BLDS 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 cũng như Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán là những văn bản đã chính thức ghi nhận những nguyên tắc áp dụng chung về án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Vây, nguyên tắc xây dựng và áp dụng án lệ là gì? Các nguyên tắc xây dựng án lệ?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc xây dựng và áp dụng án lệ là gì?
Án lệ là một loại nguồn còn khá mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mặc dù học thuyết về xây dựng và áp dụng án lệ không phải là những lý thuyết quá xa lạ đối với ngành khoa học pháp lý nước ta hiện nay. Về thực chất, các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý của Việt Nam suốt một thời gian dài đã tiến hành nhiều nghiên cứu và khảo nghiệm về án lệ trong hệ thống Thông luật cũng như dân luật cùng một số quốc gia có mô hình án lệ mẫu mực, nhằm tìm kiếm sự áp dụng hợp lý nhất đối với môi trường pháp lý Việt Nam.
Tuy nhiên, những công trình đó vẫn đang tồn tại trong giới hạn nghiên cứu học thuật, án lệ vẫn chưa được thừa nhận trong bất kỳ một VBQPPL nào, hoặc nếu có thì chỉ tồn tại dưới dạng những quy tắc áp dụng mang hơi hướng” án lệ. Sự ra đời của Quyết định 74 về phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của
Cho đến những năm gần đây, BLDS 2015, Luật Tổ chức
Quyết định số 74/ 2012 của Tòa án nhân dân tối cao dù không phải là văn bản tạo ra hiệu lực pháp lý cho hoạt động áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử, tuy nhiên, tại đây, lần đầu tiên, những quy định cụ thể về quy trình xây dựng, áp dụng án lệ được đặt ra.
Khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thì án lệ đã được chính thức ghi nhận và có giá trị như một loại nguồn luật chính trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Dù không được ghi nhận một cách trực tiếp, nhưng qua quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, các nhà làm luật đã gián tiếp đề cập đến hoạt động xây dựng án lệ.
Điểm c Khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 đã quy định về thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao , trong đó bao gồm: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao , bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các TA, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các TA nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Gần đây nhất, với Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đã có hiệu lực trên thực tế thì án lệ đã chính thức đi vào hoạt động với mô hình xây dựng và áp dụng rõ ràng.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ Hội đồng thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ nhằm thể chế hóa và hiện thực hóa các đề án và chính sách phát triển án lệ đã được triển khai từ lâu trong hệ thống Tòa án nhân dân. Nghị quyết 03 có thể được xem là văn bản pháp lý chính thức khai sinh việc áp dụng án lệ trong thực tiễn một cách quy củ và có hệ thống. Tại đây, lần đầu tiên án lệ đã được định danh trong hệ thống các loại nguồn luật và được quy định áp dụng trong thực tiễn xét xử với lộ trình xây dựng và áp dụng tương đối hoàn chỉnh.
2. Các nguyên tắc xây dựng án lệ:
2.1. Về giải thích từ ngữ:
Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán đã lần đầu tiên đưa ra một khái niệm án lệ hoàn chỉnh chính thức có giá trị về mặt pháp lý đối với hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay ngay tại Điều 1 Nghị quyết. Theo đó, án lệ được định nghĩa như sau: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, có thể thấy rằng Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng khái niệm án lệ tương đối riêng so với khái niệm án lệ truyền thống của Thông luật.
Thứ nhất, chất liệu xây dựng án lệ theo Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán chính là tất cả các bản án của các tòa án mà không có sự giới hạn nào về thẩm quyền của tòa án ban hành bản án, miễn là các bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Điều này có nghĩa là án lệ có thể được xây dựng từ bất kỳ bản án nào của các cấp tòa án, đó có thể là bản án sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm hoặc giám đốc thẩm được phán quyết từ các cấp tòa án: Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao hoặc Tòa án nhân dân tối cao .
Quy định mới này tại Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán có sự khác biệt so với Quyết định 74/QĐ-Tòa án nhân dân tối cao về Phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao ” ở chỗ: nếu như Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán quy định mọi bản án đều có thể được sử dụng để xây dựng thành án lệ thì Quyết định 74/QĐ Tòa án nhân dân tối cao trước đó đã chủ trương án lệ chỉ được xây dựng nên từ các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.
