Người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là ai? Cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cần có người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động? Yêu cầu đối với người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Nhiệm vụ của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Quyền lợi của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
An toàn lao động, vệ sinh lao động là vấn đề quan trọng và cấp bách cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc ở tất cả các ngành nghề lao động sản xuất. Ở đâu có quan hệ lao động thì ở đó người lao động cần có được đảm bảo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo được các tiêu chuẩn lao động nói chung. Vì vậy người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh. Vậy người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là ai? Giữ vai trò gì và cần đáp ứng những yêu cầu gì khi làm ở vị trí này?
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
–
Mục lục bài viết
- 1 1. Người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là ai?
- 2 2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cần có người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động?
- 3 3. Yêu cầu đối với người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
- 4 4. Nhiệm vụ của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
- 5 5. Quyền lợi của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
1. Người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là ai?
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nguy cơ gây tai nạn lao động, gây bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có một người có chuyên môn phù hợp làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, người làm công tác này cần phải có kiến thức và được huấn luyện bài bản về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định về người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Nhưng trên tinh thần của quy định đó mà Luật Vệ sinh an toàn lao động năm 2015 hiện hành cũng có một số điều luật quy định liên quan đến người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cần có người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động?
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Theo đó, người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc bố trí một bộ phận làm công tác này, phải phân định trách nhiệm và giao quyền hạn cụ thể đối với những người được phân công làm vị trí này.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh đều bắt buộc phải cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động mà phải tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như điều kiện lao động. Cụ thể điều kiện tối thiểu để cơ sở sản xuất, kinh doanh phải cử người hoặc bộ phận làm công tác an toàn, vệ sinh lao động như sau:
– Nhóm 1: Đối với những cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như khai khoáng, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh tế, than cốc, sản xuất hoá chất, kim loại và các sản phẩm khác từ kim loại, khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng tài và sửa chữa tàu biển, sản xuất và phân phối điện thì người sử dụng lao động ở các cơ sở này phải bố trí bộ phận công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Những cơ sở này phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động với tính chất bán chuyên trách;
+ Sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo tính chất chuyên trách;
+ Sử dụng từ 300 đến dưới 1000 người lao động phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo tính chất chuyên trách;
+ Sử dụng trên 1000 lao động phải bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo tính chất chuyên trách hoặc thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động.
– Nhóm 2: Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực khác với những ngành nghề, lĩnh vực ở Nhóm 1 thì người lao động ở các cơ sở này phải bố trí, tổ chức bộ phận làm công tác an toàn, vệ sinh lao động phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Sử dụng dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động với tính chất bán chuyên trách;
+ Sử dụng từ 300 đến dưới 1000 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động với tính chất chuyên trách;
+ Sử dụng trên 1000 người lao động phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo tính chất chuyên trách hoặc thành lập phòng công tác an toàn, vệ sinh lao động.
3. Yêu cầu đối với người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được chia làm 02 chế độ làm việc: chuyên trách và bán chuyên trách như đã phân tích ở trên. Theo đó, ở mỗi chế độ làm việc khác nhau cũng có yêu cầu về trình độ và chuyên môn khác nhau. Cụ thể là:
– Đối với người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách: Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động không nhất thiết phải có trình độ đại học, tuy nhiên phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Có trình độ cử nhân đại học thuộc khối ngành kỹ thuật và có ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại cơ sở;
+ Có trình độ cao đẳng thuộc khối ngành kỹ thuật và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại cơ sở;
+ Có trình độ trung cấp thuộc khối ngành kỹ thuật hoặc đã trực tiếp làm việc kỹ thuật và có 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại cơ sở.
– Đối với những người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách thì yêu cầu này ít khắt khe hơn về kinh nghiệm. Cụ thể theo khoản 4 Điều 36 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP thì người làm công tác này cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Có trình độ cử nhân đại học thuộc khối ngành kỹ thuật;
+ Có trình độ cao đẳng thuộc khối ngành kỹ thuật và có ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại cơ sở;
+ Có trình độ trung cấp thuộc khối ngành kỹ thuật hoặc trực tiếp làm việc kỹ thuật và có 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại cơ sở.
4. Nhiệm vụ của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 72 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho người lao động trong hoạt động tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, pháp luật cũng quy định một số nhiệm vụ cụ thể sau:
– Xây dựng nội quy, quy định biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; các quy định về phòng, chống cháy nổ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;
– Xây dựng kế hoạch an toàn lao động, vệ sinh lao động hằng năm và đôn đốc người lao động thực hiện theo kế hoạch đó; đánh giá rủi ro và theo đó để xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
– Quản lý, theo dõi việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu cao về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
– Lên kế hoạch và tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền và huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; bồi dưỡng kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
-Kiểm tra và điều tra tai nạn lao động, sự số kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định của pháp luật;
– Phối hợp hoạt động với bộ phận y tế để tổ chức giám sát và kiểm soát các yếu tố có hại, nguy hiểm cho người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
– Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để hướng dẫn các nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động cho sinh viên;
– Tổng hợp ý kiến của người lao động, đoàn kiểm tra, thanh tra và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị về an toàn, vệ sinh lao động;
– Tổ chức thi đua, khen thưởng và kỷ luật, báo cáo, thống kê về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
5. Quyền lợi của người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động:
Bên cạnh nghĩa vụ mà luật quy định cho người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động thì những người làm công tác này được quy định một số quyền hạn sau để đảm bảo cho an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh:
– Quyền yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh tạm đình chỉ hoặc tạm đình chỉ công việc đang thi công trương trường hợp xét thấy công việc đó có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời phải làm báo cáo để người sử dụng lao động được biết về yêu cầu này;
– Quyền đỉnh chỉ hoạt động của máy móc, thiết bị xét thấy không đảm bảo an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng;
– Quyền được tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định pháp luật.
Như vậy, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải đảm bảo được chuyên môn và trình độ theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh không có bất kì người lao động nào đáp ứng được yêu cầu đối người người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động có thể thuê cá cá nhân hoặc tổ chức đủ năng lực, yêu cầu của pháp luật để thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.