Trong đời sống hằng ngày, sao kê ngân hàng được biết tới khá phổ biến. Nhiều trường hợp khi thực hiện các giao dịch ngân hàng cần phải tiến hành sao kê. Vậy sao kê ngân hàng là gì? Khi nào cần phải sao kê ngân hàng?
Mục lục bài viết
1. Sao kê ngân hàng là gì?
– Sao kê được hiểu là ghi chép và kê khai chi tiết các hoạt động giao dịch của cá nhân, tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định
– Sao kê tài khoản ngân hàng là bảng thống kê các giao dịch làm biến động số dư tài khoản trong kỳ sao kê của cá nhân hay tổ chức. Hay nói cách khác là liệt kê lại lịch sử thanh toán của một cá nhân hay tổ chức một cách chi tiết, bao gồm những khoản chi tiêu, thanh toán hàng hóa dịch vụ, ứng tiền mặt.
– Trong bảng sẽ liệt kê một cách chi tiết những biến động số dư của một tài khoản trong một khoảng thời gian mà chủ tài khoản yêu cầu ngân hàng sao kê.
– Trong bảng sao kê thường có những nội dung sau:
+ Số tài khoản của chủ tài khoản
+ Địa chỉ nhà
+ Kỳ sao kê
+ Số dịch vụ khách hàng của ngân hàng
+ Cách báo cáo lỗi hoặc hoạt động gian lận
+ Số dư đầu kỳ trong khoảng thời gian
+ Tiền gửi: ; Tiền gửi trực tiếp; Séc; Chuyển khoản điện tử; Séc hoặc thanh toán bị hủy; Khoản hoàn trả hoặc tín dụng; = + Rút tiền: Mua hàng và thanh toán; Chuyển khoản điện tử; Rút tiền ATM; Thanh toán tự động; Phí do ngân hàng tính
– Tiền lãi hoặc cổ tức kiếm được
– Số dư cuối kỳ trong khoảng thời gian
2. Các hình thức sao kê ngân hàng:
Hiện nay, tại các ngân hàng chủ yếu có 2 hình thức sao kê là sao kê trực tiếp tại ngân hàng và sao kê trực tuyến
– Sao kê trực tiếp là hình thức sao kê tại trụ sở của ngân hàng hoặc các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. Khi sao kê trực tiếp tại ngân hàng, người sao kê sẽ được cấp một bản sao kê có chứng thực của ngân hàng. Bảng sao kê này có đầy đủ tính pháp lý để bổ sung vào hồ sơ hành chính hoặc dùng làm bằng chứng để khiếu nại hoặc tố cáo khi phát hiện ra những sai sót xảy ra trong quá trình giao dịch. Hình thức sao kê này sẽ mất phí, phí này sẽ tùy theo điều khoản của ngân hàng.
Ví dụ: Tại ngân hàng Agribank thì Sao kê bằng Tếng Việt: 20.000 – 50.000 VNĐ/bản đầu tiên, thêm 10.000 VNĐ/bản tiếp theo. Tiếng Anh: 50.000 – 100.000 VNĐ/bản đầu tiên, thêm 20.000 VNĐ/bản tiếp theo. Tại Vietinbank: 2.000 VNĐ/trang, tối thiểu 10.000 VNĐ/lần.
Sao kê trực tuyến là hình thức sao kê mà người dùng tự mình thực hiện sao kê bằng cách sử dụng internet banking. Hình thức sao kê này có ưu điểm là nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Độ chính xác của hình thức sao kê trực tuyến này tương đương với hình thức sao kê trực tiếp. Tuy nhiên, khi sao kê trực tuyến thì bảng sao kê này không có con dấu của ngân hàng cho nên không thể bổ sung vào các hồ sơ giấy tờ cho các thủ tục hành chính như hồ sơ vay vốn, hồ sơ chứng thực tài khoản.
Ngoài 2 cách nêu trên khách hàng còn có thể in sao kê tại cây ATM thuộc hệ thống ngân hàng mà bạn muốn sao kê nhưng chỉ có thể xem lại các giao dịch gần nhất hoặc in sao kê 10 giao dịch gần nhất.
