Đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên? Quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên? Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng? Quản lý rừng sản xuất bền vững và chứng chỉ rừng? Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên?
Quản lý rừng và sử dụng rừng là phương thức bảo đảm việc sử dụng rừng đúng mục đích, đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị rừng, không làm suy giảm môi trường rừng, nâng cao bảo vệ quốc phòng, an ninh. Đất rừng sản xuất là một trong những loại đất rừng phổ biến, trong đó loại đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên được sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp và phải trả tiền thuê đất hàng năm cho nhà nước, dưới sự quản lý của nhà nước Quy định quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Lâm nghiệp 2017;
–
– Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; rừng sản xuất còn là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Theo hướng dẫn của Điều 4 Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất: thì rừng sản xuất được phân loại dựa theo nguồn gốc hình thành gồm có:
– Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung; căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được phân loại thành: Rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.
– Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng được bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước của chủ rừng tự đầu tư hoặc có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn vốn khác.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, rừng sản xuất đạt tiêu chí về rừng tự nhiên khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Rừng tự nhiên là hệ sinh thái cho các môi trường thực vật rừng, động vật rừng như nấm, vi sinh vật, … trong đó thành phần chính là các loại cây gỗ, tre, nứa, cây họ cau, … (hay còn gọi là cây rừng) với độ tàn che từ 0,1 trở lên.
– Diện tích rừng liền vùng từ 0,3 ha trở lên.
– Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên, được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác, cụ thể theo các điều kiện lập địa khác nhau được phân chia như sau:
+ Chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên: đối với rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng.
+ Chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên: đối với rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt:.
+ Chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,5 m trở lên: đối với rừng tự nhiên trên đất ngập phèn.
+ Chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên: đối với rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác.
2. Quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 135
– Đối với trường hợp khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa có tổ chức quản lý rừng mà đang có những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực này, họ có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước ưu tiên giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác trên rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và cộng đồng dân cư đã được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được ưu tiên tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thuê đất còn lại. Nếu hết thời hạn sử dụng đất, mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất theo quy định.
3. Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng sản xuất:
Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 5 quyết định 49/2016/QĐ-TTg ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất, Điều 14, Điều 24 Luật Lâm nghiệp 2017 thì khi quản lý rừng, tổ chức quản lý rừng sản xuất cần thực hiện theo đúng nguyên tắc sau:
3.1. Khi giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng sản xuất:
+ Việc thực hiện phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; diện tích rừng hiện có tại địa phương;
+ Đối với rừng tự nhiên thì không chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt;
+ Đối với diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên mà đang có tranh chấp thì không giao, cho thuê diện tích rừng đó;
+ Đối với diện tích đất rừng tự nhiên do Nhà nước đầu tư thì chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê;
+ Thống nhất, đồng bộ với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;
+ Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê đất rừng phù hợp với quy định về thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất;
+ Khi giao rừng, cho thuê đất rừng phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới;
+ Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp thì được ưu tiên giao rừng, tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư.
3.2. Khi tổ chức quản lý rừng:
+ Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm các diện tích rừng với từng chủ rừng cụ thể;
+ Chủ rừng sản xuất được quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững theo quy chế quản lý rừng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng được duyệt và những chính sách liên quan đến giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu;
+ Việc xác định các mục tiêu kinh doanh và biện pháp tác động vào rừng sản xuất phải phù hợp với hệ sinh thái rừng và phù hợp theo quy định của pháp luật.
4. Quản lý rừng sản xuất bền vững và chứng chỉ rừng sản xuất:
Rừng sản xuất được quản lý theo phương án quản lý rừng bền vững. Phương án quản lý rừng sản xuất do chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được khuyến khích xây dựng và thực hiện.
Phương án quản lý rừng bền vững theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết về nội dung phương án quản lý rừng bền vững; quy định trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Nội dung phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất gồm có:
– Đánh giá các điều kiện về mặt tự nhiên, kinh tế – xã hội;
– Thực trạng tài nguyên rừng;
– Kết quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh;
– Đánh giá thị trường có ảnh hưởng, tác động đến hoạt động của chủ rừng;
– Xác định rõ các mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững trong giai đoạn thực hiện phương án;
– Xác định kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và thương mại lâm sản;
– Đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định.
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp cho chủ rừng theo nguyên tắc tự nguyện, các tiêu chí về quản lý rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Khi có phương án quản lý rừng bền vững và đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững, Chủ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong nước hoặc quốc tế. Việc đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững phải tuân thủ quy định của pháp luật.
5. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật lâm nghiệp 2017 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 28 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định:
– Khai thác chính gỗ rừng tự nhiên: là khai thác cây gỗ trên diện tích rừng giàu, rừng trung bình. Điều kiện thực hiện với Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận và không trong thời gian đóng cửa rừng. Phương thức khai thác với cường độ khai thác tối đa là 35% trữ lượng gỗ của lô rừng;
– Khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên: trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khi thực hiện các biện pháp lâm sinh. phục vụ công tác đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Để đủ điều kiện khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; dự án lâm sinh; các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học;
– Khai thác tận thu gỗ rừng tự nhiên phải lập phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khai thác đối với cây gỗ, cành, gốc bị khô mục, đổ gãy, bị cháy, chết do thiên tai nằm trong rừng;
– Khai thác thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường thì phải thực hiện bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó. Khai thác đối với loài thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường bằng các phương thức do chủ rừng tự quyết định;
– Khai thác động vật rừng thông thường thì chủ rừng phải có phương án khai thác động vật rừng thông thường;
– Khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
– Chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác, sau khi chủ rừng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.