Để tồn tại và phát triển con người buộc phải liên kết với nhau thành những cộng đồng. Để đảm bảo cho những cộng đồng này có thể ổn định và phát triển, bên cạnh những quy phạm đạo đức người ta còn xây dựng nên hệ thống các quy phạm pháp luật. Bài biết dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ và phân biệt 2 khái niệm này.
Mục lục bài viết
1. Quy phạm pháp luật là gì?
Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh quan hệ xã hội theo những định hướng và nhằm đạt được những mục đích nhất định.
Các quy phạm pháp luật có thể là những quy tắc xử sự của công dân, của những người có chức vụ, quyền hạn, là những quy định về cơ cấu và hoạt động của bộ máy nhà nước, là những quy định về địa vị pháp lý của các đoàn thể, tổ chức quần chúng và các chủ thể pháp luật khác.
2. Đặc điểm của quy phạm pháp luật:
Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội, vì vậy cũng như các quy phạm xã hội khác nó là quy tắc xử sự của con người. quy phạm pháp luật luôn là khuôn mẫu cho hành vi của con người, nó chỉ dẫn cho con người cách xử sự (được làm gì, không được làm gì, hoặc phải làm gì, làm như thế nào) trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định.
Quy phạm pháp luật được ban hành không nhằm mục đích điều chỉnh một tổ chức hay cá nhân cụ thể mà nó nhằm phục vụ điều chỉnh tất cả các tổ chức và cá nhân tham gia quan hệ xã hội. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đều phải tuân thủ thực hiện hành vi một cách thống nhất như nhau. Tính thống nhất chung của quy phạm pháp luật còn thể hiện ở chỗ nó được đặt ra không phải chỉ để điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể mà để điều chỉnh một quan hệ xã hội chung.
Quy phạm pháp luật là sự kết hợp bằng cả lý chí và ý chí của con người. Quy phạm pháp luật không được hình thành một cách tự nhiên mà nó còn phải phụ thuộc vào ý chí nhà nước, ý chí của những người làm ra nó.
Quy phạm pháp luật có thể được tác động rất là nhiều lần và trong một khoảng thời gian tương đối dài cho đến khi nó bị thay đổi, hoặc bị mất hiệu lực. Nó được sử dụng trong tất cả mọi trường hợp khi xuất hiện những hoàn cảnh, điều kiện đã được dữ liệu.
Quy phạm pháp luật là tiêu chuẩn dùng để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người. Không chỉ là khuôn mẫu cho hành vi, quy phạm pháp luật còn là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi mà chủ thể tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh.
Quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Vì vậy quy phạm pháp luật thể hiện ý chí nhà nước, chúng chứa đựng trong mình những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý của nhà nước, của lực lượng cầm quyền trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Quy phạm pháp luật là công cụ để nhà nước dùng để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong xã hội, nội dung của nó được thể hiện trên hai phương diện là cho phép và bắt buộc, có nghĩa là quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự trong đó chỉ ra các quyền và nghĩa vụ của những bên tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh.
3. Cơ cấu của quy phạm pháp luật:
Giả định
Đây là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong đời sống xã hội mà quy phạm pháp luật sẽ tác động đối với những chủ thể (cá nhân, tổ chức) nhất định, nói cách khác giả định nêu lên phạm vi tác động của quy phạm pháp luật đối với cá nhân hay tổ chức nào đó, trong những hoàn cảnh, điều kiện nào. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế nông nghiệp. Bộ phận giả định của quy phạm pháp luật này là: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp.
Giả định là bộ phận không thể thiếu của quy phạm pháp luật, bởi chỉ thông qua bộ phận giả định của quy phạm pháp luật mới biết được tổ chức, cá nhân nào, khi ở vào những hoàn cảnh, điều kiện nào, thì chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó.