Sự khác biệt này xuất phát từ nhiều yếu tố, một trong số đó là sự ra đời của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã đưa đến sự ra đời của Tòa án nhân dân cấp cao và một số thay đổi trong hệ thống Tòa án nhân dân theo hướng thẩm quyền và nhiệm vụ xét xử được giao lại nhiều hơn cho hệ thống tòa án cấp dưới, còn Tòa án nhân dân tối cao tập trung và chú trọng công tác giám sát, nghiên cứu xây dựng và ứng dụng luật, ban hành án lệ. Chính vì phải tăng cường thực hiện công tác xét xử, giảm tải khối lượng công việc cho Tòa án nhân dân tối cao nên bắt buộc hệ thống các tòa án cấp dưới phải nâng cao chất lượng bản án của mình.
Thiết nghĩ, quy định án lệ có thể được phát triển và xây dựng từ mọi bản án trong các cấp TA như tại Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán là hợp lý so với tình hình thực tế hiện nay tại Việt Nam, xuất phát từ lai lý do: (1) Quy định này sẽ khiến cho những bản án hay và có tính mẫu mực không bị bỏ sót và giới hạn chỉ vì thẩm quyền xét xử của tòa án; (2) với quy định này, chắc chắn, chất lượng bản án từ các tòa án cấp dưới sẽ phải được chú trọng nâng cao để phù hợp với hoạt động xây dựng án lệ, tránh tình trạng ỷ lại vào tòa án cấp trên.
Thứ hai, về thẩm quyền xây dựng án lệ. Khái niệm án lệ quy định tại Điều 1 Nghị quyết đã khẳng định thẩm quyền lựa chọn và công bố án lệ thuộc về Hội đồng Thẩm phán và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao , theo ý kiến tác giả, quy định này hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống các cấp Tòa án của Việt Nam, với các điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán nghiêm ngặt, chắc chắn đây sẽ là cơ quan có đội ngũ Thẩm phán giàu năng lực và kinh nghiệm nhất trong hệ thống tòa án, theo đó, thẩm quyền xây dựng án lệ giao cho các chủ thể này sẽ đảm bảo được chất lượng và hiệu quả ứng dụng.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao không còn tập trung vào hoạt động xét xử mà nâng cao và chú trọng công tác giám sát, xây dựng luật, nghiên cứu ban hành các quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, án lệ được giao cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và ban hành là phù hợp với chức năng và nhiệm vụ hiện thời.
Hơn nữa, việc ban hành những văn bản có giá trị tham khảo và định hướng cho các tòa án cấp dưới như ban hành án lệ là hoạt động phù hợp về thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao . Nếu việc xây dựng và ban hành án lệ được giao cho tất cả các Toà án có thẩm quyền phúc thẩm theo truyền thống Thông luật thì vấn đề kiểm soát tính thống nhất của pháp luật và sự cân bằng quyền lực giữa các nhánh lập pháp và tư pháp sẽ là vấn đề vô cùng khó khăn đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
2.2. Về tiêu chí lựa chọn án lệ:
Các tiêu chí lựa chọn án lệ được quy định khá rõ ràng và cụ thể tại Điều 2 của Nghị quyết, theo đó, một án lệ muốn được lựa chọn phải đảm bảo những yếu tố sau: (1) Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; (2) Có tính chuẩn mực; (3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Các tiêu chí lựa chọn án lệ ở đây về cơ bản tương đối giống với các tiêu chí của án lệ trong hệ thống Thông luật cũng như đối với các nước thuộc dân luật như Pháp, Đức và Nhật Bản. Nhìn chung, các tiêu chí như trên tương đối phù hợp trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, khi mà án lệ mới được đưa vào phát triển và vận hành. Tuy nhiên, với tiêu chí thứ nhất, dường như các nhà làm luật của Việt Nam đang có dụng ý xây dựng nên án lệ với mục đích chủ yếu là giải thích pháp luật, chứ chưa phải là xây dựng nên các quy tắc thay thế cho sự thiếu thốn quy phạm của luật thành văn.
