Một trong những nét đẹp truyền thống đó là tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo 20/11. Tuy nhiên, hiện nay, nét văn hóa đó dần có sự chen chân của những hành vi đưa hối lộ. Một câu hỏi được đặt ra là biếu quà Tết sếp, tặng quà 20/11 thầy cô có phải hối lộ không?
Mục lục bài viết
1. Ý nghĩa của biếu quà tết, tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11:
– Tết và ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày lễ này, người dân Việt sẽ thực hiện các hành động, lời nói để thể hiện thái độ tri ân của mình đối với các bậc sinh thành, tiền bối, những người có công chăm sóc, giáo dưỡng, giúp đỡ mình lên người.
+ Ngày tết là thời điểm mọi người dân Việt Nam sẽ hướng về cội nguồn. Bên cạnh việc sum vầy, đoàn viên bên gia đình, người dân Việt Nam có văn hóa đi chúc tết những người thân, họ hàng, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. Để thể hiện thái độ biết ơn và trân trọng với cấp trên, vào những dịp lễ tết này, người dân thường hướng tới việc đi chúc tết. Khi chúc tết cấp trên, con người ta thường mang theo quà biếu tết. Quà ở đây mang ý nghĩa biểu trưng cho tấm lòng của người tặng, nó thay cho lời chúc may mắn đầu năm.
+ Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh những người cầm tay, dẫn dắt từng thế hệ trẻ thành người. Vào ngày này, mọi người dân Việt Nam đều hướng về thầy cô của mình. Họ sẽ đến thăm, gửi những lời tri ân, những món quà ý nghĩa dành cho thầy cô của mình. Đây là một trong những ngày lễ thiêng liêng, thể hiện nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
– Biếu quà tết, tặng quà 20/11 cho thầy cô là việc làm diễn ra phổ biến hàng năm ở nước ta. Nó mang giá trị truyền thống sâu sắc, tốt đẹp. Bản chất ban đầu (mang tính chất cốt lõi) của việc biếu quà, tặng quà, là xuất phát từ tấm lòng thành tâm, trân trọng của người tặng đối với người nhận. Nó là nét đẹp văn hóa của Việt Nam, thể hiện những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của dân tộc ta: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
2. Thực trạng của việc biếu quà tết, tặng quà thầy cô ngày 20/11 ở nước ta hiện nay:
– Như đã phân tích ở trên, việc biếu quà, tặng quà cấp trên và thầy cô có ý nghĩa, giá trị đặc biệt quan trọng đối với truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam từ bao đời. Tuy nhiên, hiện nay, việc biếu, tặng quà này không còn giữ được sự “đơn thuần” ban đầu của nó. Giá Trị của việc tặng quà là thể hiện tình cảm, thái độ biết ơn, trân trọng, tri ân của người tặng đối với người nhận. Song, có những người làm lệch lạc đi những giá trị tốt đẹp đó.
– Vào các dịp Tết, nhân viên cấp dưới sẽ lợi dụng việc biếu quà để lấy lòng, nịnh nọt cấp trên của mình. Tức, mục đích của họ khi thực hiện hoạt động biếu quà không phải để thái độ kính trọng, biết ơn, mà mang xu hướng chuộc lợi cá nhân. Có rất nhiều người quan niệm rằng, tặng quà sếp càng to, giá trị càng cao, thì con đường thăng tiến trong công việc ngày càng rộng mở.
– Đối với ngày Nhà giáo 20/11, ngày tri ân các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thường hướng tới việc tặng những món quà giá trị cho thầy cô. Ý nghĩa tri ân trong các món quà được tặng không còn được nhiều, mà thay vào đó là sự tính toán, vụ lợi, cả nể nhiều hơn. Quà mà phụ huynh tặng giáo viên đôi khi còn lại tiền mặt.
Có thể thấy, đây chính là những mặt trái còn tồn tại trong hoạt động biếu quà cho Sếp vào các dịp lễ tết, tặng quà cho thầy cô ngày 20/11. Những sai phạm trong việc làm biến dạng đi ý nghĩa ban đầu của văn hóa tặng quà tri ân, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam. Do đó, một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, là việc biếu quà Tết Sếp và tặng quà 20/11 cho thầy cô có phải là hành vi hối lộ hay không?
3. Biếu quà Tết sếp, tặng quà 20/11 thầy cô có phải hối lộ không?
– Điều 364
+ Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Lợi ích phi vật chất.
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
+ Đối tượng phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
+ Đối tượng nào thực hiện hành vi đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Như vậy, theo quy định của luật, đối với các hành vi đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của đối tượng đưa tài sản, thì sẽ bị quy về hành vi đưa hối lộ. Nếu giá trị tài sản mà các cá nhân thực hiện đưa cho người có quyền hạn từ 2 triệu đồng trở nên thì hoàn toàn có thể quy về tội đưa hối lộ.
– Tuy nhiên, xét về trường hợp biếu quà Tết sếp và tặng quà cho thầy cô 20/11, nếu giá trị quà tặng từ 2 triệu trở lên, đồng thời đặt trong ngữ cảnh là cá nhân đó thể hiện ý chí (lời nói, hành động) mong muốn người nhận giúp đỡ, hỗ trợ lợi ích của người nhận, thì người biếu quà, tặng quà có thể bị quy về hành vi đưa hối lộ.
– Biếu quà tết Sếp, tặng quà 20/11 cho thầy cô là vấn đề mang tính chất đặc biệt nhạy cảm. Thực tế, việc đánh giá xem việc biếu quà, tặng quà hay không nó tương đối khó khăn và phức tạp. Bởi, xuất phát từ ý nghĩa của việc biếu, tặng quà những ngày lễ này, thì nó chỉ mang tính chất thể hiện thái độ biết ơn, trân trọng của người tặng đối với người nhận. Sẽ có những đối tượng lợi dụng ý nghĩa của hoạt động này để đưa hối lộ. Vậy nên, về cơ bản, để xét xem việc biếu quà tết Sếp và tặng quà 20/11 cho thầy cô có phải là hành vi hối lộ không, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ dựa vào giá trị của quà tặng (nếu trên 2 triệu sẽ xem xét xử lý về hành vi) và bối cảnh xoay quanh nó.
– Để quản lý hành vi đưa hối lộ thông qua việc biếu quà, tặng quà vào những dịp lễ, ngày đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác điều tra, quản lý. Theo đó, Nhà nước cần đưa ra những quy định kín kẽ và rõ ràng hơn về việc xác định hành vi hối lộ thông quan tặng quà; quy định chặt chẽ về giá trị quà tặng khi tặng. Điều này sẽ góp phần rất lớn vào công tác định hướng tư tưởng, nhận thức cho các cá nhân. Từ đó, nó giúp người dân hiểu đúng về hai vấn đề hoàn toàn riêng biệt: Tặng quà, biếu quà (mang giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp) và hối lộ (hành vi vi phạm pháp luật). Có như vậy, những giá trị văn hóa mới được đảm bảo duy trì một cách trong sáng; các hành vi vi phạm pháp luật sẽ được đẩy lùi.
Tặng quà thể hiện thái độ tri ân, trân trọng của người tặng đối với người nhận. Để không bị hiểu lầm, tránh những rắc rối phát sinh xoay quanh việc tặng quà này, các cá nhân cần cân nhắc khi lựa chọn quà tặng. Bởi quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của người tặng. Đồng thời, mọi người cần hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của việc tặng quà vào những dịp đặc biệt này, từ đó hạn chế, chấm dứt hoạt động mang tính chất lạm dụng hoạt động trên để hối lộ.