ có thể hỗ trợ giáo viên đi sâu vào một chủ đề, học sinh cũng có thể dễ tiếp thu bài học thông minh.
Quy mô lớp học nhỏ cho phép giáo viên giảm thời gian cho việc ổn định kỷ luật và trật tự lớp học
Hiểu được tầm quan trọng của việc tổ chức lớp học trong nền giáo dục, sĩ số lớp học giới hạn là một trong những điểm nổi bật trong cách tổ chức lớp học hiệu quả. Tất cả nhằm tạo điều kiện tốt nhất, phát triển toàn diện cho học sinh ngay cả hiện tại và sẵn sàng cho tương lai.