Bởi lẽ, tiêu chí đã chỉ rõ án lệ được lựa chọn khi “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau”, tức là giải thích thống nhất quy phạm pháp luật mang tính chất chung chung, chưa cụ thể, chứ không phải là “đưa ra các nguyên tắc pháp lý và đường lối giải quyết khi pháp luật chưa quy định”. Quy định này là điều dễ hiểu khi mà án lệ mới chỉ “chập chững” những bước đầu áp dụng vào hệ thống pháp luật Việt Nam, đây có thể là bước áp dụng an toàn của án lệ để thăm dò thực tiễn mà các nhà làm luật đã cân nhắc đề ra.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả, nên đề ra tiêu chí án lệ được lựa chọn khi chứa đựng những nguyên tắc pháp luật và đường lối giải quyết cho những vụ án chưa được luật thành văn điều chỉnh. Đây mới chính là nhiệm vụ và vai trò chủ yếu của án lệ, còn với việc giải thích pháp luật, ở Việt Nam lâu nay đã tồn tại các Nghị quyết và văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà không cần đến án lệ. Bên cạnh đó, nên xem xét bổ sung các tiêu chí về án lệ như: án lệ chứa đựng các đường lối giải quyết mang tính mới hợp pháp; án lệ chứa đựng đường lối giải quyết các vụ án khó, phức tạp, …
2.3. Về cách thức xây dựng án lệ:
Điều 3, 4, 5, 6, 7 Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán đã quy định quy trình xây dựng án lệ khá hoàn chỉnh từ khâu rà soát bản án cho đến khi công bố án lệ. Theo đó, hoạt động xây dựng án lệ trải qua năm bước cơ bản sau: (1) Rà soát các bản án đủ tiêu chuẩn; (2) Công khai bản án để lấy ý kiến đánh giá; (3) Thành lập Hội đồng tư vấn có trách nhiệm phân tích, đánh giá, thảo luận, đưa ra ý kiến; (4) Thông qua Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ; (5) Công bố án lệ. Như vậy, đối với điều kiện hiện nay ở Việt Nam, quy trình xây dựng án lệ như trên theo ý kiến tác giả là tương đối phù hợp và khá hoàn chỉnh.
Án lệ ở Việt Nam không thể “tự thân hình thành” sau khi trải qua nhiều lần xét xử và được thông qua bởi Tòa phúc thẩm như truyền thống xây dựng án lệ trong hệ thống Thông luật. Áp cách thức xây dựng như vậy vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là sự lắp ghép khập khiễng bởi nhiều yếu tố xuất phát từ đặc điểm nguồn của pháp luật Việt Nam cũng như năng lực Thẩm phán trong hệ thống Toà án nói chung hiện nay. Chính vì vậy, tác giả tán thành cách thức thành lập Hội đồng tư vấn án lệ và hình thức biểu quyết thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao , đây có thể được xem như những khâu “kiểm duyệt” uy tín và đóng vai trò nòng cốt trong chu trình xây dựng nên một án lệ.
Tuy nhiên, theo ý kiến tác giả, trong lộ trình xây dựng án lệ trên cần cân nhắc bổ sung thêm một số thao tác và hoạt động giúp cho việc xây dựng án lệ thêm hoàn chỉnh. Thứ nhất, đối với công tác rà soát và đề xuất bản án, Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán xây dựng quy trình đề xuất theo hai lộ trình: lộ trình bên trong và lộ trình bên ngoài. Lộ trình bên trong dành cho các chủ thể thuộc tòa án, tại đây, chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương, chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ rà soát và đề xuất bản án, sau đó gửi báo cáo về cho Vụ pháp chế và nghiên cứu khoa học của Tòa án nhân dân tối cao sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban Thẩm phán tòa án cùng cấp.
