Room tín dụng là một thuật ngữ khá mới mẻ, được nhắc đến nhiều trong thời gian hiện nay. Vậy room tín dụng là gì? Pháp luật quy định về điều hành room tín dụng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Room tín dụng là gì?
Room tín dụng là thuật ngữ mới được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Pháp luật hiện nay chưa đề cập đến thuật ngữ room tín dụng này.
Rom tín dụng được hiểu là giới hạn cho vay của ngân hàng hay giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng. Giới hạn cấp tín dụng là khả năng của bên ngân hàng (bên cho vay) trong một phạm vi tài chính nhất định, hai bên thỏa thuận, cam kết cung cấp nguồn tài chính cho bên vay. Giới hạn cấp tín dụng của từng ngân hàng là khác nhau, phụ thuộc vào nguồn tài chính của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác
Room tín dụng có ý nghĩa rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng nó là công cụ hành chính cần thiết để điều chỉnh thị trường. Ngân hàng nhà nước áp dụng công cụ room tín dụng cùng với các yêu cầu về an toàn nguồn vốn để từ đó xác định được ngân hàng nào có chất lượng tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn tham gia được nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của nhà nước.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta chịu áp lực rất lớn từ lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới, lý do là nền kinh tế nước ta có độ mở cửa cao, đồng thời hiện nay, giá nguyên liệu tăng cao cũng tác động rất lớn đến lạm phát. Công cụ room tín dụng là cần thiết để giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Đầu mỗi năm Ngân hàng nhà nước sẽ công bố room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng.
2. Những trường hợp không được cấp và hạn chế cấp tín dụng:
2.1. Những trường hợp không được cấp tín dụng:
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những trường hợp sau:
+ Người nào là cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hay giám đốc, phó tổng giám đốc hay phó giám đốc, thành viên của Ban kiểm soát và những chức danh tương đương
+ Thành viên thuộc Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hay giám đốc, phó tổng giám đốc hay phó giám đốc, thành viên của Ban kiểm soát và những chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
+ Pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn
Những trường hợp nêu trên không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô
Ngoài ra các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng dựa trên những cơ sở bảo đảm của những đối tượng quy định thuộc những trường hợp nêu trên. Và cũng không được bảo đảm dưới bất kì hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho các đối tượng nêu trên.
Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.
Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng không được cho vay để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp.
2.2. Hạn chế cấp tín dụng:
Những tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:
+ Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
+ Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
+ Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
+ Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
+ Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 10 % vốn tự có của các tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng này không được vượt quá 20 % vốn tự có của tổ chức tín dụng
Việc cấp tín dụng với những đối tượng nêu trên phải được hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong tổ chức tín dụng
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 10 % vốn tự có của các tổ chức tín dụng
3. Giới hạn cấp tín dụng:
– Đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có
– Với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có
– Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức đó. Còn tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Lưu ý: Mức dư nợ cấp tín dụng nêu trên không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.
Mức dư nợ cấp tín dụng ở đây bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.
Ví dụ: Vốn tự có của một ngân hàng E là 9000 tỷ đồng. Thì hạn mức cấp tín dụng- giới hạn cho vay- room tín dụng của ngân hàng A cho một khách hàng là 9000 * 15% = 1350 tỷ đồng. Do đó các khách hàng sẽ được vay với hạn mức tối đa là 1350 tỷ đồng.
– Ngoài những trường hợp nêu trên thì còn một số trường hợp đặc biệt, được quy định như sau:
+ Trường hợp trong một số dự án có nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội mà khả năng cung cấp tín dụng, khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu cầu khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc cấp tín dụng vượt hạn mức nhưng phải đáp ứng đảm bảo điều kiện theo quy định của Thủ tướng chính phủ.
+ Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để có giới hạn room tín dụng rộng hơn, bảo đảm nhu cầu vay vốn của khách hàng.
4. Nới room tín dụng:
Các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng room tín dụng riêng để có thể quản lý và tránh được mức rủi ro trong hệ thống ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng. Giảm tình trạng các ngân hàng thương mại vốn quá ít nhưng lại cho vay quá nhiều
Hết room tín dụng là trường hợp mà người vay đã đạt đến ngưỡng giới hạn cho vay của room tín dụng. Theo đó, ngân hàng không thể tiếp tục cho khách hàng vay được nữa, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng của tổ chức tín dụng và gây ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn ngân hàng của cá nhân, tổ chức. Nền kinh tế của nước ta liên tục phát triển do đó nhu cầu về vay vốn tăng cao dẫn đến nhiều bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân do bất cập với những quy định về room tín dụng
Chính vì những ảnh hưởng này mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một số điều chỉnh đối với room tín dụng Nhà nước nới room tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ mức vay vốn được nhiều hơn so với quy định trước đó.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng với mức điều chỉnh cấp thêm từ 1% – 4% cho các ngân hàng thương mại.