Chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử phạt hành vi chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép. Mẫu đơn tố cáo người khác có hành vi chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép.
Hiện nay, rất nhiều trường hợp chỉ vì xích mích hoặc tư thù cá nhân mà nhiều người đã có hành vi chế nhạo, bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Đó là một hành vi vừa vi phạm đạo đức vừa vi phạm pháp luật. Vậy với hành vi chê người khác béo, lùn, xấu, lép bị phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép có vi phạm pháp luật không?
Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn liền với nhân thân của con người và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Ngoại hình luôn là yếu tố quyết định đầu tiên và rất quan trọng với mỗi cá nhân. Ngoại hình là điều kiện tiên quyết tạo ấn tượng đầu tiên khi giao tiếp, gặp nhau. Với mỗi người, ngoại hình là vấn đề rất tế nhị, nhạy cảm. Bởi thực tế cuộc sống, không ai hoàn hảo và có những khiếm khuyết về ngoại hình của mình. Và không thể tránh khỏi việc bị người khác chê bai, trêu ghẹo bằng những lời bông đùa, ví dụ như: “mập như heo”; “gầy như người nghiện”; chê lùn; chê xấu… Thậm chí việc chê bai này không chỉ bằng việc nói trực tiếp mà còn thông qua hành vi đăng tải trên mạng xã hội như facebook, instagram,… mà như hiện tại xã hội gọi là “body shaming”.
Việc chê bai như này diễn ra rất nhiều, thậm chí từ chính người thân trong gia đình và bạn bè. Có thể mục đích của họ khi nói ra chỉ là trêu đùa chứ không có ý gì; hoặc thực tế có nhiều người ganh ghét lợi dụng việc đó để nhằm mục đích hạ bệ người khác, làm họ xấu hổ và thậm chí muốn làm họ thấy nhục nhã để xúc phạm họ. Và việc này chính là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân.
Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Nhưng thực tế có thể hiểu đó là việc một người có những lời nói thô bỉ, tục tĩu, chửi mới, những lời nói khó nghe,….nhằm mục đích để miệt thị, nhục mạ, hạ thấp uy tín cũng như làm đối phương bị xấu hổ, xúc phạm đến danh dự của đối phương. Và đây là một hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời cũng là hành vi bị xã hội lên án rất nhiều.
2. Chế tài xử phạt hành vi chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép:
Như trên đã phân tích hành vi chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép là hành vi vi phạm pháp luật bị xã hội lên án. Hành vi này tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Chế tài xử phạt vi phạm hành chính:
* Đối với trường hợp người thân trong gia đình có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình:
Căn cứ tại Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm
+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình
+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân
Ngoài việc xử phạt tiền thì sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP
* Đối với trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thông qua mạng xã hội: có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Ngoài việc phạt tiền thì sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội xuống.
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu hành vi chê người khác béo, xấu, lùn, gầy,… gây ra hậu quả lớn cũng như tính chất nguy hiểm sẽ còn bị truy cứu trách nhiệm về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155
– Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên
+ Đối với 02 người trở lên
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
+ Đối với người đang thi hành công vụ
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Làm nạn nhân tự sát
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Có thể thấy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến danh dự người khác là không đúng đắn về mặt đạo đức và pháp luật, được pháp luật quy định về các chế tài xử lý rất nghiêm minh và chặt chẽ
Về việc bồi thường dân sự:
Thiệt hại dân sự do danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 592
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
– Thiệt hại khác do luật quy định
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại, ngoài ra sẽ phải thêm một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu
Về mức bồi thường: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định
Như vậy, ngoài việc chịu trách nhiệm chính theo quy định của pháp luật thì người thực hiện hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt dân sự như phân tích ở trên
3. Mẫu đơn tố cáo người khác có hành vi chê người khác béo, lùn, gầy, xấu, lép:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN TỐ CÁO
(Về hành vi làm nhục người khác)
Kính gửi: Cơ quan công an….
1. Người tố cáo:
- Họ và tên:…
- Sinh năm:…
- CMND/CCCD số:… Ngày cấp:…Nơi cấp:…
- Địa chỉ thường trú:…
- Số điện thoại:…
- Người bị tố cáo:
- Họ và tên:…
- Sinh năm:……
- CMND/CCCD số:… Ngày cấp:… Nơi cấp:…
- Địa chỉ thường trú:…
- Số điện thoại:…
- Nội dung tố cáo:
(Trình bày diễn biến, hành vi làm nhục, lăng mạ, xúc phạm người khác; hành vi vi phạm quy định pháp luật nào, thiệt hại gây ra cho người tố cáo) :……
- Yêu cầu tố cáo:
(Xử lý người bị tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường): ……
Tôi cam đoan những nội dung trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn.
Người tố cáo
(ký, ghi rõ họ tên)
Hướng dẫn viết đơn tố cáo:
– Phần mở đầu: viết đầy đủ quốc hiệu, tiêu ngữ
– Tên đơn: Đơn tố cáo in hoa viết giữa dòng, về hành vi làm nhục người khác
– Thông tin cá nhân của người làm đơn: Họ và tên; Số thẻ căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp; Số điện thoại; địa chỉ cư trú (nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện tại)
– Tiếp theo trình bày thông tin đầy đủ của người có hành vi làm nhục mình: Họ và tên; Số thẻ căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp; Số điện thoại; địa chỉ cư trú (nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện tại)
– Nội dung đơn tố cáo: trình bày lại đầy đủ diễn biến sự việc một cách chi tiết nhất
– Đưa ra yêu cầu tố cáo:
+ xử lý theo đúng quy định của pháp luật
+ buộc đưa ra lời xin lỗi (xóa bài đăng trên mạng xã hội – nếu có)
+ bồi thường thiệt hại về tinh thần
– Lời cam đoan và ký ghi rõ họ tên