Quy định
Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những cách xử sự mà các chủ thể được, không được hoặc buộc phải thực hiện khi gặp phải tình huống đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Nói cách khác, là khi xảy ra những hoàn cảnh, điều kiện đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì nhà nước đã đưa ra những chỉ dẫn có tính chất mệnh lênhk (các cách xử sự) để các chủ thể thực hiện. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế nông nghiệp. Bộ phận giả định của quy phạm pháp luật này là: thì phải nộp thuế nông nghiệp.
Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật được coi là phần cốt lõi của quy phạm pháp luật, nó thể hiện ý chí của nhà nước đối với các tổ chức hay cá nhân khi xảy ra những tình huống đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Bộ quy định của quy phạm pháp luật thường được nêu ở dạng mệnh lệnh như: Cấm, không được, phải, thì, được, có…Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có tác dụng đưa ra những cách xử sự để các chủ thể thực hiện sao cho phù hợp với ý chí của nhà nước.
Chế tài
Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật quy định các biện pháp cưỡng chế mang tính chất trừng phạt mà nhà nước dự kiến có thể áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những mệnh lệnh đã được nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Ví dụ pháp luật quy định: Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học, thì bị phạt cảnh cáo và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật này là: Bị phạt cảnh cáo và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại
4. Quy phạm đạo đức là gì?
Ở mỗi nước, ngoài quy phạm pháp luật, còn tồn tại các loại quy phạm xã hội khác, trong đó có quy phạm đạo đức. Hai loại quy phạm này có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Đạo đức là những quy tắc xử sự của con người, của tập thể và của cộng động, được hình thành trên cơ sở quan niệm về cái thiện, cái ác, về sự công bằng, về nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, nhân phẩm và về những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Đạo đức, một khi đã trở thành niềm tin nội tâm thì sẽ được các cá nhân, các nhóm xã hội tuân theo một cách tự giác.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà làm luật luôn cố gắng đưa những quy phạm đạo đức mang tính phổ biến để phù hợp với sự phát triển của tiến bộ xã hội vào trong các quy phạm pháp luật. Như vậy, trong hàng loạt quy phạm pháp luật luôn có sự thể hiện qua các quan niệm về đạo đức, đặc biết là đối với pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, văn hoá, xã hội và cuối cùng là giáo dục.
Khi đã trở thành một phần nội dung của quy phạm pháp luật thì các giá trị đạo đức không chỉ được tuân thủ bằng niềm tin, lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Do đó, có thể nói, pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.
5. Phân biệt quy phạm pháp luật với quy phạm đạo đức:
Giống:
– Đều đưa ra những quy tắc xử sự, chuẩn mực chung đối với mọi người.
– Được áp dụng rộng rãi, phổ biến trong xã hội.
– Hướng tới những giá trị cao đẹp: công bằng, lẽ phải, đạo lý, cái thiện, cái tốt.
– Biến đổi dần theo thời gian và thời đại để phù hợp với từng xã hội cụ thể.
– Là sự đúc kết theo tiến trình dài của lịch sử nhân loại.
Khác:
– Các quy phạm pháp luật thì do cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền ban hành được nhân dân sáng tạo nên.
– Quy phạm pháp luật phải trải qua quá trình dự thảo, kiểm định, sửa đổi, bổ sung nghiêm ngặt còn quy phạm đạo đức thì thường được đúc kết, truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
– Các quy phạm pháp luật được quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như: Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Thông tư, Nghị định,… Về phần mình, các quy phạm đạo đức thể hiện thông qua dạng không thành văn như truyền miệng, văn hoá, lối sống, phong tục tập quán, ca dao, tục ngữ, bài hát…
– Nếu vi phạm các quy phạm pháp luật sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thông qua bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp, từ đó gánh chịu những chế tài như: cảnh cáo, phạt tiền, phạt tù, cải tạo không giam giữ, chung thân hay thậm chí là tử hình. Còn các quy phạm đạo đức không có những chế tài như thế, chỉ có thể được đảm bảo thực hiện qua sự tự giác của mỗi cá nhân, tổ chức; các biện pháp răn đe thông qua tác động của dư luận xã hội, lên án, tố cáo, tẩy chay…