3. Khi nào cần phải sao kê ngân hàng?
Sao kê tài khoản ngân hàng thông thường sẽ xuất phát từ những yêu cầu tài chính như việc kiểm tra tài chính, xác thực tài chính. Việc sao lưu tài khoản ngân hàng giúp đề phòng và kiểm tra những sai sót, nhầm lẫn từ phía ngân hàng và từ những tài khoản khác có phát sinh giao dịch với tài khoản của bạn
Sao kê tài khoản ngân hàng trong trường hợp bạn thực hiện giao dịch chuyển khoản mà nhầm lẫn tài số tài khoản ngân hàng của người nhận. Trường hợp người nhận nhầm không trả lại số tiền đã nhận thì bạn tiến hành sao kê tài khoản ngân hàng của mình rồi tố cáo ra phía
Sao kê tài khoản ngân hàng giúp bạn theo dõi các khoản tiết kiệm, tiền lãi gửi ngân hàng, việc kiểm tra số dư đầu kỳ gửi và cuối kỳ gửi giúp bạn dễ dàng quản lý nguồn vốn và an tâm hơn khi gửi tiết kiệm
Cá nhân thực hiện sao kê để chứng minh thu nhập với tổ chức tín dụng để từ đó họ có căn cứ chấp thuận hoặc từ chối mở thẻ tín dụng hoặc đơn xin vay vốn.
4. Hướng dẫn thủ tục sao kê tại các ngân hàng:
4.1. Thủ tục sao kê bằng hình thức trực tiếp:
Mỗi ngân hàng sẽ có những yêu cầu và những thủ tục hành chính khác nhau khi khách hàng muốn sao kê tài khoản của mình. Ngân hàng sẽ không tự ý cấp sao kê cho khách hàng nếu như họ không có yêu cầu hoặc cấp sao kê cho người khác mà không phải chủ tài khoản ngân hàng trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Thông thường, cách thức in sao kê tài khoản ngân hàng bao gồm:
+ Khách hàng đến trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mà mình đã đăng kí mở tài khoản để thực hiện sao kê tài khoản ngân hàng của chính mình.
+ Khách hàng cần mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc những giấy tờ thay thế khác.
+ Khách hàng cần mang theo thẻ ATM để nhân viên ngân hàng tiến hành sao kê tài khoản của mình
+ Sau khi phía ngân hàng đã sao kê tài khoản giao dịch ngân hàng thì khách hàng cần kiểm tra kĩ xem bản sao kê này đã có dẫu mộc tròn của ngân hàng hay chưa, một bản sao lưu muốn có giá trị pháp lý thì phải có dấu mộc tròn của ngân hàng nơi mình mở tài khoản.
4.2. Thủ tục sao kê bằng hình thức trực tuyến:
Với hình thức trực tuyến thì chính chủ sử dụng số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng muốn sao kê sẽ tiến hành gọi lên tổng đài bên phía ngân hàng. Sau đó họ sẽ được hỏi những câu nhằm xác định chính chủ (gồm số CMT, ngày tháng năm sinh, các giao dịch gần nhất trên tài khoản…). Sau khi đã xác minh chính xác ở đầu giây bên kia là chính chủ thì phía ngân hàng sẽ hỗ trợ gửi sao kê theo hai hình thức: qua email (đã đăng ký với ngân hàng) hoặc gửi chuyển phát nhanh bản bản sao kê về địa chỉ khách hàng đã đăng ký với ngân hàng.
5. Quyền yêu cầu in sao kê tài khoản ngân hàng của người khác:
– Thông thường sao kê tài khoản ngân hàng thường xuất phát từ nhu cầu của cá nhân và trong một vài trường hợp việc sao kê tài khoản ngân hàng sẽ do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để phục vụ cho quá trình điều tra. Tuy nhiên chỉ có một trong 10 nhóm cá nhân của các cơ quan sau có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin sao kê tài khoản của khách hàng căn cứ Điều 10 Nghị định 117/2018/NĐ-CP. Bao gồm:
Nhóm 1, Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.
Nhóm 2, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra; thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra
Nhóm 3, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên
Nhóm 4, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật về kiểm sát nhân dân.
Nhóm 5, Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị nghiệp vụ trong công an nhân dân, quân đội nhân dân theo thẩm quyền quy định của pháp luật về công an nhân dân, quân đội nhân dân.
Nhóm 6, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự.
Nhóm 7, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Nhóm 8, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Nhóm 9, Cá nhân khác của cơ quan nhà nước được pháp luật có liên quan quy định có thẩm quyền ký văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng.
Nhóm 10, Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài những nhóm cá nhân có thẩm quyền trên thì phía ngân hàng sẽ không cung cấp bảng sao kê ngân hàng cho bất kì cá nhân khác mà không phải chủ tài khoản ngân hàng.
6. Mức xử phạt đối với hành vi làm lộ thông tin khách hàng:
Trường hợp ngân hàng làm lộ thông tin của khách hàng là thì sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc về mặt hình sự.
Xử lý vi phạm hành chính: Tại điểm d khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng thì người nào làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Xử lý về mặt hình sự: Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015quy định trong trường hợp số lượng tài khoản làm lộ thông tin từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên thì người thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hoá trái phép thông tin tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý theo quy định tại điều này, mức phạt có thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; Với tội này có thể bị phạt đến 7 năm tù.