Các Vụ giám đốc và kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao cũng có nhiệm vụ rà soát và đề xuất các bản án, tuy nhiên, các Vụ này không cần xin ý kiến của chủ thể nào mà có thể gửi báo cáo về thẳng cho Vụ pháp chế nghiên cứu khoa học. Lộ trình thứ hai là lộ trình bên ngoài, dành cho tất cả các chủ thể trong xã hội quan tâm đến việc xây dựng án lệ, đó có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức… Hai lộ trình đề xuất này có nét tương đồng với mô hình đề xuất bản án của Trung Quốc, tuy nhiên, về Việt Nam, nó đã được giản lược một số bước trung gian như tòa án cấp dưới còn phải xin ý kiến về bản án đề xuất từ tòa án cấp trên, …
Nhìn chung, lộ trình đề xuất bản án để phát triển thành án lệ như trên là tương đối hợp lý, việc cho phép các chủ thể trong xã hội được phép đề xuất bản án để xây dựng thành án lệ là bước công khai tiến bộ cho phép mọi công dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với loại nguồn mới mẻ trong hệ thống pháp luật như án lệ, đảm bảo tối đa quyền làm chủ của công dân ngay trong lĩnh vực làm luật, đồng thời, hạn chế bỏ sót những bản án mẫu mực.
Tuy nhiên, theo ý kiến tác giả, nên chăng cho phép thêm chủ thể là Tòa án nhân dân cấp huyện được quyền đề xuất bản án đã có hiệu lực của TA mình để xây dựng thành án lệ, đề xuất này có thể gửi về cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong quá trình Tòa án nhân dân tối cao thực hiện rà soát bản án. Việc thêm một chủ thể có thẩm quyền và trách nhiệm này sẽ càng hạn chế tối đa những bản án mẫu mực bị bỏ sót.
Đối với các bước tiếp theo về lấy ý kiến công khai, thành lập Hội đồng tư vấn án lệ, thông qua án lệ và công bố án lệ thì quy định như tại các Điều 5, 6, 7 của Nghị quyết này là tương đối hợp lý và cụ thể. Tuy nhiên, nên xem xét bổ sung thêm quy trình phân tích, diễn giải và bình luận án lệ. Đối với truyền thống các nước Thông luật cũng như xu hướng hiện nay ở một số quốc gia dân luật, hoạt động phân tích, diễn giải, bình luận án lệ là hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng án lệ. Hoạt động này có ý nghĩa đưa án lệ lại gần hơn với đời sống xã hội cũng như giúp cho việc áp dụng và vận hành án lệ được dễ dàng và thuyết phục hơn.
2.4. Về việc áp dụng án lệ:
Điều 8 Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán đã quy định tương đối rõ ràng các nguyên tắc áp dụng án lệ. Theo đó, án lệ không được áp dụng một cách bắt buộc với quy trình nghiêm ngặt như truyền thống dân luật, án lệ chỉ mang giá trị tham khảo đối với các Thẩm phán trong quá trình xét xử. Quy định này khuyến khích sự áp dụng và viện dẫn án lệ của Thẩm phán trong các phán quyết của mình, đi kèm với những biện luận và kiến giải rõ ràng đối với các tình tiết trong vụ án cụ thể.
Bên cạnh đó, các Thẩm phán cũng có quyền không tuân theo và áp dụng án lệ trong khi xét xử, tuy nhiên, sự bất tuân này cũng cần phải được lý giải rõ ràng và thuyết phục. Có thể thấy rằng nội dung các quy định này đang nỗ lực xây dựng một thói quen và ý thức áp dụng, viện dẫn án lệ thường xuyên cho các Thẩm phán, điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Đối với điều kiện hiện nay ở Việt Nam, không thể phát triển một hoạt động chỉ dựa vào hình thức khuyến khích chủ thể thực hiện hoạt động đó, sự khuyến khích là điều cần thiết, nhưng phải đi đôi với chế tài, các quy định áp dụng án lệ ở đây còn thiếu sót các chế tài áp dụng.
Theo đó, các chủ thể có thẩm quyền nên nghiên cứu những quy định về chế độ bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, miễn nhiệm,… Thẩm phán có xét đến tiêu chuẩn áp dụng và viện dẫn án lệ như Quyết định 74/QĐ-Tòa án nhân dân tối cao đã định hướng. Bên cạnh đó, nên tăng cường cơ chế giám sát của Tòa án nhân dân tối cao đến hoạt động xét xử trên thực tế liên quan đến vấn đề áp dụng án lệ. Tác giả tin rằng, với những chế tài cụ thể như vậy mới đủ sức nặng để đưa án lệ đi vào thực tiễn xét xử.
