Quy định về tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt. Hình phạt tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt. Trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi giết người chưa đạt thì xử lý thế nào? Phân biệt tội giết người chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Mạng sống của con người được pháp luật bảo vệ và không ai có quyền xâm phạm đến tính mạng của người khác. Nếu thực hiện hành vi giết người được pháp luật quy định chế tài xử lý rất nghiêm minh, vậy trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người nhưng phạm tội chưa đạt thì xử lý như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt:
- 2 2. Hình phạt tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt:
- 3 3. Trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi giết người chưa đạt thì xử lý thế nào:
- 4 4. Phân biệt tội giết người chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
1. Quy định về tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt:
Căn cứ tại Điều 15
Do vậy, tội giết người chưa đạt là hành vi cố ý giết người nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân đến từ khách quan nằm ngoài ý muốn. Về mặt hậu quả thì phạm tội giết người chưa đạt cũng chưa gây ra được hậu quả làm thiệt hại đến tính mạng của người khác.
Về mặt bản chất, phạm tội giết người chưa đạt phải đáp ứng được những điều kiện sau:
– Thứ nhất, người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội, những hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội giết người. Cụ thể là những hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt sự sống. Ví dụ như chuẩn bị lửa và đã đốt nạn nhân hoặc có chuẩn bị dao và đâm vào người nạn nhân;…
– Thứ hai, người phạm tội thực hiện hành vi giết người nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra.
– Thứ ba, người phạm tội có mong muốn thực hiện hành vi giết người đó đến cùng và dẫn đến hậu quả nạn nhân sẽ chết nhưng do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn mà nạn nhân chưa chết. Có thể kể đến nguyên nhân như sau:
+ Có người khác ngăn cản.
+ Nạn nhân tự chống cự và thoát được hoặc đã tránh được.
+ Hoặc do cứu chữa kịp thời.
Thời điểm của phạm tội chưa đạt là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm giết người hoặc hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Còn thời điểm kết thúc của phạm tội chưa đạt là thời điểm hành vi phạm tội phải dừng lại khi nó chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan của cấu thành tội giết người.
2. Hình phạt tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt:
Theo Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về việc xác định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:
– Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt sẽ được quyết định theo các điều của Bộ luật Hình sự về các tội tương ứng và sẽ tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
– Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, mức hình phạt quy định như sau:
+ Nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm.
+ Còn nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Và đối với tội giết người với lỗi cố ý nhưng phạm tội chưa đạt hình phạt sẽ căn cứ dựa vào Điều 123 quy định tội giết người. Cụ thể là:
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng trong trường hợp:
+ Giết 02 người trở lên.
+ Giết người dưới 16 tuổi.
+ Giết phụ nữ mà biết là có thai.
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác.
+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ.
+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp.
+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.
+ Thuê giết người hoặc giết người thuê.
+ Có tính chất côn đồ.
+ Có tổ chức.
+ Tái phạm nguy hiểm.
+ Vì động cơ đê hèn.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: nếu thực hiện hành vi phạm tội không thuộc các trường hợp theo quy định như trên.
– Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: trường hợp người nào chuẩn bị phạm tội.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Do vậy, theo quy định trên thì nếu như giết người phạm tội chưa đạt sẽ bị phạt tù không quá 20 năm; nếu như nằm trong Khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mức phạt là không quá 3/4 của từ 07 năm tù đến 15 năm tù.
3. Trường hợp người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi giết người chưa đạt thì xử lý thế nào:
Căn cứ tại Điều 101 và Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015, có quy định về việc xác định mức phạt đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi giết người chưa đạt như sau:
– Trường hợp đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội: mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với hành vi giết người đạt là không quá 4 năm tù nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Nếu tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
– Trường hợp đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội: mức phạt cao nhất với hành vi giết người không đạt là không quá 9 năm tù nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Nếu tù thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
4. Phân biệt tội giết người chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
* Về khái niệm:
– Tội giết người chưa đạt được hiểu là cố ý thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của người khác nhưng không thực hiện được đến cùng bởi do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.
– Tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết người là trường hợp tự mình, xuất phát từ yếu tố chủ quan mà không thực hiện hành vi giết người đến cùng mặc dù khách quan không có gì ngăn cản lại.
* Nguyên nhân tác động dẫn đến :
– Đối với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội: xuất phát từ ý chí chủ quan, tự ý chí của người phạm tội thực hiện dừng lại hành vi. Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt khi có đủ các điều kiện sau:
+ Việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải và chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành; chứ không thể xảy ra ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hay giai đoạn tội phạm hoàn thành.
+ Việc chấm dứt thực hiện ý định hoặc hành vi giết người của người phạm tội phải mang tính chất tự nguyện và thật sự dứt khoát. Người đó phải từ bỏ thực sự ý định phạm tội hoặc hành vi giết người mà chính họ đã bắt đầu; việc đó khác hoàn toàn với việc dừng lại một chốc lát để chờ cơ hội hay chờ những điều kiện thuận lợi khác để chuẩn bị được kỹ lưỡng cũng như lợi dụng cơ hội để giết người dễ hơn.
+ Sẽ không có điều kiện khách quan ngoài ý muốn nào ngăn cản được việc thực hiện hành vi giết người của người phạm tội, họ hoàn toàn có thể thực hiện được hành vi đến cùng. Và họ dừng lại là do xuất phát từ chính ý chí chủ quan, ví dụ như cảm thấy hối hận về hành vi của mình;…
– Đối với trường hợp giết người chưa đạt: nguyên nhân xuất phát phải từ khách quan, ngăn cản lại việc thực hiện giết người của người phạm tội. Cụ thể như: do người khác phát hiện và ngăn cản; nạn nhân tự tránh được hoặc tự tháo chạy được;…
* Về mặt hậu quả pháp lý:
– Với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi giết người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà họ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm nếu hành vi phạm tội của họ không cấu thành tội phạm khác. tuy nhiên, nếu trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự trên những cơ sở tội tương ứng.
– Với trường hợp giết người chưa đạt thì sẽ phạt chịu trách nhiệm về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng (quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015).