Đóng bảo hiểm bao nhiêu lâu thì sẽ được hưởng lương hưu? Độ tuổi hưởng lương hưu mới nhất năm 2023 là bao nhiêu? Giám định sức khoẻ để được nghỉ hưu sớm như thế nào?
Hưu trí không chỉ là chế độ an sinh xã hội dành cho những người lao động cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà còn áp dụng đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiểu đơn giản rằng: Khi bạn tham gia đóng BHXH đủ một thời gian nhất định, tích luỹ đủ điều kiện, và sức khoẻ, độ tuổi của bạn đã đến “ngưỡng” thì bạn sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng.
Vậy tại sao lại có những trường hợp đóng BHXH 20 năm đã được hưởng lương hưu? Nhưng cũng có trường hợp đóng đến 21 năm, 22 năm vẫn chưa được hưởng lương hưu? Quy định của pháp luật về điều kiện hưởng lương hưu mới nhất hiện nay là gì? Có thay đổi qua từng năm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đóng bảo hiểm bao nhiêu lâu thì sẽ được hưởng lương hưu?
* Căn cứ pháp lý:
– Điều 73
– Điểm c Khoản 1 Điều 219 Bộ Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
– Điều 6
– Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
– Khoản 11,12,13 Điều 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Đối với những quy định pháp luật nêu trên thì điều kiện để được hưởng lương hưu hiện nay phải đáp ứng ĐỦ cả 02 điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm và độ tuổi của người muốn hưởng lương hưu.
* Đóng bao nhiêu năm bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được hưởng lương hưu?
– Đối với những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người đi làm việc tại nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động (hợp pháp), người quản lý doanh nghiệp, công an nhân dân, hạ sĩ quan,…. làm việc trong môi trường bình thường khi nghỉ việc có ĐỦ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.
– Đối với những người lao động, công chức, viên chức,…. làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Theo bảng danh mục ngành nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành) hoặc làm việc ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên) khi nghỉ việc có ĐỦ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc các công việc trên và tổng thời gian tham gia BHXH ĐỦ 20 năm thì được hưởng lương hưu.
– Đối với người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò khi nghỉ việc có ĐỦ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc các công việc trên và tổng thời gian tham gia BHXH ĐỦ 20 năm thì được hưởng lương hưu.
* Đóng bao nhiêu năm bảo hiểm tự nguyện thì được hưởng lương hưu?
Người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện hoặc vừa có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, vừa có thời gian tham gia bảo hiểm tự nguyện thì phải có ĐỦ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.
2. Độ tuổi hưởng lương hưu mới nhất năm 2023 là bao nhiêu?
2.1. Độ tuổi hưởng lương hưu thông thường:
Hiện nay chính sách của pháp luật là mỗi năm sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu lên thêm 1 mức. Căn cứ quy định tại Điều 169
– Từ ngày 01/01/2021 (thời điểm Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực), tuổi nghỉ hưu được quy định là: Đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và Đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ;
– Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Cụ thể độ tuổi nghỉ hưu được diễn giải như sau:
* Đối với lao động nam thì lộ trình tuổi nghỉ hưu sẽ được tính như sau:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 60 tuổi 3 tháng |
2022 | 60 tuổi 6 tháng |
2023 | 60 tuổi 9 tháng |
2024 | 61 tuổi |
2025 | 61 tuổi 3 tháng |
2026 | 61 tuổi 6 tháng |
2027 | 61 tuổi 9 tháng |
Từ 2028 trở đi | 62 tuổi |
Như vậy, lao động nam lao động trong điều kiện bình thường, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 60 tuổi 09 tháng trở lên.
* Đối với lao động nữ thì lộ trình tuổi nghỉ hưu sẽ được tính như sau:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 55 tuổi 4 tháng |
2022 | 55 tuổi 8 tháng |
2023 | 56 tuổi |
2024 | 56 tuổi 4 tháng |
2025 | 56 tuổi 8 tháng |
2026 | 57 tuổi |
2027 | 57 tuổi 4 tháng |
2028 | 57 tuổi 8 tháng |
2029 | 58 tuổi |
2030 | 58 tuổi 4 tháng |
2031 | 58 tuổi 8 tháng |
2032 | 59 tuổi |
2033 | 59 tuổi 4 tháng |
2034 | 59 tuổi 8 tháng |
Từ 2035 trở đi | 60 tuổi |
Như vậy, lao động nữ lao động trong điều kiện bình thường, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 56 tuổi trở lên.
2.2. Độ tuổi hưởng lương hưu trước tuổi (độ tuổi nghỉ hưu sớm):
Ngoài những lao động trong điều kiện bình thường nêu trên, pháp luật cũng cho phép nhiều trường hợp được phép nghỉ hưu sớm/nghỉ hưu trước tuổi hay còn gọi là nghỉ hưu non trong khuôn khổ luật định. Cụ thể:
– Người lao động có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng kinh tế khó khăn, làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn mức thông thường (nêu tại mục 2.1 trên) nhưng không quá 05 tuổi tại thời điểm nghỉ hưu.
– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
* Đối với lao động nam thì lộ trình tuổi nghỉ hưu sớm sẽ được tính như sau:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 55 tuổi 3 tháng |
2022 | 55 tuổi 6 tháng |
2023 | 55 tuổi 9 tháng |
2024 | 56 tuổi |
2025 | 56 tuổi 3 tháng |
2026 | 56 tuổi 6 tháng |
2027 | 56 tuổi 9 tháng |
Từ 2028 trở đi | 57 tuổi |
Như vậy, lao động nam lao động trong điều kiện bình thường nhưng suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên đến dưới 81% hoặc thuộc các trường hợp nêu trên, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 55 tuổi 09 tháng trở lên.
* Đối với lao động nữ thì lộ trình tuổi nghỉ hưu sớm sẽ được tính như sau:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 50 tuổi 4 tháng |
2022 | 50 tuổi 8 tháng |
2023 | 51 tuổi |
2024 | 51 tuổi 4 tháng |
2025 | 51 tuổi 8 tháng |
2026 | 52 tuổi |
2027 | 52 tuổi 4 tháng |
2028 | 52 tuổi 8 tháng |
2029 | 53 tuổi |
2030 | 53 tuổi 4 tháng |
2031 | 53 tuổi 8 tháng |
2032 | 54 tuổi |
2033 | 54 tuổi 4 tháng |
2034 | 54 tuổi 8 tháng |
Từ 2035 trở đi | 55 tuổi |
Như vậy, lao động nữ lao động trong điều kiện bình thường nhưng suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên đến dưới 81% hoặc thuộc các trường hợp nêu trên, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 51 tuổi trở lên.
– Trường hợp người lao động trong điều kiện bình thường nhưng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được nghỉ hưu sớm trước 10 năm so với độ tuổi nghỉ hưu thông thường, cụ thể:
* Độ tuổi nghỉ hưu sớm đối với lao động nam suy giảm từ 81% trở lên:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 50 tuổi 3 tháng |
2022 | 50 tuổi 6 tháng |
2023 | 50 tuổi 9 tháng |
2024 | 51 tuổi |
2025 | 51 tuổi 3 tháng |
2026 | 51 tuổi 6 tháng |
2027 | 51 tuổi 9 tháng |
Từ 2028 trở đi | 52 tuổi |
Như vậy, lao động nam lao động trong điều kiện bình thường nhưng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc thuộc các trường hợp nêu trên, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 50 tuổi 09 tháng trở lên.
* Độ tuổi nghỉ hưu sớm đối với lao động nữ suy giảm từ 81% trở lên:
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 45 tuổi 4 tháng |
2022 | 45 tuổi 8 tháng |
2023 | 46 tuổi |
2024 | 46 tuổi 4 tháng |
2025 | 46 tuổi 8 tháng |
2026 | 47 tuổi |
2027 | 47 tuổi 4 tháng |
2028 | 47 tuổi 8 tháng |
2029 | 48 tuổi |
2030 | 48 tuổi 4 tháng |
2031 | 48 tuổi 8 tháng |
2032 | 49 tuổi |
2033 | 50 tuổi 4 tháng |
2034 | 50 tuổi 8 tháng |
Từ 2035 trở đi | 51 tuổi |
Như vậy, lao động nữ lao động trong điều kiện bình thường nhưng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc thuộc các trường hợp nêu trên, năm 2023 muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì độ tối thiểu phải từ đủ 46 tuổi trở lên.
3. Giám định sức khoẻ để được nghỉ hưu sớm như thế nào?
3.1. Thẩm quyền khám giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ hưu trí:
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì người lao động muốn khám giám định suy giảm khả năng lao động của mình phải thực hiện tại Hội đồng giám định y khoa. Vậy tại Hà Nội, muốn khám giám định hưởng hưu trí thì nộp ở địa chỉ nào? Hội đồng giám định y khoa nằm ở đâu?
Theo hướng dẫn tại Công văn 2840/BHXH-TNQLHS năm 2013 giải quyết nghiệp vụ giới thiệu đi giám định y khoa do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành thì có 03 địa chỉ Giới thiệu đi giám định y khoa là:
– 1: Số 86 Thợ Nhuộm, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm nhận hồ sơ giám định y khoa của người lao động cư trú tại các quận/huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm, Mê Linh.
– 2: Số 2 Bế Văn Đàn, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông có trách nhiệm nhận hồ sơ giám định y khoa của người lao động cư trú tại các quận; huyện, thị xã: Hà Đông, Sơn Tây, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ.
– 3: Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, ngõ 1194 đường Láng, quận Đống Đa chỉ nhận hồ sơ giám định y khoa của người lao động, thân nhân người lao động làm việc tại các đơn vị do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
3.2. Hồ sơ khám giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ hưu trí:
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì người lao động muốn giám định xem mức suy giảm khả năng lao động của mình là bao nhiêu thì cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Đối với người lao động chưa nghỉ việc/chưa chấm dứt Hợp đồng lao động thì cần chuẩn bị: Giấy giới thiệu của Công ty/Đơn vị/Tổ chức nơi đang làm việc.
– Đối với người lao động đã nghỉ việc đang chờ hưởng hưu trí thì cần chuẩn bị: Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu.
– Đối với những người lao động đã được giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động thì cần có: Biên bản kèm theo.
– Đối với người lao động đã có hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật thì cần chuẩn bị: Giấy xác nhận, hồ sơ bệnh án, giấy ra viện,…
– Các giấy tờ tùy thân của người lao động: CMTND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực; Hộ khẩu. Trường hợp đã bị thu hồi sổ hộ khẩu cần có xác nhận cư trú của Công an địa phương hoặc CCCD gắn chíp.