2.5. Về việc hủy bỏ, thay thế án lệ:
Điều 8 và Điều 9 Nghị quyết đã quy định khá cụ thể về việc hủy bỏ và thay thế án lệ. Theo quy định này, án lệ sẽ bị hủy bỏ trong hai trường hợp: (1) do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp; (2) do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật.
Như vậy án lệ sẽ bị hủy bỏ trong hai trường hợp, hoặc có sự thay đổi của luật, hoặc bản thân nó không còn phù hợp với tình hình thực tế. Tại đây, các nhà làm luật cũng đã quy định quy trình hủy bỏ án lệ, tương đương với hai trường hợp án lệ bị hủy bỏ, sẽ có hai quy trình hủy bỏ án lệ. Thứ nhất, án lệ bị hủy bỏ bởi sự ra đời của các quy phạm luật thành văn, với các án lệ này, Điều 9 Nghị quyết 03 quy định nó đương nhiên bị hủy bỏ. Sự đương nhiên hủy bỏ ở đây có thể được hiểu là nó bị hủy bỏ mà không cần bất cứ thủ tục hay quyết định nào từ Tòa án nhân dân tối cao. Thứ hai, án lệ bị hủy bỏ bởi không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với các các án lệ loại này, nhìn chung quy trình hủy bỏ cũng tương tự như quy trình xây dựng một án lệ, và kết thúc bằng quyết định hủy bỏ án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Có thể thấy rằng, hai trường hợp hủy bỏ án lệ được dự liệu như trên là phù hợp với điều kiện pháp luật của Việt Nam hiện nay. Tại đây, các nhà làm luật cũng quy định các quyết định hủy bỏ án lệ sẽ được đăng công khai trên các phương tiện thông tin. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra ở đây là: đối với những án lệ đương nhiên bị hủy bỏ, tức là không có quyết định hủy bỏ của Tòa án nhân dân tối cao sẽ đồng nghĩa với việc không được công khai trên các phương tiện thông tin.
Thiết nghĩ, sự công khai các án lệ bị hủy bỏ là việc làm cần thiết để không chỉ các chủ thể hoạt động trong ngành tòa án mà còn bao gồm cả các chủ thể khác trong xã hội kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin. Trong khi đó, nếu không phải là những chủ thể trong ngành tòa án hoặc các chủ thể quan tâm đến vấn đề án lệ thì chưa chắc đã cập nhật đúng và kịp thời tình hình hủy bỏ án lệ. Bởi vậy, nên chăng Tòa án nhân dân tối cao công khai các án lệ đương nhiên bị hủy bỏ lên các phương tiện thông tin để đảm bảo tốt nhất khả năng tiếp cận án lệ của không chỉ những người hoạt động trong ngành tòa án mà còn bao gồm các chủ thể trong xã hội.
Qua những phân tích khái lược trên về các vấn đề xây dựng, công bố và áp dụng án lệ được quy định tại Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán , chúng ta có thể thấy rằng: Nghị quyết 03/2015/NQ-Hội đồng thẩm phán là văn bản đầu tiên có giá trị thi hành trên thực tiễn đề ra một lộ trình hoàn chỉnh cho việc xây dựng và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Những quy định này nhìn chung tương đối phù hợp so với điều kiện pháp luật cũng như thực tiễn xét xử hiện nay của Việt Nam.
Đây chính là những quy định đóng vai trò nền tảng đầu tiên cho sự vận hành án lệ một cách hiệu quả trong hoạt động xét xử nói chung và hoạt động giải quyết Tranh chấp đât đai cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đạt được, văn bản cũng còn một số hạn chế cần được bổ sung và hoàn thiện trong quá trình áp dụng như vấn đề phân tích bình luận án lệ, các cơ chế giám sát và bảo đảm vận hành cũng như thẩm quyền đề xuất bản án, … Sự cân nhắc và xem xét hoàn thiện các vấn đề này sẽ mang lại một lộ trình áp dụng án lệ hoàn chỉnh và hiệu quả hơn trong tương lai.